Bình luận

Ai cũng nhận phong bì ở đâu đó!

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, trong khi cả xã hội đang tôn thờ cái “giả” và chạy theo các giá trị ảo, làm gì cũng cần đến phong bì, hối lộ, bôi trơn… thì việc thầy thuốc nhận phong bì không phải là cái gì chướng mắt. Hơn nữa, đâu chỉ bác sĩ mới nhận phong bì, ngành khác cũng nhận phong bì ở đâu đó, nên mới có chuyện lương thấp không đủ sống nhưng vẫn có tiền mua nhà, mua xe…

Ranh giới mong manh

Mới đây trên mạng xã hội có lan truyền một clip dài gần 2 phút được quay tại Bệnh viện K ghi lại cảnh người nhà bệnh nhân đưa cho một nữ cán bộ y tế một xấp phong bì rất dày. Lập tức các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, nhân viên y tế bị đình chỉ công việc. Có người thì cho rằng việc vào viện cảm ơn bác sĩ là chuyện bình thường. Vậy làm thế nào để phân biệt được đâu là cảm ơn bác sĩ, đâu là phong bì đưa hối lộ?

Có thể nói đây là ranh giới cực kỳ mong manh. Thường thì người Việt Nam có thói quen trả ơn với những người đã giúp đỡ mình vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Nhưng trả ơn trong trường hợp này lại tùy khả năng của mỗi người và tùy bối cảnh.

Tuy nhiên, cảm ơn như thế nào lại là cả một vấn đề. Lâu nay đây là câu chuyện khá “gai góc” và được cho là nhạy cảm. Việc đưa phong bì quá lộ liễu, đưa sồn sồn trước mặt mọi người thì nó tạo ra sự phản cảm, bức xúc trong môi trường bệnh viện.

Dù việc đưa phong bì là tự nguyện thì đưa như thế cũng không được. Hình ảnh cô y tá cầm cả xấp phong bì lại còn nói là “tôi cầm hộ” chỗ này chỗ kia là không ổn.

Vì sao ạ? Tôi tưởng điều này là phổ biến, dễ hiểu?

Làm như vậy là vô hình trung đã công bố một loại luật chơi khá “trắng trợn”, nên người ta phản ứng là đúng, người này bị xử lý cũng đúng thôi.

Còn câu chuyện trả công cho một người, cảm ơn một người sau khi người ta hoàn thành công việc giúp mình thì cũng là bình thường, chỉ có điều không làm phương hại đến hình ảnh, uy tín của người thầy thuốc.

Cô y tá kia có thể là “đưa hộ” thật, nhưng kể cả là đưa hộ thì cũng không nên làm “lõa lồ” như thế.

Ông đã bao giờ phải đưa phong bì cho bác sĩ chưa?

Tất nhiên, ai chẳng phải đưa. Tôi cũng có người quen làm thầy thuốc, nhưng tùy vào từng tình huống cụ thể thì dường như không ai là không bồi dưỡng cho thầy thuốc.

Vấn đề là đưa như thế nào, tùy từng hoàn cảnh. Chuyện không bồi dưỡng thì y tá tiêm đau là có thật, thành thử người ta phải “lót tay” để được quan tâm hơn. Thế là thành một cuộc chạy đua, ai cũng muốn được quan tâm hơn.

Ngành nào không nhận phong bì?

Mấu chốt nguyên nhân của tình trạng đưa phong bì bồi dưỡng bác sĩ ở đây là gì?

Thực ra nó là vấn đề thu nhập. Thu nhập tuyệt đối của thầy thuốc đến nhân viên y tế, nói theo nghĩa lý thuyết thì cũng chẳng “mùi mẽ” gì, thành ra vẫn phải trông vào nguồn thu nhập thêm từ các khoản khác như nhận tiền bồi dưỡng đó.

Vậy hành động nhận phong bì của cô y tá nọ, theo ông có chính đáng?

Hành vi nhận phong bì nói chung là không chính đáng. Còn chuyện nhận tiền cảm ơn là chuyện khác, cách nhận khác, nơi nhận khác. Chứ sòng phẳng mà nói thì hiện nay, đi làm cái gì chẳng cần có phong bì.

Làm sổ đỏ cũng cần phong bì, bị phạt mà muốn giảm mức phạt cũng phải phong bì, đi xin việc thậm chí không phải phong bì nhỏ mà là phong bì cực lớn, tiền lên đến hàng trăm triệu. Xã hội mình ở đâu chẳng cần có “phong bì”? Thử hỏi ngành nào không nhận phong bì?

Thế thì cô y tá nhận cả tập phong bì của bệnh nhân đó có đáng trách không?

Đáng chứ, dù xã hội ta hiện nay đang tôn thờ cái “giả” nhưng không ai dám công nhận, không ai thẳng thắn thừa nhận. Trong khi đó, chị y tá kia lại ngang nhiên nhận một cách công khai như vậy thì chị ta phải trả giá thôi.

Cho dù ở đâu cũng phải tiền mới mong xong việc. Nên tôi vẫn quay lại quan điểm là đưa tiền như thế nào. Và bản thân người làm nghề, người cung cấp dịch vụ không được lấy tiền làm tiên quyết, nguyên tắc hành xử.

Nhưng nếu “có gì đó” thì sẽ vui hơn?

Tôi chỉ nói là không lấy đó làm nguyên tắc, còn nếu người ta đưa cảm ơn thì vẫn có quyền nhận chứ đâu có sao. Chỉ nhất quán quan điểm thầy thuốc không đặt nó là nguyên tắc theo kiểu “nếu không có tiền thì tôi không làm”. Còn đương nhiên không có tiền sẽ kém vui hơn.

Thật mà ảo, ảo mà thật

Ông nói nhiều đến cách cảm ơn và nhận ơn. Vậy thì trong trường hợp này, cảm ơn bác sĩ như thế nào, ở đâu là phù hợp?

Tôi nghĩ việc này cần phải làm tế nhị hơn, bởi nó hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của người bệnh. Nhưng từ việc này thì xuất hiện một vấn đề là các gói dịch vụ y tế. Ví dụ, phụ nữ khi sinh có các gói dịch vụ theo kiểu trọn gói, về lý thuyết thì mọi người không phải đưa thêm khoản nào nữa.

Ngược lại nếu không sử dụng gói này ở một số bệnh viện mà chỉ vào viện sinh nở đơn thuần thì sẽ khác. Gói dịch vụ này khá sòng phẳng, người bệnh có quyền lựa chọn sử dụng hay không sử dụng. Được sử dụng các dịch vụ cao cấp hơn thì phải trả phí, không thì ngược lại.

Điều cần lên án là các dịch vụ y tế thông thường mà nhân viên y tế hạnh họe, đe nẹt, vòi vĩnh. Còn khi đã hướng đến dịch vụ tự chọn thì sẽ không còn tình trạng này nữa.

Nên chăng chúng ta nên biến việc khám chữa bệnh thành các gói dịch vụ rất rõ ràng, minh bạch?

Tôi nghĩ là hoạt động đó cần minh bạch hơn. Hiện cũng đang có câu chuyện tăng giá hàng nghìn dịch vụ mới của y tế, tất nhiên không kỳ vọng khi tăng giá thì sẽ hết tiêu cực, nhưng rõ ràng nếu tính đúng, tính đủ vào thì sẽ đỡ đi tình trạng phong bì phong bao đó.

Nghĩa là giá dịch vụ y tế hiện chưa tính đúng, tính đủ?

Đây là câu chuyện vòng quanh đánh bùn sang ao. Thu nhập của đa phần chúng ta đều cùng nói “ không đủ sống” nhưng mọi người đều không chỉ nuôi được bản thân mình mà thậm chí còn mua được nhà, được xe.

Vậy thì nói thẳng ra, bác sĩ nhận phong bì, người ngành khác cũng nhận phong bì ở đâu đó, thì mức thu nhập mới đáp ứng được mức chi tiêu, mức sống thông thường để mà có tiền phong bì cho bác sĩ chứ. Thế nên cuộc chơi này thật mà ảo, ảo mà thật.

Đừng kỳ vọng bác sĩ không nhận tiền thu nhập thêm

Ông ủng hộ hay không ủng hộ việc đưa phong bì?

Rất khó để nói đứng về phía nào, chỉ biết rằng không nên nhận tiền một cách phi đạo lý, đạo đức. Không đòi hỏi đãi ngộ trên nỗi đau, sự mất mát của người bệnh. Ví dụ như bệnh nhân là người bị ung thư, nghèo khó cùng cực rồi, bệnh nhân nghèo bị bệnh hiểm nghèo… thì đừng đỏi hỏi họ phải bồi dưỡng này nọ.

Còn về cơ bản, mình sống trong xã hội này thì phải tuân thủ các nguyên tắc trong xã hội. Hơn nữa, thầy thuốc đâu chỉ giàu lên nhờ nhận phong bì, họ cũng có nhiều cách để giàu chứ.

Vậy thì phải chăng chỉ người nghèo mới kêu ca về việc đưa phong bì cho bác sĩ?

Đây là câu chuyện về nhóm các dịch vụ y tế liên quan đến nhóm yếu thế trong xã hội, đến các dịch vụ cần thiết phải nhân đạo…

Nhìn ở góc độ tổng thể thì đừng bao giờ kỳ vọng bác sĩ nhận phần thu nhập thêm này, vấn đề là thái độ của người thầy thuốc thế nào. Nếu một cô y tá đi quơ phong bì để chia chỗ này chỗ nọ một cách đầy thách thức thì chắc là không thương được.

Dường như là người nghèo vào viện là khổ?

Ở các nước phát triển họ có hệ thống nhà thương tế bần, là nơi người nghèo của xã hội vào đó và nhà nước có trách nhiệm chữa trị cho họ. Còn ở ta thì người nghèo cùng khổ hay người giàu đại gia cũng cùng chung bệnh viện, nên tạo ra sự chênh lệch, tạo ra những chuyện “chướng tai gai mắt”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP