Doanh nghiệp

An toàn thực phẩm: cần đẩy mạnh vai trò của truyền thông khoa học

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Thực phẩm hữu cơ (organic) có thật sự là an toàn không và thực phẩm biển đổi gen tại sao đã được chứng minh an toàn vẫn bị tẩy chay?

Do những lo lắng về an toàn thực phẩm ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm đến thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, thực phẩm hữu cơ (organic) có thật sự là an toàn không và thực phẩm biển đổi gen tại sao đã được chứng minh an toàn vẫn bị tẩy chay? Cuộc chiến này tạo nên nhiều tranh luận trên khắp thế giới. Và người ta đặt câu hỏi, vai trò của truyền thông khoa học ở đâu?

Đánh vào nỗi sợ để bán hàng

Trước những tranh luận không hồi kết, nhằm làm rõ vai trò của truyền thông khoa học trong việc thông tin về an toàn thực phẩm, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Ngành thúc đẩy ứng dụng khoa học nông nghiệp (CropLife) Việt Nam tổ chức hội thảo về vấn đề này. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về truyền thông và nông nghiệp trong nước cũng như quốc tế.

TS David Zaruk là giảng viên bộ môn Truyền thông, Marketing, Quan hệ Công chúng và Quan hệ Chính phủ tại Đại học Odisee (Brussel, Vương Quốc Bỉ). Ông cũng là chuyên gia về Truyền thông Khoa học và rủi ro tại Liên minh Châu Âu từ năm 2000. Zaruk cũng là thành viên sáng lập ra GreenFacts - Tổ chức khuyến khích phổ biến cách tiếp cận thông tin và đưa ra các quyết định dựa trên căn cứ khoa học đối với các vấn đề về sức khỏe và môi trường Châu Âu. TS David dùng câu chuyện một quả táo để tranh luận về vai trò của khoa học công nghệ trong nông nghiệp hiện đại, những vấn đề về truyền thông “bẩn”.

Theo David, quả táo ngọt và sâu rất thích ăn chúng. Để có táo ăn, người ta phải dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo quy trình sản xuất nhưng lại tuyên truyền rằng, quả táo này được trồng hữu cơ (organic) rất an toàn. Thực chất, nếu trồng hữu cơ đúng nghĩa, cây táo rất nhiều sâu bệnh và cho năng suất thấp, chất lượng kém. Để bán giá cao và thu nhiều lợi nhuận người ta thường thích gắn mác organic.

Trong khi thực tế không ai kiểm chứng được những thứ trồng organic đó có an toàn hay không. Và nhờ nỗi sợ về an toàn thực phẩm, lo ngại về sức khỏe mà phe bán sản phẩm hữu cơ thu được lợi nhuận cao hơn thông thường rất nhiều. Trong khi đó, hơn một thập kỷ, các nhà khoa học đã dùng hàng nghìn nghiên cứu để chứng minh thực phẩm biến đổi gen an toàn cho sức khỏe, đảm bảo mẫu mã đẹp, không bị sâu bệnh, tăng thu nhập cho người nông dân, giảm phát thải CO2, tốt cho môi trường thì luôn bị tẩy chay.

Cách đây không lâu, hơn 107 học giả đạt giải Nobel đã ký tên viết thư ủng hộ cây trồng đổi gen và thực phẩm biến đổi gen. Bởi hơn ai hết, họ là những nhà khoa học chân chính hiểu rõ ích lợi của cây trồng sinh học với đời sống nông dân và xã hội. TS David cũng cho biết, sự thật là sản xuất hữu cơ có sử dụng thuốc trừ sâu, gây hại tới loài ong, làm tăng phát thải CO2 ra môi trường và tạo nên nỗi sợ hãi không có thật về cây trồng biến đổi gen. Sản xuất hữu cơ chi phí cao, sản lượng thấp, nông dân khó cạnh tranh, chưa có căn cứ khẳng định hữu cơ là an toàn. Hữu cơ chỉ đơn thuần là một khái niệm truyền thông tiếp thị để thu lợi từ việc gắn mác organic xa xỉ cho sản phẩm.

Vai trò của truyền thông chân chính

Vậy vấn đề vai trò của truyền thông khoa học chân chính ở đâu? Khi hỏi google về gạo Việt Nam, TS David nhận được cả loạt thông tin thiếu tích cực từ những trang mạng không chính thống, lấn át các nguồn tin khoa học. Vậy đâu là nguồn tin đúng, khoa học và chân thực mà mọi người có thể tham khảo, tin cậy?

Báo chí truyền thống chịu nhiều áp lực, tin tức giả lan tràn trên mạng xã hội, tốc độ lan tỏa thông tin khó kiểm soát, nhiều nhóm truyền thông tự phát dẫn dắt các chiến dịch, vận động hành lang ủng hộ sản phẩm hữu cơ, cổ súy cho “sản xuất hữu cơ quy mô lớn”... Nhiều đơn vị, tổ chức, quốc gia bỏ ra nhiều tiền để ủng hộ phe hữu cơ. Thậm chí dùng các ma trận, thuật toán để tăng lượng like, tăng lượng người truy cập, bình luận... Chiến dịch này tạo ra những nhãn hiệu thực phẩm xa xỉ mà ngành bán lẻ ưa chuộng (vì cho lợi nhuận cao) trong khi nông dân không thể trồng đủ thực phẩm hữu cơ. Họ kiện công ty cung cấp thuốc BVTV glyphosate vì cho rằng không tốt cho môi trường và sức khỏe. Trong khi đó, Glyphosate đã có mặt trên thị trường 40 năm, được xem là thuốc trừ cỏ của thế kỷ. 3000 nghiên cứu khoa học từ nhiều nước trên thế giới đã chứng minh glyphosate an toàn. Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu (EFSA), Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) và Viện Quốc gia Đức về đánh giá rủi ro (BfR) công nhận glyphosate là an toàn. Tuy nhiên, chỉ 1 nghiên cứu của Cơ quan Ung thư quốc tế với hướng tiếp cận nguy cơ cho rằng không an toàn (theo cách “giết nhầm còn hơn bỏ sót” – TS David hóm hỉnh nói) đã làm ảnh hưởng tới hàng tỷ nông dân trên thế giới. Mặc dù đông đảo các nhà khoa học chân chính đã vào cuộc nhưng một số nhà khoa học bị mua chuộc bởi danh tiếng và những khoản chi trả lớn đã gây nên nhiều tranh luận, nhiễu thông tin.  

Cẩn trọng trong truyền thông

Các nhà khoa học, các chuyên gia truyền thông tham dự hội thảo "An toàn thực phẩm và vai trò của truyền thông khoa học".

Các nhà khoa học, các chuyên gia truyền thông tham dự hội thảo "An toàn thực phẩm và vai trò của truyền thông khoa học".

Làm thế nào để biết được đâu là nhà khoa học thực sự? Một nhà khoa học uy tín bắt đầu với bằng chứng và khớp nối các kết luận, đưa ra bằng chứng, quay lại phòng thí nghiệm, để người khác lan tỏa các khám phá, họ chấp nhận thách thức và luôn hoài nghi. Một nhà khoa học hoạt động thường bắt đầu với kết luận và khớp nối với các bằng chứng, có nhà quản lý PR, sử dụng phòng thí nghiệm cho các cuộc phỏng vấn truyền thông. Tìm kiếm sự đồng thuận với các chính sách, chỉ trích các thử thách. Theo TS David, phân biệt được các nhà khoa học sẽ cho ta định hướng được đâu là nguồn thông tin đáng tin cậy. Và giới truyền thông cần đảm bảo việc đưa tin có trách nhiệm, cẩn trọng.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sỹ Jason Sandahl, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng cho rằng, sử dụng các giải pháp BVTV tiên tiến nhằm đảm bảo đủ lương thực cho dân số toàn cầu như hiện nay. Vấn đề mấu chốt là cần có một nền tảng pháp lý chuẩn khoa học và có sự tham gia của nhiều bên trong việc thực thi các phương thức thực hành nông  nghiệp bền vững.

Tiến sĩ Trần Bá Dung – Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng cần nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí về khoa học công nghệ (KH-CN). Đưa tin về lĩnh vực KH-CN, an toàn thực phẩm (ATTP) cần chính xác, cụ thể, kịp thời, có phân tích, có định hướng. Đặc biệt, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, kiến thức KH-CN cho các nhà báo viết về KH-CN, ATTP; Coi trọng đạo đức nghề nghiệp trong đưa tin KH-CN, ATTP.

Tuyết Vân

BẢN DESKTOP