Dữ liệu y khoa

An cung ngưu hoàng hoàn: Cứu cánh hay “kẻ giết người”?

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, an cung ngưu hoàng hoàn là thuốc chữa bệnh chứ không phải thuốc bổ, người dân không nên tự ý dùng để phòng bệnh.

Cảnh báo nguy hiểm khi tự ý dùng An cung ngưu hoàng hoàn

Tai biến mạch máu não, hay nhồi máu cơ tim là các căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, bệnh không chỉ gặp ở người lớn tuổi mà gặp cả ở người trẻ, số ca tai biến mạch máu não ở người dưới 50 tuổi ngày càng tăng nhanh. Trong đó, tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người bệnh.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 người bị tai biến mạch máu não, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% những người sống sót phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động. Không chỉ chứng kiến mà còn có các trải nghiệm của người thân đã từng bị tai biến, nhiều người tỏ ra lo sợ căn bệnh mang tên “tai biến mạch máu não”. Và an cung ngưu hoàng hoàn xuất hiện như một “cứu cánh” cho họ.

Tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đã từng cấp cứu cho một bệnh nhân uống an cung ngưu hoàng hoàn để phòng tai biến, hậu quả là bệnh nhân xuất huyết ồ ạt, suy gan phải nhập viện cấp cứu. PGS Cảnh cho biết, cũng có một số trường hợp khác từng cấp cứu do tự ý dùng thuốc một cách thái quá, gây hậu quả xuất huyết phủ tạng, thậm chí đa phủ tạng.

Không tự ý dùng thuốc an cung ngưu hoàng hoàn

Nhiều người cho rằng, tai biến mạch máu não là do các mảng bám, xơ vữa động mạch, khiến xuất hiện các cục máu đông, trong khi đó an cung ngưu hoàng hoàn được cho là “thần dược” để làm tan các cục máu này. Thậm chí có bệnh nhân còn chia sẻ, người giàu mới có tiền mua thuốc này để uống vì giá thành một viên thuốc lên tới tiền triệu, họ uống ngay khi chưa bị tai biến với suy nghĩ “dọn dẹp” trước các mảng vữa xơ chứ đợi đến khi xảy ra nhồi máu não rồi mới uống không kịp.

Nguy hiểm khi tự dùng thuốc an cung ngưu hoàng hoàn

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho rằng, nên xác định trước, an cung ngưu hoàng hoàn là loại thuốc chữa bệnh chứ không phải thuốc bổ. Khi uống thuốc sẽ gây giảm nguy cơ đông máu, thậm chí tan máu. Nếu uống thì phải chia nhỏ ra, thay vì 1 ngày uống 1 viên thì 3 ngày uống 1 viên. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy dùng thuốc an cung ngưu hoàng hoàn để phòng bệnh có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.

PGS Cảnh cũng cho biết, an cung ngưu hoàng hoàn phù hợp với người bị nhồi máu não, còn nếu xuất huyết não ( đã chảy máu hoặc vỡ phình mạch não) thì chống chỉ định sử dụng. Hay với bệnh nhân nhồi máu não cục bộ thì sử dụng được nhưng nhồi máu não lan tỏa sẽ làm bệnh nặng thêm. Nếu không có chuyên môn và các phương tiện chẩn đoán chính xác, tốt nhất không nên cho người bệnh sử dụng. Trong trường hợp gặp người bị tai biến mạch máu não, phải đưa bệnh nhân đến cấp cứu ở bệnh viện.

PGS Cảnh khuyên, y học hiện nay rất tiến bộ, người dân có thể tin tưởng để đưa người bệnh đến cấp cứu kịp thời, bởi 3-4 giờ đầu là “giờ vàng” để cứu sống người bị tai biến mạch máu não. Kể cả bệnh nhồi máu cơ tim cũng vậy, cũng là bệnh cần cấp cứu khẩn cấp vì có thể nguy hiểm đến tính mạng, chỉ cần chậm trễ giây phút nào là từng đó thời gian tim bị thiếu máu, tế bào cơ tim sẽ hoại tử….cấp cứu muộn dù có khơi thông được mạch khả năng hồi phục cũng kém đi.

PGS.TS Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, cột sống và chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, trong thuốc an cung có chất chống đông máu, nếu bị nhồi máu não thể chảy máu, dùng thuốc này, bệnh nhân dễ tử vong. Thêm vào đó, trong thành phần của an cung có chứa kim loại nặng rất cao, nên người dân khi không biết chính xác nguyên nhân gây tai biến không nên sử dụng.

Theo các chuyên gia tim mạch và đột quỵ, trong trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở nhà không nên cho bệnh nhân dùng thuốc vì chưa rõ nguyên nhân. Tốt nhất nên để bệnh nhân chỗ thoáng, ngửa cổ, giữ ấm cơ thể vì nếu bị lạnh mạch co lại, làm huyết áp tăng càng dễ chảy máu. Nên đưa bệnh nhân đến trung tâm đột quỵ, tim mạch lớn càng nhanh càng tốt vì trong khoảng thời gian giờ vàng (3-4 giờ đầu), bác sĩ có thể cứu sống được nhiều bệnh nhân đột quỵ.

Theo Hải Yến (Suckhoedoisong)

BẢN DESKTOP