Sống xanh

6 nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng toàn cầu

  • Tác giả : Tâm Anh
Nỗ lực hết mình để theo đuổi đam mê, vượt qua hành trình đầy gian khó, 6 nhà khoa học gốc Việt được giới chuyên môn và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, giành được nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới.

Người gốc Việt đầu tiên nhận huân chương Wilhelm Exner năm 2023

Tháng 6/2023, GS Nguyễn Thục Quyên trở thành người gốc Việt đầu tiên nhận huân chương Wilhelm Exner năm 2023 của Hiệp hội Thương mại Áo nhờ đóng góp có tác động trực tiếp đến kinh tế qua phát triển pin mặt trời hữu cơ.

GS Nguyễn Thục Quyên trở thành người gốc Việt đầu tiên nhận huân chương Wilhelm Exner năm 2023

GS Nguyễn Thục Quyên trở thành người gốc Việt đầu tiên nhận huân chương Wilhelm Exner năm 2023

GS Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ (CPOS), tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Hóa học và Hóa sinh Đại học California, Santa Barbara, Mỹ, từ năm 2004. Bà cùng các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu về thiết bị điện tử hữu cơ như quang điện, đèn LED và bóng bán dẫn hiệu ứng trường cảm biến sinh học. Bà sử dụng kỹ thuật quang học, điện và cấu trúc để nghiên cứu về các vật liệu và thiết bị này.

Thông qua các nghiên cứu, nhóm của GS Nguyễn Thục Quyên tập trung vào việc phát triển pin mặt trời hữu cơ. Loại pin này khác với các loại pin mặt trời khác ở chỗ chúng được làm bằng nhựa, bán trong suốt và có thể dễ dàng sản xuất dưới dạng màng mỏng bằng máy in công nghiệp.

Trước đó, vào tháng 2/2023, GS Nguyễn Thục Quyên được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Mỹ (NAE). Bà là một trong 124 thành viên (bao gồm 106 nhà khoa học người Mỹ và 18 nhà khoa học quốc tế) được NAE bầu là tân viện sĩ.

Theo thông tin từ NAE, GS Nguyễn Thục Quyên đã được các viện sĩ đương nhiệm đánh giá cao về vai trò lãnh đạo trong giáo dục kỹ thuật và nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng ở lĩnh vực này. Bà cũng có những công trình nghiên cứu đặc biệt về quang điện hữu cơ cho các tòa nhà và nhà kính tiết kiệm năng lượng.

Sinh năm 1970, GS Nguyễn Thục Quyên nhận bằng tiến sĩ năm 2001 tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ. Trong giai đoạn từ năm 2001-2004, bà là nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia.

Thời gian qua, nữ nhà khoa học gốc Việt đã giành được nhiều giải thưởng cao quý bao gồm: Đại lộ danh vọng Vật liệu tiên tiến 2019, Nghiên cứu viên của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia năm 2016, Giải thưởng Nghiên cứu Cao cấp Alexander von Humboldt năm 2015; được bình chọn vào danh sách Những Trí tuệ khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015-2019; thành viên Hiệp hội Vì sự tiến bộ khoa học Mỹ năm 2019.

Nhà vật lý thiên văn giành giải thưởng lớn của cộng đồng Pháp ngữ

Ngày 30/6/2022, website của Viện Hàn lâm Pháp thông báo GS Trịnh Xuân Thuận - nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt - giành giải thưởng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ (Grand Prix de la Francophonie). Cùng đó, ông được trao số tiền thưởng 30.000 euro (khoảng 730 triệu đồng).

GS Trịnh Xuân Thuận - nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt

GS Trịnh Xuân Thuận - nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt

Giải thưởng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ là sáng kiến của Chính phủ Canada, được trao hằng năm từ năm 1986, dành cho những cá nhân đã có những đóng góp lớn vào việc phát triển ngôn ngữ Pháp trên thế giới.

Sinh năm 1948, GS Trịnh Xuân Thuận tốt nghiệp Viện Công nghệ California và Đại học Princeton. Sau đó, ông trở thành Giáo sư ngành vật lý thiên văn học tại Đại học Virginia. GS Trịnh Xuân Thuận được biết đến với khả năng diễn đạt nội dung khoa học bằng ngôn từ của thi ca và bằng sự lãng mạn của một người có tâm hồn hòa đồng với vũ trụ.

Ông là tác giả của nhiều cuốn sách phổ biến thiên văn học nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt bao gồm: Giai điệu bí ẩn, Và con người tạo nên vũ trụ, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Vũ trụ và hoa sen, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó cùng nhiều sách khác.

Trong những năm quan, GS Trịnh Xuân Thuận đã được trao một số giải thưởng danh giá, uy tín bao gồm: giải Moron của Viện Hàn lâm Pháp về văn chương (năm 2007), giải thưởng Kalinga về phổ biến tri thức khoa học của UNESCO (năm 2009) và giải thưởng quốc tế Cino del Duca (2012).

Người được lấy tên đặt cho một tiểu hành tinh

Sinh năm 1963, GS Lưu Lệ Hằng (tên thường gọi Jane X. Luu) là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đoạt Giải thưởng Kavli trong lĩnh vực Vật lý thiên văn (vốn được coi là Giải Nobel trong lĩnh vực Vật lý thiên văn) khi góp phần phát hiện 31 tiểu hành tinh. Tên tuổi của nhà khoa học gốc Việt được nhiều người biết đến hơn khi phát hiện Vành đai Kuiper - một vùng chứa hàng trăm triệu vật thể bằng băng có dạng bánh vòng làm thay đổi quan niệm của giới thiên văn về lịch sử của hệ Mặt Trời.

GS Lưu Lệ Hằng (tên thường gọi Jane X. Luu) là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đoạt Giải thưởng Kavli trong lĩnh vực Vật lý thiên văn

GS Lưu Lệ Hằng (tên thường gọi Jane X. Luu) là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đoạt Giải thưởng Kavli trong lĩnh vực Vật lý thiên văn

Từ năm 1987 - 1992, GS Lưu Lệ Hằng và thầy của mình là GS David Jewitt thực hiện nhiều nghiên cứu và phát hiện thiên thể trong vành đai Kuiper. Khám phá này đã đặt dấu chấm hết cho những nghi ngờ về sự tồn tại của Vành đai Kuiper, mở ra hướng đi mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái Dương hệ.

Để ghi nhận công lao của bà trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, Hiệp hội Thiên văn Mỹ đặt tên GS Lưu Lệ Hằng cho tiểu hành tinh 5430 Luu.

Sau khi cùng gia đình sang định cư ở Mỹ năm 1975, GS Lưu Lệ Hằng đã theo học tại nhiều trường nổi tiếng về vật lý bao gồm: Đại học Stanford năm 1984; thạc sĩ ở Viện Berkeley thuộc Đại học California và năm 1990 nhận bằng tiến sĩ Vật lý Thiên thể ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Từ năm 1994, bà là giảng viên Khoa Thiên văn học tại Đại học Harvard, Mỹ. Sau đó, bà sang Hà Lan tham gia giảng dạy tại Đại học Leiden trước khi chuyên gia kỹ thuật của Phòng thí nghiệm Lincoln thuộc Viện Công nghệ Massachusetts.

GS Đặng Văn Chí tìm ra bí mật của tế bào ung thư

GS Đặng Văn Chí là nhà khoa học nghiên cứu về ung thư và nhà huyết học - ung thư học nổi tiếng thế giới. Những công trình của ông tập trung vào các tế bào ung thư và di truyền, đặc biệt là cách mà tế bào ung thư sử dụng năng lượng. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ông đã mang lại thông tin giá trị về chức năng của MYC - gen liên quan nhiều loại bệnh ung thư khác nhau.

GS Đặng Văn Chí là nhà khoa học nghiên cứu về ung thư và nhà huyết học - ung thư học nổi tiếng thế giới

GS Đặng Văn Chí là nhà khoa học nghiên cứu về ung thư và nhà huyết học - ung thư học nổi tiếng thế giới

Thông qua thiết lập mối liên hệ cơ học đầu tiên giữa MYC và chuyển hóa năng lượng tế bào, những nghiên cứu của GS Đặng Văn Chí đóng góp vào khái niệm biến đổi gen, lập trình lại việc sử dụng năng lượng của các khối u và đưa tế bào ung thư đến các nguồn nhiên liệu cụ thể mà chúng đang sử dụng.

Sinh tại TP HCM năm 1954, GS Đặng Văn Chí tới Mỹ năm 1967. Ông hoàn thành bằng cử nhân Hóa học tại Đại học Michigan năm 1975, lấy bằng tiến sĩ hóa học tại Đại học Georgetown năm 1978 và bằng tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkin năm 1982. Ở Đại học California, bang San Francisco, Mỹ, ông hoàn thành luận án nghiên cứu sinh về huyết học - ung thư và làm quen với gen MYC. Đây là loại gen đóng vai trò quan trọng trong các công trình y học của ông sau này.

Từ năm 2002 - 2003, GS Đặng Văn Chí là Chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Lâm sàng Mỹ. Năm 2006, ông trở thành thành viên của Học viện Y khoa Quốc gia Mỹ. Năm 2011, ông làm việc tại Trung tâm Ung thư Abramson tại Đại học Pennsylvania, sau đó trở thành giám đốc Trung tâm này. Cùng thời điểm đó, ông được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Mỹ.

Năm 2017, GS Đặng Văn Chí nhậm chức Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig trước khi được bổ nhiệm làm giáo sư của "Chương trình nghiên cứu về tế bào ung thư và phân tử" tại Viện Wistar.

Không chỉ nghiên cứu khoa học, GS Đặng Văn Chí còn được biết đến với vai trò tác giả của 2 cuốn sách, hơn 250 bài báo và chương sách về khoa học cũng như y học, khoảng 60.814 trích dẫn khoa học trên Google Scholar.

Một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam

Là nhà nghiên cứu tiềm năng của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Australia, GS.TS Trần Thị Lý (sinh năm 1975) là tác giả của hàng trăm công bố khoa học, trong đó nổi bật với các dự án nghiên cứu xuyên quốc gia. Năm 2001, bà được Chính phủ Australia cấp học bổng thạc sĩ tại Đại học Monash. Sau đó, bà học thạc sĩ ở Đại học Monash và giành được tấm bằng hạng ưu cũng như giải thưởng sinh viên quốc tế xuất sắc nhất ngành Giáo dục. Tiếp đến, bà học tiến sĩ và có cơ hội làm việc tại một số trường đại học của Australia.

GS.TS Trần Thị Lý

GS.TS Trần Thị Lý

Sau một thời gian công tác tại Đại học Monash và Đại học RMIT, năm 2013, GS.TS Trần Thị Lý được mời về giảng dạy tại Đại học Deakin. Năm 2017, nữ GS.TS người Việt được Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Australia công nhận là nhà nghiên cứu tiềm năng. Năm 2019, bà là nhà khoa học nữ người Việt có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội, dựa trên dữ liệu Scopus. Cũng trong năm 2019, bà được Tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Vào tháng 12/2020, GS.TS Trần Thị Lý vinh dự nhận giải thưởng Noam Chomsky - Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu 2020 và có ảnh hưởng sâu sắc tới việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia.

Trong hơn 20 năm qua, GS.TS Trần Thị Lý hợp tác với hơn 70 học giả và các nhà nghiên cứu đến từ Australia, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Philippines, Mỹ, Anh, Hà Lan… Các đề tài của bà chủ yếu liên quan hợp tác quốc tế và thúc đẩy dịch chuyển quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đại học, trong đó luôn có phần nhiều hướng về Việt Nam.

Người gốc Việt đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Y học Australia

Năm 2019, GS Nguyễn Văn Tuấn trở thành người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia, vì có những đóng góp xuất sắc của ông cho y học, đặc biệt là lĩnh vực loãng xương. Ông là giáo sư Khoa Y, thuộc Đại học New South Wales, đồng thời là Trưởng phòng Thí nghiệm nghiên cứu loãng xương thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan.

GS Nguyễn Văn Tuấn

GS Nguyễn Văn Tuấn

Trong khi đó, tại Việt Nam, GS Nguyễn Văn Tuấn là giáo sư nghiên cứu xuất sắc, Cố vấn cao cấp về nghiên cứu khoa học, Trưởng nhóm nghiên cứu cơ xương thuộc Đại học Tôn Đức thắng. Ông còn là Phó chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo và Chủ tịch Ủy ban đạo đức học thuật của Đại học Tôn Đức Thắng.

Trước khi trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia, năm 2018, GS Nguyễn Văn Tuấn được Đại học công nghệ Sydney (UTS) trao Huy chương của Hiệu trưởng về thành tích nghiên cứu ngoại hạng có tác động lớn đến chuyên ngành (Chancellor’s Medal for Exceptional Research). Đây là giải thưởng cao nhất mà UTS trao cho một cá nhân với những nghiên cứu xuất sắc nhất.

Trong gần 30 năm qua, GS Nguyễn Văn Tuấn có những đóng góp lớn cho lĩnh vực loãng xương, nội tiết bao gồm: đánh giá và chẩn đoán loãng xương, di truyền loãng xương và nghiên cứu về yếu tố dẫn đến loãng xương. Thêm nữa, ông là người Việt đầu tiên công bố nghiên cứu về mối liên quan giữa chất độc da cam và dị tật bẩm sinh trên tập san y khoa quốc tế và viết sách bằng tiếng Việt về vấn đề chất da cam.

Ngoài ra, GS Nguyễn Văn Tuấn từng giữ vai trò Phó chủ tịch Hội đồng biên tập và thẩm định của tạp chí Journal of Bone and Mineral Research; phụ trách biên tập cho tạp chí Osteoporosis International và Journal of Bone Densitometry. Ông thuộc Hội đồng biên tập và thẩm định của Journal of the Endocrine Society, JBMR Plus, Osteoporosis and Sarcopenia...

Trong những năm qua, GS Nguyễn Văn Tuấn đã công bố hơn 300 công trình khoa học trên các tạp chí ISI uy tín, đặc biệt là những tạp chí hàng đầu như New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, BMJ, Ann Int Med, Nature... Ông còn xuất bản 10 cuốn sách về khoa học, y tế và giáo dục trong nước cũng như tham gia giảng dạy tại nhiều hội thảo.

Tâm Anh

BẢN DESKTOP