Y học và đời sống

5 thói quen hằng ngày dễ làm đường huyết tăng vọt

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Không ít người lầm tưởng đường huyết tăng cao là do chế độ ăn uống nhiều đồ ngọt nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều tác nhân gây ra tình trạng này.

Đường huyết là một trong những chỉ tiêu phản ánh tình trạng cơ thể. Đường huyết quá cao có thể gây giảm thị lực, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, tăng đường huyết… Ngược lại, đường huyết quá thấp sẽ gây chóng mặt, tức ngực, hồi hộp và yếu chân tay. Vì vậy, cố gắng giữ đường huyết ổn định chính là cách để chúng ta phòng tránh những rủi ro cho sức khỏe.

Tuy nhiên không ít người đang có những hành vi, thói quen gây nguy hiểm cho đường huyết mà chẳng hay.

Thói quen làm hằng ngày khiến đường huyết tăng vọt nhưng ít ai biết. Ảnh minh họa

Thói quen làm hằng ngày khiến đường huyết tăng vọt nhưng ít ai biết. Ảnh minh họa

Dưới đây là một số thói quen khiến đường huyết tăng vọt nhưng ít ai biết:

Bỏ bữa sáng

Bữa sáng được nhiều chuyên gia sức khoẻ đánh giá là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, nhất là với các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy nếu các bệnh nhân mắc tiểu đường bỏ bữa sáng, lượng đường trong máu cả ngày của họ sẽ cao hơn bình thường. Điều này là do việc bỏ bữa sáng có thể ức chế chức năng tế bào của tuyến tụy, nơi sản xuất insulin điều hòa đường huyết.

Các nhà nghiên cứu cho biết bỏ bữa sáng, thậm chí chỉ thỉnh thoảng bỏ bữa cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Điều này là do mối quan hệ giữa bệnh tiểu đường, insulin và lượng đường trong máu.

Lười vận động

Tập thể dục là việc cần thiết để kiểm soát bệnh tiểu đường, duy trì cân nặng khoẻ mạnh còn giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Hoạt động thể chất làm tăng độ nhạy insulin trong cơ thể, giúp loại bỏ glucose khỏi máu và sử dụng nó làm năng lượng. Theo một đánh giá, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể giảm sự phụ thuộc vào thuốc hạ đường huyết bằng cách tập thể dục thường xuyên.

Ngược lại, lười vận động lại khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy chỉ cần giảm vận động trong 3 ngày sẽ làm tăng đường huyết ở người khoẻ mạnh. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quá trình tập luyện, bạn có thể kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau khi tập thể dục, tránh việc để lượng đường trong máu xuống mức quá thấp.

Thức khuya hoặc thiếu ngủ

Thức khuya hoặc thiếu ngủ làm tăng tiết hormone đói (ghrelin) và giảm tiết hormone no (leptin) tăng cảm giác thèm ăn. Thói quen ăn vặt hay ăn khuya dễ làm tăng đường huyết.

Thiếu ngủ còn tác động đến hormone insulin, cortisol và quá trình stress oxy hóa làm ảnh hưởng đến đường huyết ở người tiểu đường, nguy cơ đề kháng insulin ở người bình thường.

Uống ít nước

Cơ thể thiếu nước làm tăng tiết hormone căng thẳng (stress hóa) kháng insulin gây đường huyết cao. Uống nước quá ít gây thiếu nước, không tốt cho thận cũng như có thể làm đường huyết tăng lên. Do đó, uống đủ nước mỗi ngày có vai trò quan trọng trong điều trị tiểu đường, giúp người bệnh có sức khỏe tốt phòng mắc các bệnh mạn tính.

Thường xuyên để đầu óc căng thẳng

Thường xuyên căng thẳng làm nguy cơ tăng đường huyết của bệnh nhân vì khi cơ thể căng thẳng những hormon như adrenalin hay cortisol được giải phóng vào máu khiến nhịp thở của bệnh nhân tăng cao. Do vậy, máu đến nhiều hơn ở ngoại biên và cơ thể không thực hiện chuyển hóa được glucose nên đường huyết sẽ tăng cao trong những trường hợp này.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP