Đời sống

Ai cũng có một thời để nhớ

Tới đầu làng Đông Dư Hạ (Gia Lâm, Hà Nội) hỏi nhà ông Nguyễn Thái Đào (82 tuổi) là ai cũng biết. Chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đến chục cây số, nhưng nếp sống ở đây đã khác, gần gũi, biết hết nhau như ở làng quê vậy.

Ông Nguyễn Thái Đào.

Tự hào về ngôi nhà của mình

Nhà ông Đào xây hai tầng ở giữa khu vườn hơn nghìn mét vuông rất nhiều cây cối. Cái sân rộng lát gạch đỏ, xung quanh là cây cảnh, ngay thềm nhà là hai cây mộc to, hoa thơm ngát. Góc sân là hai cái chậu to để ông chuẩn bị trồng sen. Vườn trước nhà trồng cây ăn trái, bưởi, mít, roi…, vườn sau trồng chuối, rau, nuôi gà, nuôi ngan…

Ban ngày các con đi làm, các cháu đi học, chỉ có hai ông bà ở nhà, loanh quanh ra vườn là chẳng bao giờ hết việc. Hết quét sân, dọn vườn lại tưới cây, tỉa cành, chăm vườn rau, ngắm mấy cây bưởi sai trĩu quả, đàn gà đẹp như tranh… là thấy vui, thấy khỏe.

Ông Đào rất tự hào với ngôi nhà của mình. Ông kể, khi xây nhà năm 2000, ông đã nói với kiến trúc sư là ở đây đất rộng, phải thiết kế sao cho khoa học, có gió, có ánh sáng, các phòng phải độc lập, công năng sử dụng lớn… để đi đâu về nhìn thấy mát mắt là được.

Mà quả thật, sống trong một không gian rộng rãi, nhiều cây xanh, thoáng mát như thế đúng là nơi đáng sống với người cao tuổi.

Nhà cửa rộng rãi nên có điều kiện giữ được những đồ vật kỷ niệm, chứ nếu ngoài thành phố nhà chật thì chẳng thể giữ được. Như cái tủ ly là từ thời cụ thân sinh ra ông mua tặng ông nội, giờ vẫn được kê trang trọng nơi phòng khách. Những việc nhỏ như thế thôi, nhưng lại là rất quan trọng với người già, vì được sống với kỷ niệm.

Gia đình ông sống ở đây đã nhiều đời. Làng Đông Dư trước kia nổi tiếng với giống dưa cải, nhưng giờ nhiều nhà chuyển sang trồng ổi.

Cuộc sống ở vùng ven đô thật dễ chịu. Rau trong vườn, gà nhà nuôi. Thỉnh thoảng trong xóm có nhà làm thịt lợn sạch thì mua, cá cũng mua trong làng…

Với người già thế là đủ, ăn uống chẳng cầu kỳ. Nuôi con gà cũng để dành cho ngày Tết hay những lúc con cháu về chơi. Mọi cái đều đơn giản và yên bình.

Một thời để nhớ

Sáng nào ông Đào cũng đạp xe ra đình tập dưỡng sinh Kinh lạc cùng các cụ trong làng. Đường làng đều đổ bê tông sạch sẽ và rất đẹp nên đạp xe cũng là một cái thú, vừa đạp xe vừa ngắm những đổi thay của quê mình, gặp gỡ chào hỏi người quen, từ đầu làng đến cuối làng mọi người đều biết nhau cả.

Tập xong lại ngồi uống nước với các cụ, nói chuyện. Những lúc rảnh rỗi, ông rất thích xem các chương trình đánh cờ trên TV.

Trước đây ông Đào công tác trong ngành giáo dục, là trưởng phòng giáo dục huyện Gia Lâm. Sau khi nghỉ hưu, ông làm chánh thanh tra hội Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố, làm bí thư chi bộ 10 năm, rồi làm phó chủ tịch hội Cựu giáo chức huyện Gia Lâm, thường trực hội khuyến học huyện và trưởng ban liên lạc cựu chiến sĩ diệt dốt huyện Gia Lâm…

Vui nhất là hội cựu chiến sĩ diệt dốt. Dù chẳng mấy ai còn nhớ, nhưng họ, những chiến sĩ diệt dốt, những người đã tham gia phong trào bình dân học vụ năm nào vẫn giữ nếp cứ đến ngày 8/9 hàng năm (ngày Bác Hồ ký sắc lệnh lập nha Bình dân học vụ) là họ lại tự tổ chức gặp mặt, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời sôi nổi, đầy nhiệt tâm. Họ gọi đấy là một thời để nhớ.

Ai cũng có một thời để nhớ, để khi về già người ta nhớ lại với lòng tự hào. Với ông Đào, hồi làm trưởng phòng giáo dục, ông đã can thiệp để một sinh viên sư phạm bị tàn tật không phải nghỉ học và giờ đây người đó đang là một giáo viên giỏi.

Ông bảo, làm lãnh đạo, quan trọng nhất là phải công bằng, công khai, công tâm, phải có bản lĩnh. Điều hài lòng nhất của ông là trong quá trình công tác đến lúc nghỉ hưu không có gì vấp váp, cấp trên cấp dưới đều quý mến nên tư tưởng thoải mái.  Con cái thì trưởng thành cả rồi, nhà cửa đàng hoàng thế là vui.

Minh Châu

BẢN DESKTOP