Giáo dục

640 điểm cầu toàn quốc bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường

  • Tác giả : Nguyễn Mai
(khoahocdoisong.vn) - 640 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của gần 20.000 đại biểu đã cùng bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường.

Tại điểm cầu Bộ GD&ĐT tại Hội nghị Đảm bảo an ninh, an toàn trường học phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) tại hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức, có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ; đại diện lãnh đạo Công đoàn giáo dục (GD) Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ LĐTBXH, các cục vụ thuộc Bộ GD&ĐT...

Chủ trì các điểm cầu tại 63 sở GD&ĐT là đại diện lãnh đạo UBND tỉnh hoặc lãnh đạo các sở GD&ĐT.

Ngay trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện quan điểm, cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để “phòng” BLHĐ là chính; ngành GD phải tiên phong, chủ động để thực hiện nhiệm vụ này.

Vai trò của nhà trường, nhất là thầy cô giáo chủ nhiệm, phụ trách đoàn, hội, đội, trách nhiệm của không chỉ hiệu trưởng mà cả lãnh đạo nhà trường cần được nâng cao.

Bộ trưởng nêu quan điểm: “Các thầy cô phải trở thành nhà GD, không phải “thợ dạy”. Cần lấy GD, nêu gương là chính, không nặng về phạt, răn đe”.

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GD Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Với hệ thống văn bản quy phạm, chỉ đạo chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời, đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở GD trong toàn quốc bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học; bảo đảm môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ…

Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng BLHĐ vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở GD; cá biệt có một số vụ việc nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường GD và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong gần 20 ý kiến phát biểu từ các điểm cầu đều thể hiện đồng tình, thống nhất cao với kế hoạch phòng, chống BLHĐ năm 2019 của Bộ GD&ĐT.

Nguyên nhân của tình trạng gia tăng BLHĐ cũng được nêu ra, trong đó có nhiều điểm chung như: Tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập; sự bùng nổ CNTT, mạng xã hội; GD trong một số gia đình chưa thực sự lành mạnh; sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý học sinh.

Một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ. Công tác tuyên truyền, GD liên quan đến nội dung này chưa hiệu quả. Thực hiện dân chủ cơ sở trong một số trường học còn hạn chế. Một số nhà giáo, cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện ở cơ quan quản lý cấp trên chưa thường xuyên, kịp thời. Phối hợp giữa các sở, ban, ngành tại các địa phương thiếu chặt chẽ; Lương giáo viên hợp đồng 1,2 triệu; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"…

Nguyễn Mai

BẢN DESKTOP