Phòng khám và bác sĩ đều có sai phạm
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP HCM công bố các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với tổ chức, cá nhân. Trong đó, Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Tân Bình (Phòng khám Đa khoa Tân Bình, 495 Cộng hòa, phường 15, quận Tân Bình) bị phạt 191 triệu đồng. Những hành vi vi phạm được xác định là không lưu trữ hồ sơ, bệnh án; lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ; quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh thiếu nội dung ghi trong giấy phép; cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; người hành nghề không đăng ký hành nghề; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề.
Ngoài phạt tiền, Phòng khám Đa khoa Tân Bình bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh 4 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn cơ sở 3 tháng; buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm.
Phòng khám Đa khoa Tân Bình, địa chỉ 495 Cộng hòa, phường 15, quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: Hữu Thông. |
Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế cũng xử phạt các bác sĩ tại Phòng khám Đa khoa Tân Bình, gồm: Phạm Ánh Thủy, Nguyễn Trần Thế Anh, Hoàng Văn Vững, Lý Hữu Lộc, Trần Sở Quân, Vũ Thị Loan. Những bác sĩ trên đều bị phạt 2 triệu đồng, tước chứng chỉ hành nghề 2 tháng vì cùng hành vi không lập hồ sơ, bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật.
Trước đó, đầu tháng 6/2024, nhận thông tin phản ánh từ người dân, Thanh tra Sở Y tế TP HCM kiểm tra đột xuất Phòng khám Đa khoa Tân Bình, phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường.
Kiểm tra tại phòng khám ngoại 1 và phòng khám sản, lực lượng chức năng phát hiện 3 bảng dữ liệu bệnh nhân, 3 hồ sơ bệnh án ngoại trú, 9 phiếu điều trị, 9 đơn thuốc và các phiếu dịch truyền của 9 người bệnh trong ngày. Tất cả phiếu đều không có thông tin về bác sĩ khám bệnh và cho y lệnh, thay vào đó chỉ ghi “NK1”.
Khi được hỏi, những bác sĩ có mặt tại phòng khám đều không thừa nhận việc thực hiện khám, chữa bệnh và ghi chép tài liệu nêu trên. Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra, nhiều người rời khỏi phòng khám.
Trước những dấu hiệu trên, Sở Y tế TP HCM đã phối hợp Công an thành phố, Phòng Y tế quận Tân Bình tiếp tục làm việc tại phòng khám để làm rõ việc các cá nhân tham gia hoạt động khám, chữa bệnh và ghi phiếu điều trị.
Tại buổi làm việc, các cá nhân (gồm 13 bác sĩ, kỹ thuật viên có đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh tại phòng khám) có mặt tại phòng khám đều khẳng định không tham gia khám, chữa bệnh cho bệnh nhân vào thời điểm kiểm tra. Đồng thời, không cung cấp thêm thông tin nhóm người tự ý rời khỏi phòng khám khi đoàn đang kiểm tra thực tế.
Nhận thấy việc giải trình chưa rõ ràng cùng những biểu hiện bất thường trong hoạt động tại phòng khám, để bảo đảm an toàn người bệnh và hạn chế hậu quả xấu có thể xảy, Đoàn kiểm tra yêu cầu Phòng khám Đa khoa Tân Bình phải tạm dừng hoạt động khám, chữa bệnh cho đến khi có kết luận.
Thông tin xử phạt các bác sĩ tại Phòng khám Đa khoa Tân Bình của Thanh tra Sở Y tế TP HCM. Ảnh chụp màn hình. |
Nhiều lần bị xử phạt
Theo Sở Y tế TP HCM, Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Tân Bình từng bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ đầu năm 2023 đến nay do vi phạm các quy định trong hành nghề khám chữa bệnh.
Theo thông tin trên trang Tra cứu mã số thuế, Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Tân Bình thành lập ngày 5/10/2018, mã số thuế 0315313535 (do Chi cục thuế quận Tân Bình quản lý); người đại diện pháp luật là ông Trương Quế Thanh (SN 1983, ngụ TP HCM).
Theo cổng tra cứu thông tin (Sở Y tế TP HCM), Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Tân Bình được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động số 07329/HCM-GPHĐ, ngày 18/11/2022. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là bà Phạm Ánh Thuỷ (SN 1960). Chứng chỉ hành nghề số 0033350/HCM-CCHN). Phạm vi hoạt động: Khám, chữa bệnh chuyên khoa Nội tổng hợp.
Trên mạng xã hội, Phòng khám Đa khoa Tân Bình được quảng cáo với những lời giới thiệu như: “Chuyên điều trị các bệnh nam giới...”.
Liên quan việc Phòng khám Đa khoa Tân Bình nhiều lần bị xử phạt, dư luận đặt câu hỏi, liệu chỉ xử phạt hành chính, có đủ sức răn đe?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Lập (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết, theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định; một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần; nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó; một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng”.
Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định tại điểm đ khoản 1, Điều 24, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020: Phạt tiền đến 100 triệu đồng trong các lĩnh vực đê điều; khám, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế…
Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh hành nghề không phép, hay thông tin quảng cáo đáng nghi về dịch vụ về y tế trên mạng xã hội, hoặc phát hiện người hành nghề không đăng ký hành nghề tại cơ sở…, hãy gọi đến đường dây nóng của Sở Y tế qua số 0989 401 155, hoặc phản ánh thông tin qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” trên điện thoại thông minh để Thanh tra Sở Y tế kịp thời làm rõ và xử lý theo quy định.