Dinh dưỡng

Ai nên hạn chế ăn bánh Trung thu?

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Tết Trung thu đang đến gần, bánh Trung thu là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp này. Bánh Trung thu ngon miệng, hấp dẫn nhưng không phải ai cũng thích hợp để ăn.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, một số nhóm người dưới đây những đối tượng cần phải "kiêng dè" khi sử dụng bánh Trung thu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người mắc bệnh tiểu đường

Với người bị tiểu đường, điều quan trọng hơn cả là thực đơn ăn uống kiểm soát lượng đường trong máu. Đường và chất béo trong bánh Trung thu nói chung rất cao, khi ăn quá nhiều bánh Trung thu, lượng đường trong máu sẽ tăng, lượng chất béo hấp thu vào cơ thể cũng quá nhiều.

Nếu không muốn bỏ lỡ chiếc bánh cùng gia đình trong dịp lễ, người bệnh nên giảm lượng tinh bột và dầu ăn trong các bữa ăn còn lại trong ngày để cân bằng chế độ dinh dưỡng.

Người bị bệnh tim mạch

Những người mắc bệnh tim mạch nên cẩn trọng với bánh trung thu vì loại bánh này thường chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, đặc biệt là các loại bánh có nhân trứng muối hoặc thịt mỡ.

Ăn quá nhiều bánh trung thu có thể tăng nguy cơ tăng huyết áp và gây tổn hại đến hệ tim mạch. Thay vào đó, họ nên chọn các loại bánh trung thu nhân hạt hoặc nhân trái cây khô để giảm thiểu nguy cơ.

Người thừa cân hoặc béo phì

Bánh Trung thu có hàm lượng calo cao, đặc biệt là các loại bánh nướng hoặc bánh dẻo truyền thống với nhân đậu xanh, trứng muối, thịt mỡ. Đối với những người đang cố gắng kiểm soát cân nặng, ăn bánh trung thu có thể dẫn đến tăng cân, gây khó khăn trong việc duy trì chế độ ăn kiêng. Họ nên hạn chế ăn hoặc chọn các loại bánh Trung thu ít calo, như bánh Trung thu làm từ bột ngũ cốc hoặc bánh Trung thu nhân trái cây không đường.

Người đang mang thai

Phụ nữ mang thai ăn bánh trung thu cần lưu ý tuân thủ các quy định, những điều cần tránh khi ăn bánh trung thu bởi trong bánh trung thu có nhiều dưỡng chất không tốt cho mẹ bầu, hơn nữa lại chứa nhiều đường lượng đường trong bánh chủ yếu ở dạng hấp thu nhanh nên rất dễ gây tăng đường máu.

Hàm lượng cholesterol quá nhiều trong bánh không những gây tác động xấu đến bệnh tăng lipid máu, tim mạch và tiểu đường mà còn có thể ảnh hưởng tới thai nhi.

Người bị dị ứng nổi mụn

Vì là loại bánh có độ ngọt cao nên những người bị viêm da dị ứng, mụn trứng cá và các bệnh về da khác ăn quá nhiều bánh trung thu có thể làm tăng bài tiết của tuyến bã nhờn.

Người có vấn đề về tiêu hóa

Bánh Trung thu, đặc biệt là các loại bánh truyền thống, có thể khó tiêu hóa đối với một số người, nhất là những người có hệ tiêu hóa yếu hoặc đang gặp các vấn đề về dạ dày. Nhân bánh Trung thu thường chứa nhiều dầu mỡ, đường và chất béo, có thể gây ra cảm giác đầy hơi, khó tiêu hoặc thậm chí là rối loạn tiêu hóa. Đối với những người này, tốt nhất là nên tránh ăn bánh Trung thu hoặc chỉ ăn một lượng nhỏ để tránh tình trạng khó chịu.

Lưu ý khi chọn mua bánh trung thu

Theo các chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết đây là thời điểm mà các loại bánh trung thu được bày bán khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên người mua bánh trung thu cần phải cẩn thận lựa chọn các loại bánh đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để chọn được bánh ngon người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm tại các điểm bán buôn và lẻ thuộc hệ thống quản lý trực tiếp của các thương hiệu đáng tin cậy, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng với cơ quan Y tế hay có chứng nhận về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Đối với những loại bánh trung thu tươi, bánh cổ truyền thường là không có chất bảo quản nên khi mua về hoặc được người thân biếu thì ăn ngay trong thời hạn sử dụng có ghi trên bao bì để đảm bảo chất lượng.

Một đặc điểm người tiêu dùng cần lưu ý nếu như trong quá trình ăn bánh hoặc cắt bánh ra có mùi, nhân tơi tả hoặc vị có mùi khác chúng ta không nên ăn vì bánh đó có thể bị mốc, hoặc được ngâm tẩm các chất phụ gia không đảm bảo sức khỏe.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP