Dinh dưỡng

5 món ăn giúp người bệnh tiêu chảy nhanh khỏi, mau lại sức

  • Tác giả : Thu Giang (T/H)
Khi bị tiêu chảy, ăn phải các thực phẩm khó tiêu sẽ làm cho hệ tiêu hóa khó hấp thụ chất dinh dưỡng, càng làm tình trạng này thêm trầm trọng. Một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sau khi mắc tiêu chảy.

Người bị tiêu chảy nên ăn gì?

Bệnh nhân bị tiêu chảy cần nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng dịch mất qua phân và nôn. Người bệnh cần uống nhiều nước như: nước canh, nước cháo, nước trái cây (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín…

Có thể sử dụng nước gạo rang, nước cơm, nước cháo muối, cháo đường, súp cà rốt… rất tốt để bù nước và chất điện giải.

Để bổ sung dinh dưỡng, bệnh nhân cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, chế biến dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu như các loại cháo: cháo thịt gà, thịt lợn nạc nấu với cà rốt, khoai tây, bí đỏ… giúp người bệnh dễ tiêu hóa, dễ hấp thu và không gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa.

Dưới đây là một số món ăn giàu dinh dưỡng, dễ hấp thu, bù nước cho cơ thể và cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp người bệnh tiêu chảy nhanh hồi phục.

Cháo thịt nấu cà rốt

Nguyên liệu: Thịt gà hoặc thịt lợn nạc 50g, gạo tẻ 100g, cà rốt ½ củ, gia vị vừa đủ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cách chế biến: Gạo vo sạch cho vào nồi, đổ nước vào nấu đến khi hạt gạo nở bung. Cà rốt gọt sạch vỏ, thái nhỏ hạt lựu, cho vào nồi hầm cùng cháo. Thịt gà hoặc lợn băm nhỏ, ướp gia vị 15 phút. Cho thịt vào nồi cháo đun sôi lại khoảng 5 phút, nêm gia vị là dùng được.

Súp cà rốt

Nguyên liệu: Cà rốt 300g, đường 30g, muối 5g.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cách chế biến: Cà rốt rửa sạch, thái nhỏ, nấu chín rồi cho vào máy xay nhuyễn. Cho cà rốt đã xay vào nồi, thêm nước vừa đủ, thêm đường và muối, đun sôi lại, để nguội uống dần.

Cháo cà rốt, khoai tây

Nguyên liệu: Gạo tẻ: 100g, khoai tây 50g, cà rốt 50g, thịt lợn nạc 50g, gia vị vừa đủ.

Cách chế biến: Gạo vo sạch cho vào nồi, đổ nước vào nấu đến khi hạt gạo nở bung. Cà rốt và khoai tây thái nhỏ cho vào nồi hầm cùng cháo. Thịt lợn băm nhỏ, ướp gia vị 15 phút. Khi cháo chín nhừ thì cho thịt vào, đun sôi lại khoảng 5 phút là dùng được.

Cháo đường

Nguyên liệu: Gạo tẻ 50g, đường 30g.

Cách chế biến: Gạo vo sạch, cho vào nồi, thêm nước, đun sôi khoảng 30 phút đến khi hạt gạo nở ra, thêm đường, quấy kỹ, để nguội uống.

Nước gạo rang

Nguyên liệu: Gạo tẻ 50g, nước 1 lít.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cách chế biến: Cho gạo vào chảo rang cùng ít muối. Khi gạo chuyển sang màu vàng và có mùi thơm thì cho vào nồi, đổ nước, đun sôi kỹ rồi lọc lấy nước uống dần.

Chế độ dinh dưỡng cho người tiêu chảy cũng rất quan trọng

Nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bị tiêu chảy phải bảo đảm:

Thực phẩm bù nước và điện giải cho cơ thể: Để bù nước và chất điện giải, người bệnh tiêu chảy nên bổ sung nước khoáng, nước gạo rang, nước cơm và nước rau quả.

Chế độ ăn nâng dần khối lượng thực phẩm: Chuyển thức ăn lỏng dần sang thức ăn đặc. Cụ thể, thời gian đầu có thể chọn cháo lỏng, súp. Sau đó chuyển sang ngũ cốc, bột khoai, khoai lang nghiền, thịt nạc băm...

Tránh các loại thức ăn dễ lên men, sinh hơi trong ruột và khó hấp thu như trứng, sữa, phô mai, thịt mỡ hoặc rau có nhiều xơ.

Giờ ăn cũng rất quan trọng trong chế độ ăn uống. Tùy thuộc theo tình trạng bệnh mà bác sĩ và người nhà bệnh nhân để sắp xếp giờ ăn hợp lí, bổ sung đủ chất cho bệnh nhân. Hạn chế việc bệnh nhân bỏ bữa vì sẽ khiến tình hình bệnh càng trầm trọng.

Thu Giang (T/H)

BẢN DESKTOP