Bình luận

Ăn lương nhà nước thì phải kê khai tài sản

Nói về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi đưa sỹ quan quân đội, công an vào diện kê khai tài sản lần đầu, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng, đã làm việc trong Nhà nước, ăn lương ngân sách, được dân giao phó nhiệm vụ, thì phải có nghĩa vụ giống nhau, không phân biệt. Cớ gì sỹ quan công an, quân đội lại ở ngoại lệ?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh Trần Hải

Ăn lương thì phải kê khai

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN – sửa đổi) phân biệt các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp… Dự thảo lần này được chỉnh ý theo hướng mở rộng đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan quân đội nhân dân, sĩ quan công an nhân dân. Đây có phải là một bước phòng chống tham nhũng cao hơn, thưa ông?

Tôi nghĩ trong phòng chống tham nhũng, không nên có sự phân biệt là quân đội hay công an. Tất cả các cán bộ công chức làm việc trong bộ máy cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế có thể dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, đều phải kê khai tài sản.

Đến Thủ tướng còn phải kê khai tài sản thì sỹ quan công an, quân đội cũng đâu phải ngoại lệ. Hơn nữa, đây là giải pháp để kiểm soát chặt chẽ cán bộ, tránh tình trạng để xảy ra những sai phạm, tiêu cực như thời gian vừa qua.

Vì sao trước đây chúng ta không đặt vấn đề kiểm soát tài sản với đối tượng là sỹ quan công an, quân đội, liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa của một số cán bộ thời gian qua?

Tham nhũng là sự thoái hóa của từng cá nhân. Thực thi quyền lực là con người, nên dù ở đâu, trong ngành nghề nào, cũng có thể xảy ra chuyện tha hóa, lợi dụng quyền hạn làm lợi cho bản thân mình.

Công an, quân đội thì cũng là con người, cũng có thể bị tha hóa trong những điều kiện nào đó, với từng cá nhân nào đó. Do đó, trong phòng chống tham nhũng thì không phân biệt khu vực, ngành nghề, chức vụ. Việc bổ sung đối tượng phải kê khai tài sản là sỹ quan công an, quân đội là cần thiết.

Nếu được chọn lựa thì chắc hẳn ít người thích kê khai, ông có nghĩ thế?

Ở góc độ nào đó, tôi nghĩ việc kê khai còn giúp cán bộ tránh được việc sa vào tội lỗi. Bắt buộc phải kê khai tài sản cũng là một cách để bảo vệ cán bộ trước những cám dỗ. Bởi khi đã thành quy định phải làm, nếu có điều gì đó khuất tất, có những nguồn thu nhập bất minh thì người ta phải nghĩ đến các quy định, đến những điều không được làm.

Từ đó cân nhắc có làm hay không, có nhúng chàm hay không. Nên quy định nghiêm ngặt cũng là cách để bảo vệ cán bộ không sa ngã, tù tội, giúp cho tổ chức bộ máy trong sạch. Đó là việc phải làm.

Nhiều vụ việc sai phạm của cán bộ là công an, quân đội thời gian qua, có nguyên nhân là buông lỏng quản lý, trong đó có việc không kê khai tài sản?

Sự tha hóa của một con người có nhiều nguyên nhân, trong đó khâu kiểm tra, giám sát công tác cán bộ cũng là một điểm yếu. Giám sát yếu kém, có lỗ hổng, nên tạo điều kiện để một số người lợi dụng, trục lợi cho bản thân. Khi chúng ta đã nhìn ra lỗ hổng thì phải lấp nó lại thôi.

Kê khai nhưng phải công khai

Việc kê khai tài sản với cán bộ là chiến sỹ công an, quân đội, theo ông có gì đặc thù?

Cũng giống như tất cả các đối tượng phải kê khai tài sản khác, mấu chốt để việc kê khai này có thể đạt hiệu quả là phải công khai. Nếu kê khai xong rồi giữ bí mật, chỉ nội bộ trong cơ quan, tổ chức biết, thì việc kê khai sẽ không có nhiều ý nghĩa. Kể cả công an hay quân đội, khi đã kê khai tài sản thì bản kê khai đó phải được công khai, minh bạch cho dân biết, qua đó dân giám sát.

Dân phải nắm được ông chủ tịch tỉnh có những tài sản gì, ông chủ tịch huyện sở hữu bao nhiêu đất đai. Qua đó, dân giám sát, giúp chính quyền giám sát. Công an, quân đội cũng vậy. Không được vin vào việc mình là “người trong ngành” mà kê khai xong rồi lại bí mật cất đi.

Nhưng công khai như thế có sợ lộ bí mật về tài sản cá nhân?

Cán bộ được nhân dân giao phó nhiệm vụ, được dân đóng thuế để trả lương thì phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Công an, quân đội cũng được dân giao nhiệm vụ thì phải được dân giám sát. Việc kê khai tài sản là để giám sát. Nếu không có giám sát thì việc kê khai sẽ là vô nghĩa.

Theo ông thì trong xây dựng luật về phòng chống tham nhũng, làm thế nào để luật có tính khả thi cao? Bởi việc kê khai tài sản xưa đến nay xem ra ít có tác dụng?

Tham nhũng là vấn đề phức tạp, nhức nhối, liên quan đến cán bộ nên nếu không làm cẩn thận, luật sẽ không có tính khả thi. Ngoài kê khai tài sản, việc chứng minh tài sản bất minh phải làm rất bài bản, kín kẽ để đảm bảo sự công bằng. Khi phát hiện tài sản bất minh thì tịch thu, bất kỳ đó là người nào. Làm nghiêm thì mới có tính răn đe và đem lại hiệu quả.

Nhưng kê khai đã khó, quản lý việc kê khai có trung thực hay không còn khó hơn, ông có nghĩ thế?

Chống tham nhũng là phải kê khai tài sản, kê khai một cách trung thực, minh bạch, công khai dưới sự giám sát của công chúng thì mới ra con số tin cậy. Nhưng chúng ta không làm thế, việc kê khai thế nào chỉ có đơn vị quản lý biết.

Kê khai tài sản có phải là giải pháp chống tham nhũng ở nhiều nước?

Kê khai tài sản thu nhập là hình thức các nước khác đều làm để phòng chống tham nhũng. Các nước càng giàu thì làm cái này càng triệt để. Biện pháp này tỏ ra rất có hiệu quả nên đa phần các nước đều thực hiện. Có điều cách chúng ta làm đã hợp lý chưa, có làm đến nơi đến chốn không, thái độ làm như thế nào mới là vấn đề phải bàn.

Xử nghiêm, không ai dám

Có ý kiến cho rằng nên chăng ta phải xây dựng luật kiểm soát tài sản?

Đúng là việc kiểm soát tài sản xã hội là cần thiết, đã đến lúc phải quản lý được tất cả các giao dịch lớn trong xã hội thì mới kiểm soát được tham nhũng. Có luật thì cán bộ sẽ không dám, không thể và không muốn tham nhũng. Tuy nhiên, nói gì thì nói, quan trọng nhất là người thực thi luật chứ không phải luật.

Kê khai là một chuyện, quan trọng hơn là kiểm soát trung thực tài sản cán bộ, ông có nghĩ vậy?

Tôi nghĩ là giải pháp kiểm tra ngẫu nhiên sẽ rất hữu ích. Chẳng hạn như chọn ra 10-20% trong số 1 triệu người phải kê khai tài sản đó hàng năm để kiểm tra độ trung thực.

Sau đó công khai các bản kê khai đã kiểm tra ngẫu nhiên này và cả những trường hợp bị phát hiện có tài sản, thu nhập bất minh để xã hội kiểm soát. Chống tham nhũng phải làm sao cho thật khéo léo, có mưu mẹo chứ không áp dụng cứng nhắc.

Chúng ta đã có quy định kê khai tài sản không đúng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm?

Cứ nói kê khai không đúng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nhưng có ai chịu trách nhiệm đâu. Người đứng đầu cứ nói chứ đâu có ai làm. Cứ xử thật nghiêm, làm thật nghiêm thì không ai dám giấu diếm đâu.

Trốn thuế xử lý hình sự, tham nhũng thì bị truy tố, cách chứng, lãng phí mà cứ bêu đầu đem xử ngay thì thử hỏi ai dám nữa. Muốn có nhà nước trong sạch vững mạnh thì phải chống tham nhũng. Muốn chống tham nhũng phải thực hiện kê khai tài sản thu nhập. Muốn kê khai tốt thì phải kiểm soát tốt.

Xin cảm ơn ông!

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp. Cụ thể, người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao mới phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm (mức này tương ứng với mức kiểm soát giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực chống rửa tiền).

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP