Khoa học & Công nghệ

Ăn mối dễ nhiễm ký sinh, nấm mốc

Nhiều người cho rằng con mối sống dưới đất, thức ăn là gỗ nên rất sạch và bổ. Đặc biệt là mối chúa chứa rất nhiều dinh dưỡng nên “đại bổ”. Theo các chuyên gia, sử dụng mối làm thức ăn, mồi nhậu rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng, nấm mốc.

Mối chúa ngâm rượu

“Sung dược” từ mối chúa

Được nhiều người cho là “sung dược”, có tác dụng tráng dương, bổ thận, mối chúa trở thành đặc sản dùng để làm mồi nhậu hoặc ngâm rượu. Theo đó, mối chúa loại nhỏ có giá 25.000 – 300.000 đồng một con, loại dài hơn 10cm có thể bán với giá tới 700.000 đồng.

Mối chúa thường được bán vào các nhà hàng, chế biến theo nhiều cách, từ nướng, chiên, hấp, tới salad sống, trở thành món đặc sản được nhiều nam giới ưa thích.

Ngoài việc săn lùng mối chúa tươi, nhiều người còn tìm mua những bình rượu ngâm mối chúa sẵn. Nhiều người sử dụng rượu ngâm mối chúa vì tin theo công dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực của sản phẩm này. Anh Phạm Văn Phương ở Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) chia sẻ, mới đây anh có mua một bình rượu mối giá 4 triệu đồng để làm quà tặng sếp.

Theo anh Phương thì trong dân gian truyền miệng, trong mối chúa tập trung nhiều chất dinh dưỡng nên nó được coi là vị thuốc tăng cường sinh lý, món ăn có nhiều đạm, đặc biệt tốt cho người yếu thận. Hơn nữa, trong tình trạng thực phẩm không an toàn như hiện nay, những món ăn từ côn trùng cũng là nguồn thực phẩm sạch hiếm hoi.

GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, từ lâu mối được sử dụng làm thực phẩm như một trào lưu mới. Tuy vậy, mối có thực sự bổ dưỡng không thì chưa thể chứng minh được.

Nhiều người cho rằng mối chúa ngâm rượu là “thần dược” cho sinh lý nam, rồi lùng sục tìm mua. Thực ra cho đến nay, không ai dám khẳng định mối chúa có tác dụng ấy, có chăng chỉ là những kiến thức truyền miệng. N

hững loài côn trùng được cho là có tác dụng tráng dương, bổ thận cũng rất nhiều. Ban đầu từ lúc ăn vì lạ, ăn cho vui, dần dần côn trùng được săn lùng vì những tác dụng thần kỳ này.

Dễ nhiễm khuẩn, nấm mốc

GS Bùi Công Hiển cho biết, hiện nay người ta ăn cả mối cánh. Mối cánh chính là mối sinh sản, sẽ trở thành mối chúa sau này tuy kích thước có nhỏ hơn. Tuy vậy thì dù là mối cánh hay mối chúa, thành phần sinh hóa cũng không khác nhau là mấy.

Ở Việt Nam hiện chưa ai tìm hiểu kỹ, cũng chưa có công trình nào nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng của loài mối khi sử dụng làm thực phẩm. Nhưng theo truyền miệng trong dân gian thì mối có nhiều chất bổ. Và đương nhiên, cứ bổ là ăn, dù chẳng biết nó có tác dụng đến đâu, tác dụng như thế nào thì cũng không ai thẩm định.

“Chắc có lẽ không ai chết vì ăn mối vì bản thân nó không có những chất kịch độc. Tuy vậy thì ăn mối không có nghĩa là an toàn, không thể mặc định nó là một loại thực phẩm an toàn vì mối sống sâu dưới lòng đất, rất dễ bị nhiễm khuẩn hay nấm mốc.

Đặc biệt là mối đã chết, mà khi bị bắt thì mối thường chết ngay do da vùng bụng của chúng cực kỳ mỏng, sẽ rách và mối chết sau vài phút. Sau đó không xử lý, chế biến kịp, mối có thể sinh ra những độc tố rất có hại. Nấm mốc, vi khuẩn có trong mối cũng sẽ phát triển.

Do đó, không nên coi mối là loại thực phẩm bổ dưỡng, an toàn, có thể ăn bao nhiêu cũng được hay ăn càng nhiều càng tốt”, GS Bùi Công Hiển chia sẻ.

Theo GS Bùi Công Hiển, không nên mù quáng nghe theo những lời đồn thổi về tác dụng của mối mà bỏ số tiền lớn ra mua về. Vì dù côn trùng có bổ thì cũng phải biết dùng đúng cách. Ở góc độ nào đó thì con mối là lành tính, có chứa thành phần dinh dưỡng.

Tuy vậy cũng không nên coi nó là thần dược bổ dưỡng. Mối không được coi là thực phẩm vì tính chất phá hoại của chúng, người ta không nhân nuôi mối mà chỉ tìm các ổ mối để diệt trừ.

GS Bùi Công Hiển cho biết, trong các tài liệu y học cổ truyền, đúng là mối chúa có công dụng sinh tinh, cường lực, bổ dưỡng do mối chứa nhiều đạm giúp mạnh về sinh lý. Tuy vậy, các con vật chứa nhiều đạm càng dễ bị phân hủy, sinh ra độc tố nên việc ngâm rượu mối chúa để uống, không cẩn thận, dễ rước họa.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP