“Suy năng lượng trường diễn không chỉ ảnh hưởng thể chất, mà còn dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm, liên quan bệnh tật, sức khỏe...”, ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết.
Gánh nặng kép về dinh dưỡng
Anh N.V.D, 52 tuổi (TP HCM) rất buồn vì thấy cơ thể ngày càng gầy, trông hom hem và già. Anh ăn uống ngon miệng, ngủ nhiều, thậm chí uống sữa trước khi đi ngủ... nhưng vẫn không tăng được cân.
Nhiều người thấy mình cứ sụt cân, quần áo tự nhiên rộng ra, các bắp thịt mềm, nhũn không được rắn như trước, trí nhớ giảm sút mà không rõ nguyên nhân chính là do khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Mặt khác, ở độ tuổi này, các bệnh mạn tính kèm theo gây đau mỏi, không muốn ăn, hệ tiêu hóa suy giảm, hấp thu kém...
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay, trong những thập kỷ gần đây, chúng ta có nhiều thay đổi về chế độ ăn uống. Những thói quen ăn uống dẫn tới hai thái cực về suy dinh dưỡng (thiếu cân và thừa cân). Chúng ta đang đứng trước tình trạng gánh nặng kép về dinh dưỡng (thiếu cân và thừa cân).
Tình trạng thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng với học sinh tiểu học, năm 2017 - 2018 ở thành phố là 41,9% và nông thôn 17,8%. Trong khi đó, tỷ lệ thấp còi tương ứng là 3,9% và 10,7%.
Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn (thiếu cân) ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 15,1% (năm 2014).
Ăn nhiều, ngủ ngon nhưng không tăng cân… cẩn thận bệnh lý |
Kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong 3 tháng đầu năm 2012 cho thấy, có tới 20% - 40% người trung niên và cao niên (40 - 79 tuổi) ở Việt Nam đang suy dinh dưỡng. Thậm chí, có nơi tình trạng suy dinh dưỡng người lớn còn ở mức hơn 40%. Đó là chưa kể những người bị ốm đau, bệnh tật.
Nhiều bệnh lý gây hậu quả nặng nề
Suy dinh dưỡng người lớn thường gây các hậu quả rất nặng nề như trí nhớ giảm sút, ăn khó tiêu, dễ táo bón, phân lúc lỏng lúc rắn hay đau bụng lặt vặt. Nếu người cao tuổi đang mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, viêm gan, bệnh về xương khớp…, những bệnh này tăng lên nhanh chóng hơn, thể trạng dễ bị suy sụp và đặc biệt khi có tác nhân nhiễm khuẩn xâm nhập, rất khó tránh mắc bệnh.
Hơn thế nữa, suy dinh dưỡng sẽ làm giảm hoạt động của hàng loạt bộ phận trong cơ thể: Giảm sức mạnh cơ, chức năng tim mạch, hệ nội tiết, phổi, tụy, chức năng nhận thức.
Đặc biệt, nó cũng là nguyên nhân kéo dài quá trình làm lành vết thương, tăng tình trạng nhiễm trùng, giảm tác dụng của thuốc trị liệu dẫn tới tăng thời gian nằm viện, chi phí điều trị, cũng như khả năng tử vong đối với người bệnh. Có một vòng luẩn quẩn là bệnh dẫn tới suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng làm nặng hơn tình trạng bệnh. Ở người lớn tuổi, cơ thể đã bị lão hóa theo quy luật của tự nhiên thì suy dinh dưỡng khiến cho quy luật này diễn ra càng nhanh hơn.
BSCKI Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Melatec, phân tích, ăn mãi không tăng cân, không béo được là tình trạng nhiều người gặp phải, nhất là người gầy. Nguyên nhân là cơ thể chưa đủ dưỡng chất để cân nặng cải thiện. Một số người cho rằng, ăn nhiều mỡ hay thực phẩm giàu chất béo sẽ tăng cân nhưng sự thật không như vậy. Duy trì cách này vừa làm dinh dưỡng mất cân bằng, vừa khiến cân nặng không cải thiện.
Ăn không đủ dưỡng chất là một trong những lý do ăn mãi không béo. Tuy nhiên, có không ít người do cơ địa hoặc các bệnh lý gây nên. Vì vậy, bạn cần theo dõi cơ thể của mình, khi có những dấu hiệu bệnh lý có thể thăm khám và điều trị kịp thời.
Kém hấp thu: Là tình trạng thức ăn được nạp vào cơ thể nhưng dinh dưỡng trong thức ăn không được đường ruột hấp thu hết mà bị đào thải ra ngoài.
Ăn nhiều, ngủ ngon nhưng không tăng cân… cẩn thận bệnh lý |
Một số bệnh lý dẫn đến kém hấp thu gồm:Chế độ ăn uống thiếu hụt chất dinh dưỡng; tình trạng dư thừa lớp màng bao phủ niêm mạc ruột; sự mất cân bằng của hệ vi sinh trong đường ruột; các bệnh lý liên quan tuyến tụy, gan, túi mật và ống mật; các bệnh lý của ống tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, viêm ruột từng vùng (bệnh Crohn), viêm ruột thừa; dị ứng các loại thức ăn; rối loạn dung nạp đường lactose; nhiễm ký sinh trùng đường ruột như giun sán, amip...
Lạm dụng quá nhiều rượu hay các thuốc nhuận tràng, thuốc kháng acid...; tình trạng rối loạn tiêu hoá như táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài; các phương pháp điều trị tiến hành trên ruột: Xạ trị, phẫu thuật cắt ngắn đoạn ruột...; tổn thương niêm mạc ruột do mắc bệnh viêm đường ruột, hội chứng ruột kích thích làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Quá trình chuyển hoá năng lượng cao: Là khi mức năng lượng tiêu hao cho các hoạt động hàng ngày cao hơn so với bình thường. Dấu hiệu dễ nhận thấy là da nóng hay nhịp tim đập nhanh hơn.
Để quá trình chuyển hóa năng được diễn ra bình thường, nên bổ sung xen kẽ những thức ăn có tính mát để dung hòa. Hạn chế sử dụng nước ngọt, nước có gas và các chất kích thích như: Cà phê, rượu, bia, thuốc lá.
Lạm dụng thuốc tăng cân: Thuốc tăng cân có thể giúp bạn tăng cân nhanh chóng nhưng cân nặng tăng nguyên nhân do tích nước và tích mỡ chứ không làm tăng hệ cơ mà có thể gây ra những rủi ro sức khỏe. Vì vậy, tránh sử dụng thuốc loại này và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ 4 nhóm chất thiết yếu cho cơ thể: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Lười vận động: Người gầy muốn tăng cân cũng cần luyện tập thể dục thể thao. Thói quen luyện luyện tập thể thao đều đặn ngoài việc tăng cường sức khỏe còn tăng sự dẻo dai còn giúp tăng cường quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể. Quá trình trao đổi chất tốt sẽ là yếu tố quyết định đến cân nặng...
Cách tính chỉ số cân nặng theo BMI |
Khắc phục bằng thói quen ăn uống khoa học
Thay đổi thói quen ăn uống: Chia thành nhiều bữa ăn trong ngày (5 - 6 bữa) để cơ thể dễ tiêu hóa và hấp thu. Chọn chế độ ăn giàu calo và dinh dưỡng. Bổ sung đồ ăn vặt tốt với các loại hạt, chuối, đậu luộc... trong thời gian thư giãn. Thay đổi cách bày trí và chế biến món ăn để kích thích thèm ăn và tăng cảm giác ngon miệng.
Ăn chất lượng: Duy trì chế độ dinh dưỡng giàu chất và cân bằng. Hãy ăn nhiều hơn so với nhu cầu năng lượng cơ thể cần hàng ngày như: Bổ sung thực phẩm kích thích tăng cân và chất béo không bão hòa trong các thực phẩm như dầu thực vật, cá biển…
Tăng cường thực phẩm giàu đạm trong các loại thịt, trứng, đậu nành... để tăng khối lượng cơ. Bổ sung tinh bột tốt trong khẩu phần ăn hàng ngày để hỗ trợ tăng cân.
Thói quen sống lành mạnh: Duy trì tập luyện đều đặn các bài tập tăng sức mạnh của cơ bắp; lên kế hoạch ăn uống cụ thể với các món ăn, loại thực phẩm đã được lên lịch trước để định hướng tăng cân tốt hơn; bỏ dùng chất kích thích và thuốc lá; tăng thời gian thư giãn trong ngày; ngủ đủ và có biện pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Nếu đã bị rơi vào tình trạng ăn mãi không tăng cân trong một thời gian dài, tốt nhất nên đi khám bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để xác định căn nguyên, từ đó tìm ra hướng can thiệp phù hợp.
Cách tính cân nặng đơn giản cho cả nam và nữ: Cân nặng lý tưởng = (chiều cao (cm) – 100) x 0,9.
Ví dụ: Người cao 1,63 m (163 cm), áp dụng vào công thức tính như sau: Cân nặng lý tưởng = (163 – 100 ) x 0,9 = 56,7 kg
Hoặc Công thức tính theo chỉ số khối cơ thể BMI được Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng.
Với người Việt Nam, BMI từ 18,5 - 22,9 là bình thường. BMI ≥ 23 là thừa cân; BMI > 25 là béo phì; < 18,5 là người có cân nặng thấp hay bị gầy.