Dữ liệu y khoa

51% người 60 tuổi trở lên mắc cao huyết áp

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Tăng huyết áp là vấn đề sức khỏe thường gặp nhất trong cộng đồng. Cứ 4 người lớn thì có 1 người tăng huyết áp và thường không được phát hiện. Một nửa số người tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh. Số khác biết bệnh nhưng không điều trị hoặc điều trị không đúng cách.
Bệnh tắc nghẽn động mạch.

Bệnh tắc nghẽn động mạch.

Càng cao tuổi càng dễ tăng huyết áp

PGS. TS Nguyễn Quang Tuấn, GĐ BV Tim Hà Nội cho biết, tuổi càng cao càng dễ bị tăng huyết áp. 51% người ở độ 60-74 tuổi bị cao huyết áp; trung bình cứ tăng 10 tuổi thì tỷ lệ tăng huyết áp 5%.  Tác hại của tăng huyết áp thường gây nên các bệnh về não, thận, mắt, mạch máu, đặc biệt là tim. Việc phát hiện muộn cũng như kiểm soát tăng huyết áp kém hiệu quả sẽ làm gia tăng các biến chứng do tăng huyết áp và tăng tỷ lệ tử vong do tim mạch. 

Cảnh báo các bệnh tim mạch dễ mắc

Theo các chuyên gia, nhiều bệnh nhân tăng huyết áp tới khám đã được cảnh báo hoặc phát hiện các bệnh như thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, phình tách động mạch chủ.

Thiếu máu cơ tim là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch vành, động mạch bao quanh tim, có nhiệm vụ cung cấp máu, oxy đến nuôi dưỡng tim. Khi thiếu máu cơ tim xảy ra sẽ gây nên những cơn đau thắt ngực. Thiếu máu cơ tim liên quan chặt chẽ đến bệnh động mạch vành (xơ vữa động mạch). Chính vì sự tích tụ các chất béo, cholesterol dư thừa đã tạo ra các mảng xơ vữa làm chít hẹp mạch vành, làm cản trở sự lưu thông của máu đến tim. Người tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn nhịp tim...đều có nguy cơ thiếu máu cơ tim.

Đối với rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp được xem là nguyên nhân gây nên rối loạn nhịp tim bao gồm cả rối loạn nhịp thất và nhịp nhĩ. Tăng huyết áp lâu ngày làm tim phải tăng co bóp để thắng áp lực trong lòng động mạch chủ, quá trình này diễn ra kéo dài gây phì đại cơ tim, chủ yếu là phì đại thất trái. Phì đại cơ tim không chỉ được đặc trưng bởi sự gia tăng khối lượng của cơ tim mà còn bởi sự tăng sinh của mô xơ và giảm kết nối giữa các tế bào, dẫn đến tính không đồng nhất của các quá trình phát xung điện điều chỉnh nhịp tim, cuối cùng làm xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp.

Ngoài 2 bệnh về tim điển hình trên, tăng huyết áp còn là nguyên nhân đưa đến bệnh phình tách động mạch chủ gây tử vong nhanh chóng. GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, nếu như trước đây vài năm chỉ có 1-2 ca phình tách động mạch chủ thì nay bệnh này khá phát triển. Động mạch chủ là động mạch lớn đi ra từ tim, cung cấp máu đến các bộ phận của cơ thể bao gồm sọ não, các tạng trong ổ bụng, chân, tay.  Phình tách thành động mạch chủ là hiện tượng rách lớp áo trong của thành động mạch làm cho dòng máu đi vào thành động mạch tạo ra hiện tượng lòng giả. Dòng máu đi vào lòng giả có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng như vỡ thành động mạch chủ, thiếu máu tạng, tử vong. Hiện nay phương tiện chẩn đoán  khá nên có thể tầm soát được bệnh, tránh đột tử cho người bệnh.

Theo các chuyên gia, tăng huyết áp là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được nếu biết tiết chế ăn uống, sống điều độ. Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt là 75,6 tuổi. Tuổi thọ nâng lên, các bệnh liên quan thoái hóa cơ thể tăng. Cách tốt nhất để sống thọ, sống khỏe là giảm ăn mỡ, tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Cố gắng tập 150 phút/tuần.

Ăn nhiều rau mỗi ngày bằng cách không luộc kỹ, giảm chiên xào để rau xanh lưu giữ được vitamin tối đa. Nam giới nên cai thuốc lá, giảm cafein, không uống quá nhiều rượu bia, sống thoải mái, không căng thẳng. Hằng ngày có thể dùng thêm củ cải đường, nước củ cải đường để giảm huyết áp.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP