Dinh dưỡng

Ai nên hạn chế ăn dứa?

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Dứa là loại trái cây bổ dưỡng, giàu vitamin và enzym tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai ăn dứa cũng đều có lợi.

Dứa (thơm) là loại trái cây nhiệt đới được nhiều người yêu thích nhờ vị chua ngọt hài hòa, hương thơm hấp dẫn và nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, làm đẹp da…

Món dứa nướng thơm ngon. Ảnh minh hoạ (Internet)

Món dứa nướng thơm ngon. Ảnh minh hoạ (Internet)

Tuy nhiên, không phải ai ăn dứa cũng tốt. Với một số đối tượng, ăn dứa có thể gây ra tác dụng phụ, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không biết cách sử dụng đúng.

Người bị viêm răng, lở loét khoang miệng

Chất glucoside trong dứa có tác dụng kích thích mạnh với niêm mạc miệng, thực quản, khi ăn quá nhiều còn khiến tê bì ở lưỡi, cổ họng. Người khỏe mạnh cũng không nên ăn nhiều dứa một lúc.

Người bị bệnh dạ dày, viêm loét dạ dày

Người bệnh dạ dày không nên ăn nhiều dứa, chỉ nên ăn một miếng rất nhỏ bởi dứa có chứa nhiều axit hữu cơ và một số enzyme làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày, đường ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.

Người có nguy cơ chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông

Bromelain có tác dụng chống viêm, hỗ trợ tiêu hóa nhưng cũng làm loãng máu, ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Người đang dùng thuốc chống đông, chuẩn bị phẫu thuật hoặc có bệnh lý liên quan đến chảy máu cần đặc biệt thận trọng.

Ảnh minh hoạ (Internet)

Ảnh minh hoạ (Internet)

Người huyết áp cao

Bệnh nhân huyết áp cao cũng nên hạn chế ăn dứa. Người tiền sử tăng huyết áp khi dùng nhiều dứa dễ gây hiện tượng nóng bừng mặt, đau đầu choáng váng... dễ có nguy cơ cơn tăng huyết áp.

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu

Một số nghiên cứu cho thấy enzym bromelain trong dứa có thể làm mềm tử cung, gây co bóp nhẹ. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng gây sảy thai, nhưng phụ nữ mang thai giai đoạn đầu nên cẩn trọng khi ăn dứa, nhất là dứa tươi hoặc chưa chín hẳn.

Cách chọn dứa tươi ngon, ngọt lịm.

Cách chọn dứa tươi ngon, ngọt lịm.

Dứa là loại trái cây tốt nhưng không phù hợp với tất cả mọi người. Việc ăn dứa cần được điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe từng cá nhân, tránh lạm dụng hoặc ăn sai cách dẫn đến tác dụng ngược. Với những trường hợp nhạy cảm, tốt nhất nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ trước khi sử dụng.

Mẹo chọn dứa ngon, ngọt

- Màu sắc: Màu sắc là điều đầu tiên cần quan sát khi bạn quyết định chọn mua dứa. Phần cuống dứa là nơi cho biết độ ngọt của trái dứa. Nếu trái dứa có màu vàng tươi từ cuống cho đến phần cuối hoặc vài chỗ hơi xanh thì trái đã chín, ngọt. Trái vàng đều thì độ ngọt càng cao.

Nếu dứa không đều màu và có những chấm nâu đậm, vàng đồng hay vàng ngả sang đỏ thì trái đã chín quá mức.

Không nên chọn trái dứa còn xanh, vì trái chưa chín và cũng không thể chín sau khi mua.

- Hình dáng: Dứa ngắn quả (dáng tròn bầu) thì có nhiều thịt dứa hơn quả dài (dáng ống dài).

- Mắt dứa: Nên chọn quả có mắt dứa lớn và càng thưa càng tốt để sau khi gọt bỏ hết mắt dứa sẽ có được phần cùi dày.

- Mùi thơm: Để kiểm tra mức độ tươi và chín của dứa, bạn có thể ngửi mùi ở phần cuối của trái. Nên chọn những trái có mùi thơm ngọt và tươi. Nếu tỏa mùi quá ít hoặc không có mùi là do trái chưa chín. Ngược lại những trái dứa quá chín sẽ có mùi hơi chua kiểu lên men, tựa như mùi giấm hoặc mùi quá ngọt.

- Cảm nhận bằng tay: Trái dứa chín quá mức sẽ bị mềm, bạn sẽ cảm nhận được điều này khi sờ bằng tay. Lớp vỏ của trái dứa quá chín thường bị nhăn. Những trái dứa tươi, vừa chín tới sẽ không quá cứng cũng không quá mềm, nhấn ngón tay vào vỏ dứa sẽ không bị lõm vào. Phần vỏ có nấm mốc, rỉ nước hay bị nứt là những dấu hiệu cho thấy trái dứa đã bị hư hỏng. Phần ngọn dứa: Phần ngọn dứa tươi xanh luôn được yêu thích. Những trái dứa quá chín thường có phần ngọn khô và ngả sang màu nâu với những chiếc lá đang rụng rơi.

Giang Thu (Tổng hợp)

BẢN DESKTOP