Dinh dưỡng học đường

Ăn tôm giúp tăng cholesterol tốt

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Gần đây có một số thông tin cho rằng, ăn tôm nhiều có thể làm tăng cholesterol, không tốt cho trẻ, đặc biệt là trẻ thừa cân, béo phì. Một số bà mẹ cho rằng, tôm giàu canxi nhưng canxi nằm nhiều ở vỏ tôm mà khi ăn, trẻ thường bóc vỏ, vì thế kỳ vọng ăn tôm giúp con cao lớn không được đáp ứng.

Theo các nghiên cứu của Mỹ, trong tôm không có chất béo chuyển hóa, ít chất béo bão hòa, do đó ăn tôm không làm tăng cholesterol. Ngược lại, ăn tôm giúp làm tăng hàm lượng HDL (cholesterol tốt) trong máu ở mức an toàn. Ăn tôm bị tăng cholesterol chỉ khi ta chiên tôm trong chảo ngập dầu, ăn tôm bao bột rán giòn, tôm sốt bơ…Nếu ăn quá nhiều món này trong một tuần chẳng những cholesterol tăng mà sức khỏe tim mạch cũng suy giảm.

BS Nguyễn Nam, Phòng khám Hồng Sơn Đường cho biết, trẻ ăn tôm rất tốt cho sức khỏe. Từ lúc trẻ ăn dặm, các bà mẹ nên xay tôm nấu bột để tăng lượng canxi cho trẻ. Với trẻ đi học, một tuần có thể ăn 3 bữa canh tôm nấu bầu, rau đay, rau ngót…

Canh tôm nấu bầu.

Canh tôm nấu bầu.

Trong 100g tôm có đến 200mg canxi,  là thực phẩm hàng đầu trong việc bổ sung canxi cho trẻ. Canxi trong tôm tập trung nhiều ở thịt, chân và càng, không nhiều ở vỏ tôm, nếu nấu canh bằng tôm nhỏ xay nhuyễn sẽ tận dụng hết lượng canxi trong tôm. Tôm cũng là thực phẩm ít năng lượng, nhiều dinh dưỡng. Hàm lượng các chất dinh dưỡng, đặc biệt là  protein có trong tôm rất cao. Trong 100g tôm tươi có đến 18,4g protein, rất tốt đối với sức khỏe.

Tôm chứa nhiều vitamin B12, loại vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa năng lượng bên trong cơ thể, giữ nhiệm vụ tổng hợp nucleotic, protein. Bổ sung đủ vitamin B12 giúp cơ thể không mệt mỏi, đau đầu, tăng sức khỏe cho các cơ, tốt cho các cháu phải học tập vất vả và các cháu ưa hoạt động. Trẻ em là đối tượng cần phải bổ sung omega 3 giúp trí não phát triển mà tôm là thực phẩm giàu omega 3. Ăn tôm giúp trẻ học lâu mệt, giảm stress, giúp nhuận da.

Đối với tôm nhỏ có thể rang ăn cả vỏ nhưng với tôm to, mẹ có thể hấp, nướng cho trẻ ăn. Tôm to nên bóc vỏ để trẻ dễ tiêu, không hóc. Khi ăn tôm nhớ làm kỹ, bỏ phần phân trên đầu tôm đi, nấu chín để phòng tiêu chảy, ngăn ngừa ký sinh trùng vì tôm sống dưới nước nên dễ nhiễm sán ký sinh.

Khi mua tôm, các bà mẹ nên lưu ý, tùy mục đích sử dụng mà có thể chọn tôm đồng hay tôm biển. Theo BS Nguyễn Nam, tôm biển giàu protid, canxi, photpho, sắt, vitamin B1, B2, PP, ngoài ra còn có cholesterol, melatonin, axit béo omega 3. Tôm đồng giàu đạm, kali, photpho, magiê, iốt, vitamin A. Tôm biển vị ngọt mặn, tính ôn, có tác dụng bổ thận tráng dương, khai vị hóa đàm, thích hợp cho trẻ ăn kém, chậm tiêu. Tôm đồng có vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ thận tráng dương, giải độc, trị mụn nhọt. Trẻ kém tiêu hóa nên ăn tôm đồng.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP