Y học và đời sống

6 người bị chó dại cắn chủ quan không tiêm phòng, 1 người đã tử vong

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, không có thuốc điều trị đặc hiệu và có nguy cơ tử vong rất cao. 100% trường hợp đã bị lên cơn dại sẽ dẫn đến tử vong, không có thuốc nào có thể cứu chữa được.

Ngày 18/6, Trung tâm y tế huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) xác nhận bệnh nhân Điểu KRốt (48 tuổi, ngụ thôn 1, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng), một trong số sáu trường hợp bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm ngừa đã tử vong vào sáng 17/6.

Cụ thể, ngày 13/6, anh Điểu KRốt phát bệnh nặng với các triệu chứng mệt mỏi, nóng trong người, đau mỏi khắp cả người, ăn uống kém, khó nuốt, sợ gió, sợ lạnh, sợ nước.

Đến ngày 14/6, anh Điểu KRốt được đưa đến bệnh viện điều trị và được bác sĩ chẩn đoán nghi ngờ bệnh dại lên cơn. Tuy nhiên, do bệnh quá nặng, anh Điểu KRốt được gia đình xin xuất viện về nhà. Ngày 17/6, bệnh nhân đã tử vong.

Trong quá trình phát bệnh, có 11 người trong gia đình chăm sóc bệnh nhân, thường xuyên tiếp xúc với dịch tiết, chất thải sinh hoạt và đồ dùng cá nhân của bệnh nhân. Một số người còn bị bệnh nhân cào xước da.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước đó, vào tháng 2/2024, anh Điểu KRốt cùng 5 người khác bị một con chó của người dân trong xã cắn. Mặc dù biết tin chó cắn người đã chết, nhưng cả 6 người bị cắn đều không điều trị cũng như không đi tiêm ngừa huyết thanh và vaccine phòng dại.

Sau khi nghe tin anh Điểu KRốt tử vong, đến chiều 17/6, nhóm 5 người cùng bị chó dại cắn mới đi tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại.

Hiện Trung tâm y tế Bù Đăng đang tiếp tục điều tra dịch tễ, theo dõi trực tiếp năm người bị chó cắn, đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống bệnh dại; tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống. Đồng thời yêu cầu người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, xử lý bệnh dại đảm bảo hiệu quả và an toàn

Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, không có thuốc điều trị đặc hiệu và có nguy cơ tử vong rất cao. 100% trường hợp đã bị lên cơn dại sẽ dẫn đến tử vong, không có thuốc nào có thể cứu chữa được. Bởi vậy, cần sử dụng vaccine phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị cắn để tạo miễn dịch chủ động, giúp cơ thể ngăn chặn virus dại tấn công hệ thần kinh trung ương.

Ngoài ra, để phòng chống bệnh dại, khi nhà có trẻ em nên hạn chế nuôi chó. Khi chọn chó nuôi trong gia đình, hãy chọn loài lành tính, không phải loài chó săn. Tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo định kỳ, đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ thú y. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo nhất là vào mùa nắng nóng; cần huấn luyện thường xuyên để chó bớt hung hăng.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP