Dữ liệu y khoa

90% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhiễm phụ khoa

  • Tác giả : T.Nga
(khoahocdoisong.vn) - Đó là thông tin tại “Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa lần thứ 7”  do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức ngày 1/11.

Theo đó, tỷ lệ mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ lên tới 90%, trong đó nhóm phụ nữ có kiến thức, có thu nhập chiếm hơn 70%. Không chỉ phổ biến mà tình trạng viêm âm đạo còn có thể gây ra các bệnh phụ khoa nghiêm trọng hơn ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, thậm chí dẫn tới vô sinh ở nữ giới. Trong đó nhiễm khuẩn âm đạo là nguyên nhân chủ yếu gây viêm âm đạo và dịch tiết âm đạo bất thường.

Điều đáng nói, 80% bệnh nhân nhiễm khuẩn âm đạo cần điều trị ít nhất hai đợt kháng sinh. Việc sử dụng lặp lại kháng sinh dẫn đến: 1 - Tăng tỷ lệ đề kháng kháng sinh; 2 - Rối loạn môi trường âm đạo; 3 - Tăng các tác dụng phụ (tiêu hóa); 4 - Tăng chi phí điều trị; 5 - Kéo dài thời gian điều trị. Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm Candida (VVC) thứ phát sau điều trị nhiễm khuẩn âm đạo và những hạn chế hay chống chỉ định của thuốc điều trị viêm âm đạo trên phụ nữ có thai và cho con bú cũng đặt ra nhiều thách thức trong điều trị viêm âm đạo. Do đó, cần một hướng tiếp cận mới để nâng cao hiệu quả điều trị hạn chế việc đề kháng kháng sinh và tính an toàn cao.

Báo cáo đã đưa ra khuyến cáo 2018 của European (IUSTI/WHO) hướng dẫn sử dụng Dequalinium chloride trong điều trị nhiễm khuẩn âm đạo. Dequalinium chloride là hoạt chất kháng khuẩn phổ rộng giúp đạt hiệu quả điều trị tương đương với các kháng sinh trong phụ khoa hiện tại. Đây là giải pháp không kháng sinh, vì vậy hạn chế việc sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó, Dequalinium chloride giúp giảm 67,5% tỷ lệ nhiễm thứ phát Candida và được chứng minh là an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được Sở Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở sản phụ khoa trên địa bàn Hà Nội. Tháng 8/2018, Bộ Y tế đã quyết định công nhận Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật sản phụ khoa và giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tham gia công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh chuyên khoa phụ sản khoa cùng Bệnh viện Phụ sản T.Ư, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị được phân công chỉ đạo tuyến. Hội nghị lần này là dịp để các bác sĩ trong lĩnh vực sản phụ khoa của bệnh viện cũng như các đơn vị tuyến dưới có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến hoạt động điều trị, nghiên cứu và phát triển chuyên ngành sản khoa.

T.Nga

BẢN DESKTOP