Doanh nghiệp

8 chiến lược thành công cho nữ doanh nhân

Một trong những chiến lược quan trọng nhất cho nữ doanh nhân là “Hãy nghĩ lớn hơn!”.

Đó cũng là tựa đề cuốn sách vừa được phát hành hồi tháng 8/2017 của tác giả Michael W. Sonnenfeldt – doanh nhân người Mỹ, nhà hoạt động chính trị, nhà sáng lập và Chủ tịch Tiger 21 (một cộng đồng với hơn 500 doanh nhân và nhà đầu tư, đang quản lý khối tài sản cá nhân lên đến 50 tỷ USD).

Cuốn Think Bigger: And 39 Other Winning Strategies from Successful Entrepreneurs (tạm dịch: Nghĩ lớn hơn: Và 39 chiến lược chiến thắng khác từ các doanh nhân thành công) của Sonnenfeldt đặc biệt hữu ích cho bất kỳ người nào mong muốn khởi sự kinh doanh.

Rào cản lớn nhất cho các nữ doanh nhân là huy động vốn.

Một trong những doanh nhân được mô tả trong cuốn sách này là Linda Abraham, 55 tuổi, người trở thành nhà đồng sáng lập 2 doanh nghiệp sau khi bắt đầu sự nghiệp tại Procter & Gamble. Hiện bà là nhà đầu tư thiên thần và thành viên hội đồng của nhiều startup, chẳng hạn như giữ vai trò Phó chủ tịch của Công ty phần mềm Upskill.

Có thể nói, Think Bigger cực kỳ hữu ích cho phụ nữ vì theo Sonnenfeldt, doanh nhân nữ thường gặp những trở ngại mà các doanh nhân nam không gặp. “Bất kỳ ai cũng gặp khó khăn khi gầy dựng nên một công ty từ con số 0 khi chỉ có mỗi ý tưởng, nhưng các nữ doanh nhân tôi biết thường xuyên bị đánh giá thấp một cách định kiến. Chỉ có duy nhất một cách lý giải cho tình trạng này, đó là sự phân biệt giới tính”, ông viết.

Mặc dù vậy, Sonnenfeldt cũng cho rằng các nữ doanh nhân có những lợi thế mà các đồng nghiệp nam của họ không có. “Nhiều sự thành công trong kinh doanh phụ thuộc vào sự tinh tế, thấu hiểu con người và kỹ năng lãnh đạo tập thể. Đây là những điểm mạnh của nữ giới”, ông nói với Forbes.

Sau đây là những chiến lược thành công cho nữ doanh nhân, được đúc rút từ cuốn Think Bigger và từ cuộc phỏng vấn của Forbes với tác giả Sonnenfeldt và Linda Abraham:

1. Tìm kiếm các cố vấn

“Điều đã cứu giúp tôi hết lần này đến lần khác không phải là kiến thức của tôi, mà là sự thông thái của người khác – những người đã trải qua thứ tương tự với thứ tôi đang phải lần đầu tiên vật lộn, đặc biệt là với những góc nhìn, những kinh nghiệm mà họ đã tích cóp được sau nhiều năm chinh chiến”, Sonnenfeldt viết.

2. Đôi khi nên nhìn đời qua lăng kính màu hồng

“Những doanh nhân thành công có nhiều điểm chung: tính kỷ luật, lòng can đảm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro… Nhưng tôi dám cược rằng những người thành công nhất trong số chúng ta có xu hướng thể hiện những tính cách đó với mức độ cao hơn thậm chí đến 8 lần. Họ có một tinh thần lạc quan mà có thể bị các nhà tâm lý học cho là “hoang tưởng”, Sonnenfeldt viết, “Để vượt qua những nỗi hoài nghi và chướng ngại, hầu hết doanh nhân đều cần sự can đảm và một mức độ lạc quan gần như hoang tưởng”.

3. Đừng đi một mình

Sonnenfeldt tin chắc rằng những doanh nhân giỏi nhất đều phải nhận sự giúp đỡ từ người khác. “Những “điểm mù” của bạn là gì?”, ông đặt câu hỏi. “Nếu không tìm được câu trả lời (hoặc tin rằng mình không có “điểm mù”), bạn cần phải tập hợp các thành viên ban điều hành lại để giúp đánh giá xem bạn đang quản lý doanh nghiệp, tiền bạc và cuộc sống cá nhân đã tốt hay chưa”.

4. Tò mò

“Vâng, các doanh  nhân cần ý tưởng, cần đam mê, và họ cần sự tự tin, lòng can đảm để duy trì sự hoạt động của công ty”, Sonnenfeldt viết. “Nhưng để công ty phát triển và mạnh hơn các đối thủ cạnh tranh, để giữ chân người mua hàng, và dĩ nhiên là để gầy dựng tiếp một doanh nghiệp thứ hai hoặc thứ ba, thứ tư… như các thành viên trong Tiger 21, bạn phải tưởng tượng xem làm thế nào có thể phục vụ khách hàng tốt hơn nữa, có thêm những khách hàng mới, sản phẩm mới và thậm chí là những danh mục sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới”.

Sonnenfeldt gợi ý bắt đầu bằng việc “tự hỏi chính mình một số câu hỏi khó về công ty, tương lai của nó và tương lai những khách hàng của bạn. Họ có cần điều gì mà bạn chưa cung cấp? Làm thế nào thúc đẩy công ty bạn lên một tầm cao mới? Bạn có cần thay đổi mô hình kinh doanh? Bạn có cần sự giúp đỡ của ai đó?”.

Abraham cho biết, khi đang cân nhắc về việc hậu thuẫn cho một startup, bà thường tìm kiếm ở họ một sự thấu hiểu thị trường sâu sắc về sản phẩm/dịch vụ của mình. “Nhiều người thường có cái nhìn ngây thơ về nhu cầu của thị trường cho ý tưởng của họ, Abraham nói, “Bạn phải có một tầm nhìn toàn cảnh về một “bức tranh lớn”, nhưng bạn cũng phải biết hiện tại cần làm thế nào để đạt được mục tiêu”.

5. Chi tiêu dưới mức nhu cầu

“Nhiều doanh nhân tôi biết nhận xét rằng sự tiết kiệm đóng vai trò lớn trong thành công của họ không kém gì những ý tưởng và kỹ năng kinh doanh, giúp họ có được số vốn cần thiết vào đúng thời điểm cần mở rộng kinh doanh và đầu tư vào các ý tưởng khác”, Sonnenfeldt viết, “Phần lớn đều nói rằng trong suốt những năm xây dựng cơ đồ (khoảng độ tuổi 20, 30, và thường trong suốt những năm ở độ tuổi 40, 50), họ chi tiêu ít hơn 50% thu nhập, và dùng số tiền còn lại để tiết kiệm hoặc tái đầu tư”.

6. Khi cần huy động tiền, đừng nhờ vả gia đình và bạn bè

Abraham nhận định, rào cản lớn nhất cho các nữ doanh nhân là huy động vốn. Và nói về vấn đề này, bí quyết của Sonnenfeldt là: “Những người trong độ tuổi 50 – 60 nên cố gắng huy động vốn một cách chuyên nghiệp, vì nếu bạn có một ý tưởng hay và khả thi, những nhà đầu tư, chuyên gia giỏi sẽ giúp xác nhận nó và đưa ra một mức giá hợp lý”.

“Khi tìm nguồn tài chính để bắt đầu một doanh nghiệp, đừng sử dụng nguồn vốn nhỏ lẻ từ gia đình và bạn bè, mà hãy sử dụng nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Có thể bạn không huy động được quá nhiều vốn, nhưng đó chính là sự công nhận ban đầu về tiềm năng của ý tưởng, là sự phản hồi đầu tiên bạn nhận được trước khi quá muộn để quay đầu”, ông nói thêm.

7. Tham gia sâu sát tất cả quá trình startup của mình

“Hãy chú ý đến tất cả mọi khía cạnh, mọi phần việc trong quá trình khởi sự kinh doanh. Đừng ủy thác cho đến khi bạn thực sự biết cách làm thế nào để tự làm một phần việc nào đó”, Linda Abraham chia sẻ.

8. Đừng bỏ phí những kỹ năng mềm của mình

“Nếu bạn là một phụ nữ khởi sự một doanh nghiệp trong độ tuổi 50 hoặc hơn, và bạn còn là một người mẹ, rất nhiều kỹ năng làm cha mẹ có thể được “chuyển hóa” thành kỹ năng quản lý nhân viên để giúp họ thành công. Mỗi nhân viên đều có những thách thức riêng và điều bạn cần làm là giúp họ thể hiện tốt nhất khả năng của mình”, theo Abraham.

Theo Bích Trâm (DNSG)

BẢN DESKTOP