Dọc đường

Ai điếu cho chim én

n huyện Bảo Yên (Lào Cai) bây giờ, người ta ít được ngắm từng đàn én nhỏ lượn quanh các dãy núi thâm u, huyền bí. Dễ hiểu thôi, một thời người dân vác bẫy đi săn én. Săn đủ cách, đủ kiểu khiến cho loài chim ấy cứ hiếm dần rồi gần như mất hẳn. Ai sẽ khóc cho những con én nhỏ đang tung bay trên đỉnh trời bỗng một ngày sa vào… đĩa nhậu.

Én trúng tên rơi xuống đất.

1001 cách bẫy én

Chưa khi nào và cũng chưa bao giờ chúng tôi phải chứng kiến những cách bẫy én đau lòng đến thế ở huyện Bảo Yên. Nhưng đó là sự thật hiển nhiên đang diễn ra ở vùng rừng núi này khi giá chim én đang tăng cao, đủ để làm mờ mắt bất cứ một kẻ săn én chuyên nghiệp nào.

Ma Văn Sủi – một tay săn én 30 năm trong nghề. Sủi tuổi đời không nhiều, mới ngoài 35 nhưng đã ngần ấy thời gian sa vào thứ nghề giết chóc đến cạn kiệt hồn thiêng của ngọn núi Đại Thần.

Những tay săn én thường là dân ở các xã Nghĩa Đô, Bảo Hà, Tân Dương của huyện Bảo Yên. Số lượng thợ săn dao động ở mức trên dưới 100 cung thủ với nhiều kinh nghiệm bẫy én đến xót lòng.

Sủi không phải người thuộc các xã chuyên bẫy én nhưng từ nhỏ đã phải theo cha cuốc bộ từ thị trấn phố Ràng qua mấy con sông vào núi Đại Thần “phục kích” đàn én mồ côi đang tập bay trên lưng chừng dãy núi. Cũng chính vì thế, cái nghề tự học của cha bắt đầu ngấm vào người Sủi, biến đứa trẻ biết yêu thiên nhiên thành nỗi kinh hoàng của loài chim trời xấu số này.

Sủi bảo, anh thạo nhất loại bẫy chòi. Loại bẫy này dựng hơi kỳ công nhưng hiệu quả gấp vài lần bẫy úp bằng rổ. Nói rồi, Sủi dẫn chúng tôi qua “pháo đài” cao đến 15 mét dựng phía dưới cánh đồng cỏ phía tây dãy núi Đại Thần. Chiếc chòi được dựng đứng bằng hơn chục cây tre dài chắp nối, phía trên có vài ngọn dính chặt mấy con én mồi.

Bẫy chòi này bắt én kiểu gì? Tôi hỏi. Sủi thật thà: “Mấy con én mồi trên đó gọi én trời đến. Bọn én tưởng bạn gọi ăn mồi thì sà xuống phía tấm chắn là dính bẫy. Trên tấm chắn có dính loại keo rừng chắc lắm. Người dẫm vào còn không ra được tính gì bọn én bé xíu kia”.

Khác với Sủi, Ma Thanh Chu lại bẫy én bằng mấy cái rổ to. Bẫy rổ có hai cách cơ bản mà tay săn én nào cũng thạo. Cách thứ nhất, nhốt vài con én mồi vào một cái thúng nhỏ rồi úp rổ lên. Phía trên của rổ có dính lớp keo rừng, loài én có thói quen nghe tiếng bầy đàn là sà xuống, thế là dính bẫy mà không cách nào thoát được.

Cũng với bẫy rổ, còn một cách đơn giản là đặt rổ đứng nghiêng bằng một thanh chắn. Phía dưới rổ là một con én đã bị cọc chân và vài thứ mồi hấp dẫn. Én đang bay, thấy mồi là chui xuống rổ ăn. Thừa cơ, thợ săn sẽ giật dây sập rổ và loài én coi như bị bắt.

Đấy là những cách bẫy mà theo những thợ săn là rất… nhân đạo. Cách săn én tàn bạo nhất thuộc về những cung thủ ở Tân Dương. Người vùng này giỏi bắn tên nên họ thiết kế mỗi người một cây cung lớn và nhiều mũi tên sắc nhọn. Thợ săn sẽ phục dưới các đám cỏ lau chờ đàn én bay qua. Đàn én đến, mỗi cung 4 tên nhọn vút lên xuyên thẳng vào đàn én.

Cung thủ Mà An Mìn cho hay: “Có mũi tên xuyên thủng 3 con rơi xuống đất, có mũi tên chỉ bay vào không khí. Nhưng nếu phục được đàn én, cả đám cung thủ sẽ hạ ít nhất một nửa đàn cách dễ dàng. Đàn én bị săn bằng cách này chết ngay lập tức nên săn xong phải đem về bán luôn chứ không để lâu được.

Mìn còn bật mí: “Săn kiểu này chưa khoái, giờ bọn tôi còn thiết kế được “lưới trời”. Thấy đàn én bay thấp là ném lưới quây bắt cả đàn không sót một con”. Ngoài những cách săn én kiểu này, người dân huyện Bảo Yên còn nghĩ ra nhiều cách bẫy én man rợ khác.

Én sau khi dính bẫy.

Én nhỏ lên… thớt

Đàn én bị bắt sẽ lên thớt. Tất nhiên, én sẽ được chuyển vào các nhà hàng sang trọng trên thành phố Lào Cai hoặc bán về Hà Nội với giá khá cao.

Lần mò đến nhà thợ săn Ma Thanh Hưng ở xã Nghĩa Đô, đúng lúc các lái buôn đang ngồi chờ mua én ở phía trong ngôi nhà sàn. Một lái buôn người Hà Nội tưng tửng: “Ông cũng lên đây mua én à? Gớm, mảnh đất bé tí mà hơn chục lái buôn xúm vào thì lấy đâu ra hàng. Bọn tôi đã đâm lao thì phải theo lao chứ buôn én có sung sướng gì đâu”.

Tưởng chúng tôi là lái buôn thật nên gã không giấu giếm: “Tôi giờ trả giá cho thợ săn rất sòng phẳng. Con to 10 nghìn, con nhỏ 4 nghìn, con đã chết 2 nghìn. Đủ hàng tôi về đổ cho mấy ông đầu bếp của bọn 5 sao. Thế còn ông, ông đổ hàng cho thằng nào, giá chênh lệch ăn thua không?”.

Tôi im lặng. Gã lái buôn nghi ngờ tôi đang dò giá nên bỗng nhiên im bặt. Hưng lên tiếng: “Trăm người bán, vạn người mua, các ông cứ trả được giá thì bọn tôi cấp hàng đều đặn cho. Bọn tôi bán thế còn rẻ, các ông đưa én về khách sạn, vặt lông chiên giòn bán ra vài chục ngàn một con, quá lãi”.

Theo gã lái buôn, tuần nào hắn cũng đánh ô tô lên Lào Cai mua én. Mỗi lần mua trên 5000 con nhốt vào lồng đem về. Có đợt cao điểm, khách có nhu cầu thưởng thịt én thì phải đặt hàng trước các thợ săn và trả giá cao hơn để có hàng.

Chòi bẫy én.

Nguy cơ tận diệt

Sau một ngày quan sát các thợ săn ở Bảo Yên bẫy én bên núi Đại Thần và ven dòng sông Chảy, chúng tôi cảm thấy đau lòng khi loài chim én đang bị tận diệt một cách không thương tiếc.

Hàng trăm thợ săn thay nhau chui rúc vào những hẻm núi, đám cỏ rình bắt loài én. Mỗi thợ săn trung bình cũng phải bắt được vài chục con/ngày. Chỉ tính sơ sơ, mỗi ngày đã có hàng nghìn con chim én dính bẫy.

“Thế nên dù én có phát triển nhanh đến cỡ nào thì cũng chẳng mấy chốc mà tận diệt”, một sinh viên đang thực tập ngành môi trường tại huyện Bảo Yên phải thốt lên với chúng tôi như vậy. Cậu sinh viên này còn cho biết: “Ở đây, người ta không những bắt én tràn lan mà còn tận diệt cá tôm ở dòng sông Chảy này. Chim trên trời cũng bắt, cá dưới sông cũng diệt, chẳng thương tiếc chi cả”. Nói rồi, cậu sinh viên môi trường chìa quyển sổ ghi địa điểm của 500 cái chòi bẫy én. Con đường cách UBND xã Tân Dương chỉ dài hơn 1 cây số nhưng có tới trên 30 cái chòi bẫy én. Từ đó theo con đường nhỏ ven núi dẫn ra thị trấn còn hàng trăm cái chòi nữa rình rập loài chim én ở những cánh rừng này.

Tôi và cậu sinh viên môi trường kia sau một ngày thực tế về nạn bẫy chim tràn lan ở Bảo Yên đã ngồi lại với nhau trong một quán bia phía đầu cầu phố Ràng để tìm cách đối phó với thực trạng đau lòng này. Hai cốc bia và một đĩa nhậu thơm phức có mùi vị hấp dẫn. Hỏi chủ quán, đây là món gì mà bàn nào cũng có? Chủ quán nhanh nhẻo: “Thịt én đấy các anh. Khách nào vào đây cũng được uống bia với thịt én mà”.

Bỗng tôi cảm thấy như nghẹn ứ trong cổ họng. Ai sẽ khóc cho loài chim én đang tung bay kia phải đi vào quán nhậu?

Nếu làm một phép tính đơn giản, một chòi sẽ bẫy được 10 con/ngày thì 500 chòi sẽ tóm gọn 5 nghìn con. Sốc! Nhưng đó lại là con số hiển nhiên đáng để cảnh báo về một tương lai không xa khi loài én đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt.

Trần Hòa – Ma Zin

BẢN DESKTOP