Dữ liệu y khoa

Ăn gừng buổi tối có độc chết người?

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều bạn thắc mắc vì đang dùng trà gừng để giảm béo nhưng lại nghe nói dùng gừng vào mùa thu hay buổi tối có thể bị độc như thạch tín. Vậy thực hư thế nào?

Không phải mọi người ăn gừng vào buổi tối đều có hại

Theo lương y Nguyễn Hữu Toàn, Hội Đông y Hải phòng, dân gian vẫn quan niệm: "Buổi sáng ăn gừng, tốt hơn cả nhân sâm, buổi tối ăn gừng độc hơn thạch tín" hay “mùa thu ăn gừng độc hơn ăn thạch tín”. Dược vương Tôn Tư Mạo cũng nói: Đến tháng 8, tháng 9 nếu ăn nhiều gừng thì đến mùa xuân dễ mắc bệnh về mắt, giảm thọ, giảm sức mạnh của gân cơ. Đối với  phụ nữ đang mang thai mà ăn gừng nhiều, làm cho thai nhi phát triển không thuận lợi.

Còn theo tác giả Lý Thời Chân, sau khi trải nghiệm ăn gừng, ông đã đúc kết rằng: Ăn gừng nhiều vào mùa thu sẽ tích nhiệt vào mắt, mắt sẽ nảy sinh ra bệnh. Đối với người bị trĩ, ăn gừng nhiều kèm uống rượu sẽ làm cho bệnh trĩ dễ tái phát. Nếu người nào đã có ung nhọt rồi mà vào mùa thu lại ăn gừng thì ung nhọt sẽ càng phát triển.

Lương y Nguyễn Hữu Toàn phân tích, nhìn sâu hơn về lý luận Đông y ta thấy: gừng vị cay tính nóng, thuộc nhiệt tính. Ăn gừng thì dễ nóng, dễ bốc hỏa. Mùa thu thời tiết khô hanh, táo khí (không khí khô) tổn thương phế, cộng thêm ăn gừng cay vào lại càng dễ làm tổn thương phổi hơn, gây tăng mất nước, khô khan trong cơ thể, càng hại phế. Vì thế mùa thu không nên ăn gừng.

Tuy nhiên, theo lương y Nguyễn Hữu Toàn không phải tất cả mọi người ăn gừng vào mùa thu, ăn gừng vào buổi tối đều hại cho sức khỏe. Riêng đối với người có thể chất dễ bị lạnh, hoặc bệnh nhân bị lạnh thì dù có là buổi tối hay mùa thu thì dùng gừng chữa bệnh cũng không có tác hại gì, do đó không cần phải kiêng gừng.

Cần xem thể chất để ăn cho đúng

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, gừng là loại gia vị quen thuộc. Gừng cũng là thức uống tuyệt vời giúp chữa cảm lạnh và là vị thuốc được sử dụng rất phổ biến trong Đông y. Gừng có tác dụng đối với các kinh phế, tỳ, vị, thận và đại tràng, có tác dụng làm ấm, chống lạnh, hồi dương, thông lạch.

Thông thường, gừng được dùng để chữa những căn bệnh về tiêu hóa như đau bụng, đầy bụng, thổ tả... hay những bệnh do lạnh như cảm lạnh, ho, thấp khớp do lạnh, chân tay lạnh... Khoảng 70% đơn thuốc Đông y có vị gừng để thấy rằng gừng có vị trí cực kỳ quan trọng trong hỗ trợ chữa bệnh.

Theo phân tích của y học hiện đại, gừng có chứa tinh dầu 2 – 3%, chất nhựa 5%, chất béo 3%, tinh bột và các chất cay như zingeron, shogaola. Gừng được cho là có nhiều công dụng tốt với sức khỏe....

Việc mọi người nói kiêng ăn gừng vào buổi tối là do trong gừng có chứa chất Cineole giúp giải tỏa stress, trị bệnh nhức nửa đầu, giúp tinh thần sảng khoái. Tuy nhiên nếu uống hoặc ăn gừng vào bữa tối, hoặc sau bữa tối sẽ khiến tinh thần sảng khoái, gây mất ngủ...

Các chuyên gia cho biết, từ kinh nghiệm chữa bệnh và dùng thuốc cho thấy, công dụng chữa bệnh của gừng rất lớn, còn tác dụng phụ thì khi phối hợp dùng thuốc là không đáng kể. 

Còn nếu bệnh nhân thuộc nhiệt tính thì dù là buổi sáng hay các mùa khác cũng không nên ăn nhiều gừng. Những người huyết áp cao, mặt hay đỏ, mồm miệng hay bị nhiệt, hay bị chảy máu chân răng thì không nên ăn gừng. Những người dễ bị lạnh, hàn tính, buổi tối mùa thu mà có ho do lạnh, đau bụng do lạnh, nôn mửa do lạnh, uống nước gừng nóng vào có thể giảm ho, giảm đau bụng, nôn mửa.

Cách dùng gừng để phân biệt cơ thể hàn nhiệt: Mẹo nhỏ để  bạn phân biệt cơ thể của mình là hàn hay nhiệt bằng  cách: Nếu như hôm trước bạn ăn gừng mà sáng hôm sau bạn thấy rỉ mắt của mình nhiều hơn, mồm miệng thấy khô hơn thì cơ thể bạn thuộc nhiệt tính. Còn nếu không thấy các biểu hiện trên thì cơ thể bạn thuộc hàn tính. 

Thúy Nga

BẢN DESKTOP