Dinh dưỡng

Ăn rau cải có khiến u tuyến giáp to lên?

  • Tác giả : Thúy Nga
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh lý tuyến giáp. Bên cạnh những thực phẩm bổ dưỡng, có lợi, người bệnh cũng cần tránh những thực phẩm không tốt cho tuyến giáp.

Hỏi: Tôi nghe nói người bị bệnh tuyến giáp ăn rau cải sẽ khiến bệnh nặng hơn. Không biết có đúng không?

Nguyễn Thị Hương (Hà Nội)

Trả lời: ThS.BS Nguyễn Khắc Hoàng, Trưởng đơn vị Điện quang Can thiệp, Bệnh viện TƯ quân đội 108 cho biết, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh lý tuyến giáp. Bên cạnh những thực phẩm bổ dưỡng, có lợi thì người bệnh cũng cần tránh những thực phẩm không tốt cho tuyến giáp.

Trong số các thực phẩm được coi là không tốt cho tuyến giáp có các loại rau chứa Goitrogenic. Thành phần Goitrogenic là hợp chất làm chậm quá trình hoạt động của tuyến giáp. Các loại rau củ chứa thành phần này có thể kể tên các loại họ rau cải như cải xoăn, cải bắp, cải chíp, súp lơ xanh,…

Vì thế, nhiều người khuyên nếu mắc bệnh tuyến giáp, bệnh nhân cần lưu ý đến nhóm rau này trong chế độ dinh dưỡng của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn các loại rau này ra khỏi chế độ dinh dưỡng. Bởi, chúng cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

BS. Nguyễn Việt Cường, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội phân tích, rau họ cải ở đây được định nghĩa là những thực vật thuộc chi Cải, không chỉ rau cải xoăn mà còn bao gồm một số rau xanh hay gặp trong bữa ăn hàng ngày của người Việt như súp lơ, cải bắp, bông cải trắng, cải búp, cải chíp .... Những loại rau này chứa nhiều glucosinate, chất sản sinh ra sunforaphane, phenethyl và isothiocyanate có đặc tính chống ung thư.

Glucosinate cũng có tác động đến quá trình tổng hợp chức năng tuyến giáp, nói cách khác ăn quá nhiều rau cải có thể giảm hormone tuyến giáp hay giảm chức năng tuyến giáp.

Tuy vậy, chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ ăn bao nhiêu rau cải thì chức năng tuyến giáp sẽ thay đổi, hay khuyến cáo rằng người bệnh không nên ăn loại rau này. Trong khi đó không thể phủ nhận những tác dụng tốt rau cải mang lại cho sức khỏe, do vậy người bệnh nên giữ một chế độ ăn hợp lý, cân đối và không cần kiêng tuyệt đối thực phẩm này.

Tương tự, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong tự nhiên có khá nhiều chất được cho là có thể gây bệnh bướu cổ (goitrogen), do làm giảm khả năng tổng hợp hormon của tuyến giáp, chủ yếu là ngăn cản hoạt động của enzyme TPO (Thyroid Peroxidase) là chất tuyến giáp cần để sử dụng i-ốt để tổng hợp hormon giáp.

Hậu quả là tuyến giáp phải tăng hoạt động để sản xuất hormon giáp bù trừ, dẫn đến phì đại, tạo thành bướu giáp. Các loại rau cải, khi bị cắt, thái hoặc nhai... sẽ giải phóng một số goitrogen, ví dụ như isothiocynate, goitrin.

Vì vậy những người đang có bướu cổ do thiếu i-ốt hoặc bị viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto (có tăng nồng độ kháng thể Anti-TPO), nếu ăn nhiều các loại rau cải như cải bắp, cải ngọt, cải xanh, súp lơ, cải Kale... sẽ có thể bị bướu cổ to hơn hoặc suy giáp.

Còn nếu chỉ ăn ít lượng rau cải thì hầu như không sao. Đáng lưu ý, khi bị nấu chín, nhiệt độ cao sẽ phá hủy các chất goitrogen này và chúng sẽ không ảnh hưởng gì đến tuyến giáp.

Như vậy những người bệnh tuyến giáp sau có thể ăn bình thường các loại rau cải:

- Người bệnh cường giáp, Basedow. Nếu họ đang bị cường giáp nặng thì ăn nhiều rau cải lại càng tốt cho bệnh của họ.

- Người bệnh bướu nhân tuyến giáp, nang tuyến giáp nhưng chức năng tuyến giáp bình thường (bình giáp)

- Những người bị suy giáp và đang điều trị bù thuốc hormon tuyến giáp (L-Thyroxin) rồi.

Các chuyên gia đều khuyên, đối với bất kỳ loại thực phẩm nào cũng tránh ăn nhiều và kiểm soát lượng tiêu thụ một cách hợp lý. Với rau cải, luộc hoặc hấp cũng là gợi ý hoàn hảo chế biến nhóm thực phẩm để không ảnh hưởng tới tuyến giáp.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP