Thời sự

Ăn nem chua, quý ông 42 tuổi bị viêm màng não do liên cầu lợn

  • Tác giả : Thúy Nga
Dù đã liên tục cảnh báo tình trạng nguy kịch, tử vong do nhiễm liên cầu lợn nhưng nhiều người vẫn ăn tiết canh, thịt tái sống và bị nhiễm bệnh. Nhiễm liên cầu cầu khuẩn lợn không tử vong thì cũng để lại di chứng nặng nề.

Di chứng nặng nề

Vừa qua, khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) đã tiếp nhận và điều trị cho một người bệnh nam, 42 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, có thói quen thường xuyên ăn nem chua, thịt lợn tái vào viện vì đau đầu âm ỉ kèm sốt khoảng 1 tuần trước khi vào viện.

Người bệnh được chụp CLVT sọ não kết quả không phát hiện bất thường. Các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy xét nghiệm cho người bệnh và chẩn đoán xác định Viêm màng não do liên cầu lợn.

Trong quá trình điều trị, người bệnh xuất hiện giảm thính lực tai trái. Sau 14 ngày điều trị, người bệnh hết đau đầu, hết sốt, thính lực cải thiện ít.

Ăn nem chua, quý ông 42 tuổi bị viêm màng não do liên cầu lợn - Ảnh BVCC

Ăn nem chua, quý ông 42 tuổi bị viêm màng não do liên cầu lợn - Ảnh BVCC

Các bác sĩ cho biết, một điều đáng nói là mặc dù các bác sĩ đã liên tục cảnh báo về tình trạng người dân ăn tiết canh lợn bị tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề nhưng không vì nhiễm liên cầu lợn, tuy nhiên hàng năm các vụ việc do ăn tiết canh và tử vong và nhiễm liên cầu lợn vẫn được ghi nhận tại các địa phương.

Theo TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh cho biết, liên cầu khuẩn lợn là một loại vi khuẩn sống thường trú ở đường hô hấp (họng, mũi và đường thở), đường tiêu hóa (ruột, phân heo) và đường sinh dục của lợn.

Thông thường, lợn có thể mang vi khuẩn trong cơ thể mà không có biểu hiện bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như ở lợn con hoặc lợn mắc bệnh heo tai xanh (một bệnh lý do siêu vi), vi khuẩn có thể gây bệnh cho heo như: viêm phổi, viêm khớp, nhiễm trùng máu, viêm màng não và sẩy thai.

Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, một số ít bệnh nhân (5-10%) bị thể choáng nhiễm trùng với biểu hiện nhiễm trùng máu nặng như: sốt cao, xuất huyết từng mảng lớn trên da, có thể bị hoại tử ngón tay, ngón chân và nhanh chóng đưa đến trụy mạch, suy gan, suy thận và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Tỷ lệ tử vong của thể viêm màng não mủ vào khoảng 5-10%, nhưng nếu bệnh nhân bị thể choáng nhiễm trùng thì tỷ lệ này lên đến 60%. Đối với bệnh nhân khỏi bệnh, khoảng 30-60% bệnh nhân bị tổn thương thính lực: từ ù tai, nghe kém cho đến điếc hoàn toàn.

BS. Nghĩa cũng cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn gây ra nhiều tổn thất về sức khỏe và kinh tế cho cộng đồng. Nhiều bệnh nhân bị điếc sau khi mắc bệnh và một số trường hợp tử vong do không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chi phí điều trị có khi lên đến cả trăm triệu đồng do bệnh nhân phải thở máy, lọc máu và nằm điều trị dài ngày ở bệnh viện.

Con đường lây truyền vi khuẩn từ lợn sang người thế nào?

Biểu hiện của bệnh: Ở người, vi khuẩn chủ yếu gây hai thể bệnh: viêm màng não mủ (nhiễm trùng sinh mủ ở hệ thống màng bao bọc quanh não và tủy sống) và choáng nhiễm trùng (nhiễm trùng máu nặng có trụy mạch). Bệnh thường xảy ra ở nam và ở lứa tuổi trung niên từ 40-60 tuổi. Khoảng 90-95% bệnh nhân bị thể viêm màng não mủ với biểu hiện là sốt cao, nhức đầu dữ dội, đau vùng sau gáy, kèm nôn ói liên tục.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ nhanh chóng bị mê sảng và hôn mê. Một số ít bệnh nhân (5-10%) bị thể choáng nhiễm trùng với biểu hiện nhiễm trùng máu nặng như: sốt cao, xuất huyết từng mảng lớn trên da, có thể bị hoại tử ngón tay, ngón chân và nhanh chóng đưa đến trụy mạch, suy gan, suy thận và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Đây là một bệnh lý lây truyền từ lợn sang người. Hiện nay chưa có chứng minh trường hợp nào bị mắc bệnh do từ người lây sang người. Bệnh nhân bị mắc bệnh có thể do vi khuẩn xâm nhập qua vết trầy xước hoặc vết đứt trên da hoặc cũng có thể do vi khuẩn xâm nhập qua niêm mạc đường tiêu hóa.

Do đó, bệnh thường gặp ở người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với lợn, cơ quan nội tạng của lợn như người giết mổ heo, bán thịt heo, vận chuyển thịt heo và đầu bếp. Tại Việt Nam, bệnh còn có thể xảy ra ở những người có thói quen ăn các món ăn sống hoặc chưa chín (tái) chế biến từ máu heo, thịt hoặc nội tạng như tiết canh, cháo “huyết hậu”, lòng heo và dồi trường chế biến chưa chín (tái)…

Để phòng ngừa Viêm màng não nói riêng và các bệnh liên quan đến liên cầu lợn nói chung người dân cần:

- Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

- Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, tiết canh, nem chua,…đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.

- Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

- Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc,chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP