Đời sống

Ăn thì ít, chơi thì nhiều

n thì ít, chơi thì nhiều. Câu nói vui của bà Trần Thị Kim Phượng (74 tuổi, ở C2 Tập thể Nam Đồng, Hà Nội), nhưng cũng đúng với thực tế, bởi ở tuổi này quan trọng nhất là hoạt động để vui khỏe.

Bà Trần Thị Kim Phượng nói vui, ở tuổi này ăn thì ít, chơi thì nhiều.

Ăn rau để dành tiền đi xe ôm

Từ bé bà Phượng đã mê sách. Bà kể nhiều khi chui vào chăn đọc sách, đọc mê mải, suốt đêm đến nỗi thị lực suy giảm. Mà mê nhất là văn học Nga, mê đến nỗi những vần thơ bà làm về nước Nga khiến nhiều người tưởng bà đã được đặt chân đến đấy rồi.

Ngoài văn học bà còn rất thích hát. Đã từng theo một người bạn đi sơ tuyển vào trường nhạc, nhưng vì nhà nghèo, không có điều kiện nên đành phải từ bỏ mơ ước.

Tốt nghiệp đại học ngành thư viện, sau về công tác tại Bộ Giao thông – Vận tải. Trong thời gian công tác, bà luôn tích cực tham gia các phong trào văn nghệ, còn là người tổ chức các chương trình hội diễn.

Sôi nổi, nhiệt tình, thích hoạt động như vậy, cho nên trước khi về hưu bà cũng sợ nghỉ rồi ngồi một chỗ sẽ buồn, có khi ốm mất. Vì vậy, chưa nghỉ bà đã đi tìm các CLB để tham gia sinh hoạt.

Từ các CLB thơ ở phường, CLB thơ Đường… đến CLB yêu thiên nhiên, CLB du lịch… có tới cả chục CLB. Nhiều CLB bà còn tham gia biểu diễn văn nghệ, rồi lại dạy hát cho mọi người. Thế nên, ngày nào cũng đi suốt.

Bà nói vui, ăn thì ít, chơi thì nhiều. Bởi vì ở tuổi này, ăn uống đơn giản lắm, quan trọng là phải hoạt động, phải ra ngoài tham gia với cộng đồng thì mới vui, mới khỏe.

Hai ông bà sống bằng đồng lương hưu, mà đi lại nhiều, lại toàn đi xe ôm nên cũng tốn. Như bà nói, phải ăn rau để dành tiền đi xe ôm.

Về hưu được sống trọn vẹn với đam mê

Tôi đã được dự mấy buổi sinh hoạt các CLB của bà Phượng. Ở đâu cũng thấy bà là thành viên tích cực về văn nghệ, buổi sinh hoạt nào bà cũng có tiết mục biểu diễn.

Ở CLB Sức khỏe tâm tình người cao tuổi, bà còn là phó chủ nhiệm, trưởng ban văn nghệ. Dường như những đam mê thời trẻ đối với ca hát mà bà đã phải bỏ dở thì giờ đây khi đã về hưu bà lại được sống trọn vẹn với nó.

Không chỉ mê văn nghệ, bà Phượng còn có cái duyên kể chuyện, rất hóm hỉnh và lôi cuốn. Bà là kho tiếu lâm, cứ ở đâu có bà là ở đấy có tiếng cười. Lên xe đi tham quan là bà lại kể chuyện vui, khiến mọi người quên cả say xe.

Tôi được nghe bà đọc cả một bài thơ dài về tuổi bảy mươi, trong đó có những câu rất ngộ: Bảy mươi là tuổi đáng yêu. Hội hè vui vẻ ấy liều thuốc tiên!

Giờ mắt yếu không đọc được nhiều, nhưng bù lại bà có một trí nhớ rất tốt, nghe chuyện tiếu lâm hay thơ là nhập tâm ngay. Còn bài hát thì thuộc đến cả trăm bài. Học bài mới thì bà thường nghe qua máy.

Với bà Phượng, quan trọng nhất là sức khỏe và niềm vui. Hai ông bà sống trong căn hộ nhỏ xinh tại khu tập thể Nam Đồng. Căn phòng nhỏ nhưng luôn là một tụ điểm để bạn bè đến tập hát.

Tuy không tham gia CLB cùng bà, nhưng ông luôn tạo điều kiện để bà được sống với đam mê của mình. Lúc đầu ông cũng lo, sợ bà đi nhiều thì mệt, nhưng thấy bà vui nên ông cũng ủng hộ. Lại có những khi bà về muộn, ông vẫn tự nấu cơm.

Gặp lần nào cũng thấy bà mặc rất đẹp, trò chuyện vui vẻ, sôi nổi, yêu ca hát. Nhưng đọc thơ bà mới một con người hoàn toàn khác, đầy nội tâm và trĩu nặng nỗi buồn: Khi ta cười là tim ta đang khóc… Đó là câu thơ trong bài Tự vấn của bà in trong tập Cỏ dại, tập thơ thứ 5 của bà.

Ai cũng có một nỗi buồn. Có người chìm đắm trong nỗi buồn đó, để nó nhấn chìm cuộc đời mình. Nhưng cũng có người biết cách vượt qua nó để có thể sống vui sống khỏe. Không những thế còn mang lại niềm vui cho những người xung quanh. Đó là điều mà bà Phượng đã làm được.

Minh Châu

BẢN DESKTOP