Bình luận

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

  • Tác giả : PV
Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.

Mái nhà chung Khoa - Đời

Mới đó đã 25 năm, ngày tôi bước chân vào Khoa học và Đời sống, ngôi nhà mà chúng tôi hay gọi với cái tên thân thương Khoa - Đời.

Nếu có ai hỏi về một trong những điều may mắn của cuộc đời, tôi không hề ngần ngại nói, đó là được làm việc, học tập (đúng nghĩa là học và làm nghề) tại báo Khoa học và Đời sống. Nói không quá, những gì tôi có hôm nay từ các mối quan hệ, sự tự tin, kỹ năng trong cuộc sống đều từ những năm tháng làm việc và được rèn rũa tại môi trường này.

Còn nhớ, khi là cô sinh viên mới tốt nghiệp, nhân xem được mẩu tin tuyển dụng của Báo, chẳng hiểu sao tôi nghĩ ngay đến việc làm hồ sơ dự tuyển dù ngành nghề đào tạo là cử nhân khoa học Môi trường, không liên quan báo chí. May sao, hồ sơ được chọn, tôi được gọi đi phỏng vấn. Sau này, tôi mới thấy, tờ báo có được uy tín và gây dựng thương hiệu vì đã chọn được hướng đi khác biệt, nhưng rất đúng đắn đó là cần chuyên môn vững ở từng lĩnh vực.

Đó cũng là điều may mắn vì tôi tốt nghiệp ngành Môi trường nên dù mới vào nghề, đã được giao phụ trách trang Môi trường của Báo. Các trang khác như Kinh tế, Sức khỏe, Nông nghiệp… cũng do người có chuyên ngành tương ứng phụ trách với triết lý có hiểu mới viết đúng được.

Ngày làm việc đầu tiên được đi họp báo, mang sổ sách, giấy bút đi theo học việc, rồi tự làm tin đầu tiên. Những dòng gạch xóa, chữa tin, rồi chỉ bảo của các cô chú, anh chị khiến tôi vẫn nhớ mãi và đọng lại câu: Thế có biết Mõ khác Nhà báo ở điểm gì không? Thật sự ngơ ngác, nhưng càng ngày càng thấm câu đó. Với danh xưng NHÀ BÁO, đó là điều thật vinh dự, nhưng đầy trách nhiệm trên mỗi dòng tin, bài viết, bức ảnh.

Do đặc thù là báo khoa học nên yêu cầu đặt ra cũng rất khắt khe, đó là khiến thông tin khoa học thật gần gũi, không khô cứng, giáo điều, không hoa mỹ. Chính vì thế, trên bàn mỗi biên tập viên đều có vài quyển từ điển để tra hoặc danh bạ nhà khoa học là cộng tác viên của báo để hỏi khi thông tin chưa rõ. Cứ như vậy, tôi trở thành chuyên gia lúc nào không biết.

Cũng tại Báo, lần đầu tiên tôi biết thế nào là làm điều tra, điều tưởng chừng rất khó ở một tờ báo chuyên về khoa học. Những vấn đề đời sống được tòa soạn soi chiếu và triển khai dưới góc nhìn khoa học cũng hấp dẫn, gay cấn và thu hút không kém đề tài hình sự, pháp trường... Những ngày tháng đó, tôi đã được sống, làm việc hết công suất, thỏa sức sáng tạo và được trải qua đủ cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Còn nhớ có lần đi làm điều tra, bị bắt lại, tịch thu máy ảnh, máy ghi âm, gọi về Tòa soạn, Tổng biên tập nói: “Cứ để họ thu, làm đến cùng sự việc”.

Kỹ năng làm phóng sự điều tra cứ dày lên theo từng vụ việc. Sẽ chẳng bao giờ quên được những lần chúng tôi cùng làm loạt bài Rau bẩn Thanh Trì, Thánh vật sông Tô Lịch… Đó là những lần sáng họp đề tài, trưa tỏa đi làm, chiều về lên trang, tối đợi ra nhà in, sáng tinh mơ cầm tờ báo trên tay rưng rưng ôm nhau khóc ở cổng nhà in... sẽ chẳng bao giờ quên trong kỷ niệm làm nghề.

Giờ, dù đã rời xa ngôi nhà đó hơn 10 năm rồi, trái tim vẫn rưng rưng và đầy tự hào mỗi khi có ai đó điện thoại với câu nói: Lê Hạnh Báo Khoa học và Đời sống à? Xin gửi muôn vàn tình yêu, sự biết ơn đến nơi đã bồi đắp và cho tôi những ngày đáng sống. Ngôi nhà đó bước sang tuổi 65, chúc Khoa học và Đời sống sẽ đạt thật nhiều thành tựu rực rỡ hơn nữa trong chặng đường sắp tới của mình.

Lê Hạnh - Chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN, Nguyên Trưởng ban Thời sự Khoa học - Báo Khoa học và Đời sống.

Lê Hạnh - Chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN, Nguyên Trưởng ban Thời sự Khoa học - Báo Khoa học và Đời sống.

Tự hào về tờ báo khoa học uy tín

Tôi về Báo Khoa học và Đời sống năm 2008, được phân công làm việc ở Ban Thời sự Khoa học, một trong những ban chủ lực của Tòa soạn. Trong 10 năm làm việc, tôi có nhiều kỷ niệm đẹp gắn bó với đồng nghiệp, những chuyến đi, những bài báo phản ánh vấn đề thời sự dưới góc nhìn khoa học.

Tôi nhớ chuyến đi cùng Tô Hội về Thanh Hà (Hải Dương), tìm hiểu về sự mai một và mất dần của các giống cây bản địa. Tôi nhớ chuyến đi đến làng quê có người nhiễm HIV cùng Thu Hiền để tìm hiểu tâm tư, cuộc sống của người có “H”. Tôi nhớ cùng Lê Na phỏng vấn chuyên gia đầu ngành về những vấn đề như xăng giả, tăng giá điện, sạt lở đất… Tôi cũng nhớ những buổi chiều vừa từ cơ quan về đến nhà đã lại nhận được điện thoại của các anh, chị trưởng ban Quang Nam, Lê Hạnh, Trọng An, Mạnh Hùng… yêu cầu phỏng vấn nhanh chuyên gia liên quan chủ đề thời sự đang xảy ra như bão, cháy chung cư, động đất… Đằng sau mỗi bài báo là những câu chuyện, kỷ niệm không thể nào quên.

Nhìn lại cả thanh xuân của mình gắn bó với Khoa học và Đời sống, tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì từng là một phần của tờ báo khoa học hàng đầu. Qua từng chặng đường, Báo luôn phát triển ổn định, các bài viết đảm bảo chất lượng, thông tin nhanh chóng chính xác, kịp thời trở thành người bạn đồng hành của mọi thế hệ độc giả của cả nước. Không chỉ được độc giả tin tưởng, Báo còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và giới trí thức.

Nhân dịp Báo bước sang tuổi mới, xin chúc các bạn đồng nghiệp luôn giữ vững tay bút, ngọn lửa và nhiệt huyết của người làm báo để tiếp tục có những bài viết tốt, chuyên mục hay, thông tin đảm bảo chính xác, kịp thời, hữu ích.

Lan Hoa - Nguyên phóng viên Ban Thời sự Khoa học - Báo Khoa học và Đời sống.

Lan Hoa - Nguyên phóng viên Ban Thời sự Khoa học - Báo Khoa học và Đời sống.

Lan Hoa - Nguyên phóng viên Ban Thời sự Khoa học - Báo Khoa học và Đời sống.

Khoa học và Đời sống cho tôi thanh xuân rực rỡ, đam mê làm nghề

Tôi may mắn được làm việc tại Khoa học và Đời sống 15 năm và gần 2 năm tại Kiến thức. 17 năm tại ngôi nhà này đã cho tôi nhiều kỷ niệm, cũng như giúp bản thân trở nên vững vàng hơn trong nghề báo.

Đó không chỉ là nơi tôi được học nghề, được cầm tay chỉ việc, cũng như trải qua thật nhiều cảm xúc của nghề báo, mà còn là mái nhà thứ hai với tình cảm ấm áp, thân thương, luôn chia sẻ cùng nhau của một tập thể đoàn kết. Khoa học và Đời sống đã in đậm trong trái tim, suy nghĩ, tâm thức cũng như thói quen xưng tên của mình. Đó cũng là lý do, dù không còn ở trong ngôi nhà đó, nhưng đôi khi xưng tên tôi vẫn nhầm: Em ở Báo Khoa học và Đời sống.

Tôi còn nhớ kỷ niệm đi điều tra rau bẩn gắn mác rau hữu cơ. Đó là buổi chiều hè, tôi và Phạm Hằng (Ban Y tế) bám theo nhân viên cửa hàng rau hữu cơ trên phố Khâm Thiên xuống làng rau Xuân Phương lấy hàng. Phạm Hằng được phân công theo dõi quá trình người dân cắt rau trồng theo phương thức truyền thống từ ngoài đồng về, nhân viên vào nhà nhập rau, đổi dây buộc sang rau sạch hữu cơ. Còn tôi, ngồi canh ở đầu làng để tìm hiểu nguồn hàng được phân đi đâu. Kết quả của buổi hôm đó, tôi bám theo nhân viên trên đường về Hà Nội, nhưng lại bị hai thanh niên xăm trổ bám sát theo về đến tận nhà.

Hay kỷ niệm làm đề tài về áo ngực có chất lạ năm 2012. Tôi còn nhớ, khi anh Vũ Đức Lợi, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ gọi điện báo có kết quả xét nghiệm là chập tối. Tôi ở nhà, đang sốt cao. Nhưng chỉ cần nghe thế, tôi phóng xe máy từ Mai Động xuống 18 Hoàng Quốc Việt và chờ chuyên gia họp xong để lấy tin, sau đó về cơ quan ở đường Láng để viết bài cho sáng mai. Tối đó, cả Ban Thư ký làm báo chậm, nhưng chúng tôi rất vui vì dù báo giấy nhưng vẫn đảm bảo làm tin thời sự theo “trend”.

Đó chỉ là những kỷ niệm nhỏ trong quãng đời làm báo, nhưng nó cho chúng tôi, lứa trẻ ngày ấy những trải nghiệm làm nghề với đầy tâm huyết, máu lửa. Vì thế, bên cạnh những đề tài tư vấn chỉ dẫn, chúng tôi vẫn theo những bài điều tra nhằm mang lại thông tin hữu ích cho bạn đọc. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn biết ơn vì mình đã có một thanh xuân rực rỡ, được làm nghề đầy đam mê.

Thu Hiền - Biên tập viên Báo Sức khỏe và Đời sống, Nguyên phóng viên Ban Thời sự Khoa học, Báo KH&ĐS.

Thu Hiền - Biên tập viên Báo Sức khỏe và Đời sống Nguyên phóng viên Ban Thời sự Khoa học, Báo KH&ĐS.

Thu Hiền - Biên tập viên Báo Sức khỏe và Đời sống

Nguyên phóng viên Ban Thời sự Khoa học, Báo KH&ĐS.

CLB sinh viên: Nơi chắp cánh ước mơ làm báo khoa học

Gần 20 năm trước, tôi chập chững tới Báo Khoa học và Đời sống tham gia CLB sinh viên. Thời điểm ấy, với một sinh viên năm 3 hay lang thang các “hang cùng ngõ hẻm” để viết chân dung, phóng sự…, tôi có nằm mơ cũng không nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với công việc được xem là “khó nhằn” và khô khan: Viết báo khoa học.

Tôi bắt đầu hành trang làm báo khoa học vỏn vẹn với hai từ “lo lắng”. Thế nhưng, ở nơi ấy, với sự dìu dắt của các anh chị đi trước, đặc biệt là anh Quang Nam, chủ nhiệm CLB, chúng tôi đã bước đi chậm rãi và chắc chắn. Ở đó, chúng tôi được dạy không chỉ về nghề mà còn về cách sống.

Những bản thảo bài viết chi chít lỗi biên tập rồi cũng thưa dần, chúng tôi hiểu phong cách của Báo, về cách làm báo khoa học, nhưng phải đời sống, thật sự gần gũi với người dân; cách phỏng vấn, đặt quan hệ với các chuyên gia; phải làm sao dùng câu chữ hóa giải tính hàn lâm, khô khan của ngôn từ khoa học để người đọc là “bác xe ôm, anh cửu vạn” khi cầm tờ báo lên là hiểu, rồi áp dụng vào cuộc sống của mình. Mỗi sáng ra sạp báo hay uống trà đá, cà phê, chúng tôi vui mừng khi thấy tờ báo trên tay độc giả…

Sau này, khi trở thành phóng viên của Báo, chúng tôi thấy sự “khốc liệt” trong những buổi giao ban, tranh luận để tìm ra đề tài hay cho số báo sắp tới; rút kinh nghiệm thiếu sót trong số báo cũ. Mỗi lần như vậy, tầm nhìn của những cô, cậu sinh viên mới ra trường đã dần được mở rộng, nạp thêm kiến thức cho hành trang làm báo khoa học của mình.

Khi rời khỏi Khoa học và Đời sống, tôi vẫn mang theo hành trang bên mình cách làm báo khoa học và công nghệ. Những kiến thức tích lũy được từ ngày chập chững vào nghề đã giúp tôi tự tin hơn với con đường mình chọn.

Hôm vừa rồi, trở lại thăm Tòa soạn tại 70 Trần Hưng Đạo, bao kỷ niệm cũ lại ùa về. Nơi đây, chúng tôi từng có những buổi thức thâu đêm để cùng làm loạt bài Thánh vật sông Tô Lịch, để sáng hôm sau tận mắt thấy những tờ báo được photo bán khắp phố phường (vì hết báo gốc); hay những “trận họp” tranh luận căng thẳng, phút vui vẻ sau giờ nghỉ ở quán bia phố Dã Tượng…

Với sự bùng nổ của công nghệ, cách tiếp cận thông tin của độc giả…, làm báo nay đã khác xưa nhiều. Có lẽ, những bài viết chỉ dẫn ngày nào về việc làm thế nào để bảo quản rau tươi lâu hơn; sạc pin điện thoại ưu việt… sẽ được độc giả “search” trên mạng, đọc ngay tại website của cửa hàng hướng dẫn nhiều hơn là tìm kiếm trên báo. Bởi thế, tờ báo cũng đã chuyển mình để bắt nhịp yêu cầu ngày càng cao của độc giả.

Cá nhân tôi cho rằng, khi tri thức của độc giả ngày một cao, họ sẽ tìm tới trang thông tin của các đơn vị khoa học nổi tiếng hoặc tờ báo về khoa học chứ không lấy thông tin “trôi nổi” trên cõi mạng. Bởi vậy, làm báo khoa học sẽ luôn còn “đất diễn” để khẳng định mình, len lỏi vào cuộc sống của người dân.

Chúc tờ báo đầu đời của tôi luôn vững mạnh, để lan tỏa tri thức khoa học thường thức tới mọi người.

Phạm Trung Hiền Phó trưởng Phòng Phóng viên, Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN)Nguyên phóng viên Ban Thời sự Khoa học - Báo Khoa học và Đời sống.

PV

BẢN DESKTOP