Y học và đời sống

Ăn tỏi chữa tắc vòi trứng?

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều chị em mách nhau mỗi ngày nên ăn từ 5 đến 7 nhánh tỏi có thể chữa được tắc vòi trứng. Thực hư vấn đề này ra sao?

Tốt nên bị đồn thổi nhiều

Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ấm, có công dụng hành khí trệ, làm ấm tỳ vị, tiêu tích, giải độc và sát trùng, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như: đầy bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, đau bụng do lạnh, phù thũng, tiêu chảy, bệnh lỵ, sốt rét, ho gà, mụn nhọt, đinh độc, viêm loét lâu liền, rụng tóc, nấm tóc, rắn cắn… 

Y học hiện đại cũng cho thấy tỏi có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virrus và ký sinh trùng đường ruột; điều chỉnh rối loạn lipid máu và làm giảm đường máu; hạ huyết áp, cải thiện sức co bóp cơ tim, lợi tiểu; chống đông máu, ức chế sự ngưng tập tiểu cầu, gia tăng hoạt tính dung giải fibrin và làm chậm quá trình vữa xơ động mạch: thúc đẩy bài tiết dịch vị và chuyển hóa cơ thế; bảo hộ tế bào gan, chống oxy hóa và làm chậm quá trình lão hóa; chống viêm và chống ung thư; nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể…

Chính vì những tác dụng nổi trội của tỏi nên người ta đồn thổi, mách nhau dùng tỏi để chữa rất nhiều bệnh. Tỏi giúp thông khí huyết, tốt cho cơ thể nhưng không thể giải quyết được tình trạng tắc vòi trứng. Ngay cả các thuốc Đông và tây y đều không có tác dụng điều trị tắc vòi trứng, giúp cho hết tắc mà bắt buộc phải phẫu thuật.

Dễ sinh bệnh khác

Theo LY Nguyễn Hữu Toàn, Hội Đông y Hải Phòng hiện nay cũng chưa có công trình nghiên cứu nào được công bố có đề cập tới việc ăn tỏi chữa khỏi tắc vòi trứng.

Nếu xét theo quan điểm của Đông y thì tắc vòi trứng, ứ dịch vòi trứng do khí trệ, huyết ứ, đờm thấp khiến cho khí huyết không lưu thông, khiến dịch bị ứ đọng trong vòi trứng gây viêm, ứ dịch, tắc, dính vòi trứng. Ăn tỏi có tác dụng chữa khí hư, tiêu đờm, có tác dụng tốt với bệnh nhân tắc vòi trứng. Hơn nữa chất kháng sinh tự nhiên trong tỏi cũng giúp hỗ trợ điều trị viêm nhiễm. Tuy nhiên, tỏi có tính nóng, có độc, sinh đờm nhiệt, nếu ăn nhiều tỏi sẽ gây tiêu hao khí, tổn hại máu huyết. Do đó, bệnh nhân tắc vòi trứng mà cơ thể vốn nhiệt thì ăn tỏi sẽ không có tác dụng, thậm chí có thể khiến cơ thể mệt mỏi hơn, dễ sinh những bệnh khác.

 Nhiều tỏi gây hại cho tim

Theo LY Vũ Quốc Trung, tỏi có thể gây ra một số phản ứng phụ do bản thân thành phần có trong tỏi hoặc sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng. Ăn nhiều tỏi sống sẽ thấy khó chịu trong bao tử, gây xót ruột, hoặc ói mửa và tiêu chảy. Nước tỏi tươi dùng ngoài da có thể gây dị ứng như làm đỏ da hay phỏng da ở một số người. Tuyệt đối không nên ăn quá nhiều tỏi hoặc uống thuốc tỏi nhất là khi đang mắc bệnh về máu huyết, bệnh về tiêu hóa...

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, tỏi là gia vị thực phẩm chỉ có vai trò phòng bệnh. Bởi thành phần chính trong tỏi là chất kháng sinh allicin (C6H10OS2) có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh nên nếu mỗi bữa dùng từ 3 – 5 tép tỏi nhỏ có tác dụng phòng bệnh nói chung. Với hệ tim mạch, tỏi có tác dụng chống kết tập tiểu cầu không cho kết tụ thành cục máu đông nên có tác dụng ngừa tai biến tim mạch và làm hạ huyết áp. Rượu là chất dẫn để thuốc tốt hơn, nên uống rượu tỏi làm tăng tác dụng của tỏi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, rượu tỏi theo nghiên cứu của WHO chỉ có tác dụng khi dùng ở liều mỗi ngày 2 lần: sáng – tối, mỗi lần 40 giọt (1 thìa cà phê), dùng nhiều sẽ có hại khiến hơi thở hôi, rối loạn dạ dày - ruột, ức chế tuyến giáp... Đặc biệt nếu uống nhiều rượu tỏi lại gây hại cho tim: loạn nhịp tim, giãn các buồng tim, giảm sức co bóp của tim và suy tim....

Thúy Nga

BẢN DESKTOP