Dữ liệu y khoa

Ăn nhẹ trước khi ngủ tránh hạ đường huyết

  • Tác giả : Nhật Hà
(khoahocdoisong.vn) - Một bữa ăn nhẹ chứa nhiều protein, ít chất béo trước khi ngủ có thể giúp những người mắc đái tháo đường giữ mức đường huyết ổn định suốt đêm.

Hạ đường huyết nguy cơ tử vong trong đêm

ThS.BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, cơ thể người sử dụng năng lượng chính từ đường glucose được phân cắt từ thức ăn giàu tinh bột, đường. Trong đó, não bộ là cơ quan đặc biệt tiêu tốn đến 20% tổng mức năng lượng này. Do đó, việc đường huyết bị hạ nếu không được phát hiện sẽ khiến các tế bào não “đói năng lượng”, làm tăng nguy cơ chết não hoặc tử vong trong đêm.

Hạ đường huyết ban đêm khá phổ biến và gần như ảnh hưởng tới tất cả người bệnh đái tháo đường tuýp 1 và 2 sử dụng insulin. Nguyên nhân là do cơ thể tự điều chỉnh tình trạng hạ đường huyết bằng cách kích thích tiết hai hormon là glucagon và epinephrine để nâng cao lượng đường trong máu. Bình thường, glucagon sẽ có nồng độ thấp nhất vào ban đêm. Nhưng ở người bệnh đái tháo đường, tuyến tụy bị suy yếu lại càng làm giảm khả năng bài tiết hormon này, từ đó khiến đường huyết không được kiểm soát.

Biểu hiện: đổ mồ hôi lạnh, căng thẳng, mệt mỏi cùng cực, cảm giác chóng mặt, mắt nhìn mờ, tim đập loạn nhịp… rất rõ ràng vào ban ngày, thì triệu chứng hạ đường huyết vào ban đêm lại khó được phát hiện. Người bệnh bị hạ đường huyết sáng mai thức dậy thường thấy đầu tóc ướt sũng mồ hôi, tăng buồn ngủ vào ban ngày, mệt mỏi và đau đầu nhiều. Ngoài ra, có thể ngủ không ngon, cảm giác bồn chồn, lo lắng; Mộng du hoặc ác mộng; Cơ thể mê mệt, muốn dậy nhưng không thể dậy (bóng đè)...

ThS.BS Trần Thu Nguyệt nhấn mạnh, lượng đường máu của chúng ta thay đổi suốt cả đêm dài và làm tăng lượng đường huyết trong máu vào buổi sáng. Sự thay đổi này chủ yếu gây ra bởi hai quá trình chính:

Hiện tượng Somogyi: Trong khoảng thời gian từ 2 - 3 giờ sáng, mức glucose sẽ giảm đáng kể. Để điều hòa lại, cơ thể sẽ giải phóng các hormon làm tăng lượng đường trong máu một lần nữa. Và trong trường hợp này nó có thể giải phóng quá nhiều dẫn đến lượng đường máu cao vào buổi sáng.

Hiện tượng bình minh: Trong khoảng thời gian từ 3 - 8 giờ sáng, lượng đường máu tăng cao là một phần của quá trình thức dậy. Điều này khiến đường máu buổi sáng thường cao hơn trong ngày.

Bữa ăn nhẹ lý tưởng

ThS Lê Thanh Hà, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, trong một nghiên cứu gần đây cho thấy, một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ có thể ngăn chặn được việc giảm mức đường huyết xuống quá thấp và ban đêm.  

Bữa ăn nhẹ lý tưởng trước khi đi ngủ sẽ chứa hàm lượng protein cao, chất béo lành mạnh, hạn chế lượng carbohydrate... 

Một số loại hạt: Hạnh nhân, óc chó, đậu phộng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất béo có lợi cho sức khỏe. Hạnh nhân còn chứa nhiều vitamin E, và đặc biệt óc chó rất giàu axit béo omega-3.

Trứng luộc: là một nguồn cung cấp protein tuyệt vời và chứa rất ít carbohydrate. Hãy ăn trứng với một vài miếng bánh quy giòn nguyên hạt để tăng thêm chất xơ.

Bánh quy nguyên cám và phô mai ít béo: Phô mai cung cấp protein trong khi bánh quy nguyên cám giúp làm tăng thêm chất xơ.

Cà rốt, cà chua hoặc dưa chuột: Những loại rau chứa rất ít calo, chất béo và carbohydrate trong khi lại cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất. Đây còn là một nguồn cung cấp các chất chống oxy hóa và lượng chất xơ tốt để tăng cường sức khỏe tim mạch và đường ruột. Để món ăn hấp dẫn hơn, hãy thêm vào đó một lát phô mai ít béo.

Cần tây: Cần tây giàu chất xơ, ít calo và là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể.

Bỏng ngô: Chứa vitamin, khoáng chất, chất xơ và protein. Thêm vào đó một vài loại hạt để tăng thêm nguồn protein.

Táo và đậu phộng: Bơ đậu phộng rất giàu protein, chất xơ và chất béo có lợi cho sức khỏe. Táo cung cấp một loạt các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.

Nhật Hà

BẢN DESKTOP