Chữa bệnh không dùng thuốc

Ăn hải sản chữa người gầy yếu, hoa mắt chóng mặt

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Biểu hiện người gầy, da khô, dung nhan tiều tụy, miệng khô họng khát, sốt nóng về chiều, đầu choáng mắt hoa,...là do âm hư. Khi bị bệnh cần chọn các đồ ăn thức uống thanh bổ, ngọt mát nhu nhuận, sinh tân dưỡng âm bổ thận, trong đó đặc biệt chú ý đến các loại hải sản.

Con người khỏe mạnh khi âm dương cân bằng, mất cân bằng sinh bệnh tật thuộc âm hư hoặc dương hư. Âm hư do nhiều nguyên nhân gây nên như bị tà khí nhiệt táo xâm nhập, ăn uống quá nhiều đồ cay nóng, rối loạn tình chí, phòng sự quá độ, lạm dụng các thuốc táo nhiệt...khiến cho tân dịch hao tổn, âm dịch hư suy.

Biểu hiện của chứng âm hư thường là người gầy, da khô, dung nhan tiều tụy, miệng khô họng khát, thích uống nước lạnh, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, vã mồ hôi trộm, đầu choáng mắt hoa, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết, chất lưỡi đỏ khô, ít hoặc không có rêu lưỡi...Khi mắc bệnh thuộc thể âm hư, nên trọng dụng các loại hải sản.

Mực: Tính bình, vị mặn, có công dụng bổ huyết tư âm, dưỡng thận. Các nhà dinh dưỡng học cổ truyền phương Đông đều cho rằng mực là một trong những loại thực phẩm có khả năng “đại năng dưỡng huyết tư âm”, rất có lợi cho những người mắc các chứng bệnh bệnh thuộc thể can thận âm hư.

 Hến: Tính bình, vị ngọt mặn, có công dụng tư âm bổ thận. Sách “Bản thảo cầu nguyên” cho rằng hến có khả năng “tư chân âm”, sách “Bản thảo tùng tân” viết hến là một trong những thực phẩm có tác dụng “liệu tiêu khát” (chữa đái tháo đường).

Sò: Tính lạnh, vị mặn, có công dụng tư âm, hóa đàm, nhuyễn kiên. Y thư cổ đều cho rằng, sò là thứ không chỉ tư âm bổ thận mà còn nhuận táo, nhuận ngũ tạng, chỉ tiêu khát.

Trai: Chứa rất nhiều đạm và vitamin, có công dụng tư âm bổ thận, thanh nhiệt, làm sáng mắt. Danh y Vương Mạnh Anh (đời Thanh, Trung Quốc) cho rằng trai có khả năng “thanh nhiệt tư âm, dưỡng can lương huyết". Đây là một trong những thực phẩm lý tưởng cho người mắc chứng âm hư.

Hải sâm: Có công dụng tư âm, bổ huyết, ích tinh, nhuận táo. Sách “Dược tính khảo” cho rằng, hải sâm có khả năng “giáng hỏa tư thận”. Sách “Thực vật nghi kỵ” cũng viết : “Hải sâm bổ thận tinh, ích tinh tủy”. Danh y Vương Mạnh Anh cũng nói : “Hải sâm tư âm, bổ huyết, nhuận táo”. Có thể nói, hải sâm là một loại thực phẩm điển hình có công dụng tư âm bổ thận.

Ba ba: Tính bình, vị ngọt, có công dụng tư âm bổ thận, lương huyết, là loại thực phẩm thanh bổ tuyệt vời cho người bị âm hư. Sách “Tùy tức cư ẩm thực phổ” cho rằng ba ba có khả năng “tư can thận chi âm, thanh hư lao chi nhiệt”, sách “Bản thảo bị yếu”  cũng viết : “Giáp ngư lương huyết tư âm”.

Rùa: Tính bình, vị ngọt mặn, có công dụng tư âm bổ thận dưỡng huyết. Sách “Y lâm bị yếu” cho rằng rùa có khả năng “trị cốt chứng lao nhiệt, âm hư huyết nhiệt chi chứng” (chữa chứng đau nhức trong xương do hư nhiệt và các chứng âm hư huyết nhiệt).

Bào ngư: Còn gọi là thạch quyết minh nhục, có công dụng tư âm thanh nhiệt, ích tinh minh mục. Danh y Vương Mạnh Anh cho rằng, bào ngư có khả năng “bổ tâm noãn can, tư âm minh mục”. Bào ngư cũng là một trong những loại thực phẩm điển hình có tác dụng tư âm bổ thận. Hiện nay, có rất nhiều các loại thực phẩm chức năng dùng bào ngư để bồi bổ cho những người bị yếu sinh lý.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP