Dữ liệu y khoa

Ăn nhiều mỡ dễ mắc sa sút trí tuệ

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Sa sút trí tuệ là tập hợp các triệu chứng do những rối loạn ảnh hưởng đến não bộ gây ra. Đây không phải là một chứng bệnh cụ thể.  Alzheimer là dạng bệnh phổ biến nhất của sa sút trí tuệ.

Theo BS Hoàng Xuân, nguyên cán bộ Bộ Y tế cho biết, bệnh sa sút trí tuệ có thể xảy ra cho bất kỳ người nào, nhưng nguy cơ tăng dần theo tuổi tác. Hầu hết những người bị bệnh sa sút trí tuệ đều là người già, do chứng bệnh về não gây ra. Trường hợp ít phổ biến hơn là những người dưới 65 tuổi bị sa sút trí tuệ và người ta gọi đó là bệnh sa sút trí tuệ bộc phát sớm. 

Sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây nên, người bệnh có 3 dấu hiệu nổi bật : Giảm trí nhớ ngắn hạn và các lĩnh vực nhận thức khác; Rối loạn về hành vi; Giảm hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp. Người bị sa sút trí tuệ nhẹ có thể không nhận ra mình vừa hỏi câu đó xong hoặc có thể gặp khó khăn trong việc tìm từ chính xác để giao tiếp. Người bệnh có thể nhận ra khuôn mặt nhưng rất vất vả mới nhớ được tên. Người bị sa sút trí tuệ mức độ vừa có thể phải rất vất vả để gọi tên các vật dụng thông thường hoặc bầy tỏ nhu cầu và mong muốn. Người bệnh không thể học được những điều mới và có thể bị lạc khi ra khỏi nhà. Khi sa sút trí tuệ tiến triển, những thay đổi về tính cách và hành vi trở nên dễ nhận biết hơn. Người bệnh có thể trở lên lặng lẽ, thu mình lại hoặc trở nên hung hăng trong lời nói và cử chỉ. Trong số các dạng bệnh sa sút trí tuệ thì Alzheimer hay gặp nhất.

Nghiên cứu tại các vùng miền ở Việt Nam người ta nhận thấy, tuổi cao, học vấn thấp, sống độc thân, cách ly cộng đồng dễ mắc sa sút trí tuệ. Ở những người nghiện rượu, hút thuốc lá, không tập thể dục, ăn nhiều mỡ cũng dễ mắc bệnh. Những người mắc đái tháo đường, rối loạn lipid máu, chấn thương đầu, béo phì, tăng huyết áp, có tiền sử đột quỵ... đều dễ mắc bệnh. Muốn phòng bệnh phải phòng các yếu tố nguy cơ.

Về chế độ dinh dưỡng, nên hạn chế tối đa chất béo bão hòa và các chất béo chuyển hóa (trans fat), không nên ăn các thực phẩm có bột nở. Nên ăn tăng rau và các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu lăng, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, tăng cường thực phẩm giàu vitamin E như hạnh nhân, hạt dẻ, cà chua, xoài, đu đủ, rau cải xanh...Bổ sung đầy đủ vitamin B12, ít nhất 2,4mg/ngày đối với người lớn. B12 có nhiều trong hạt điều, các loại rau có màu xanh, cá, các loại hải sản, trứng, sữa. Nếu uống bổ sung nên chọn các loại vitamin tổng hợp không có chất sắt và đồng, chỉ bổ sung thêm sắt khi có chỉ định của thầy thuốc.

Thu Hoài

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP