5 dấu hiệu khác lạ ở chân cảnh báo mỡ máu đang tăng cao. Ảnh minh họa |
Tê hoặc đau chân bất thường
Khi bị mỡ máu, tuần hoàn máu cũng sẽ trở nên khó khăn, trong khi chân lại nằm ở xa tim - cơ quan bơm máu. Tuần hoàn máu kém cộng thêm lớp mỡ máu tích tụ dưới da có thể gây rối loạn hoạt động của mô cơ, dây thần kinh, sinh ra cảm giác khó chịu như ngứa, châm chích như kiến cắn, tê chân.
Đặc biệt nếu mỡ máu tăng quá mức có thể gây ra các mảng xơ vữa động mạch, làm thu hẹp các động mạch ở mô cơ chân, thậm chí là thiếu máu cục bộ ở cơ chân. Điều này cùng với tình trạng tích tụ chất thải và mức độ nghiêm trọng mãn tính, có thể gây đau đớn, khiến bệnh nhân đi lại khó khăn.
Chân lạnh khó hiểu, chuột rút về đêm
Nếu quá trình lưu thông máu diễn ra bình thường, bàn chân sẽ luôn ấm áp. Tuy nhiên, khi lượng mỡ trong máu tăng cao sẽ làm cho máu đặc và chảy chậm lại, từ đó dẫn tới lượng máu lưu thông đến bàn chân - khu vực xa tim nhất - cũng chậm lại. Điều này khiến bàn chân luôn trong trạng thái lạnh, ngay cả giữa mùa hè.
Phần lạnh nhất ở chân thường là bàn chân và bắp chân và tình trạng này càng nghiêm trọng hơn vào ban đêm. Bên cạnh lạnh chân, người có mỡ máu cao cũng bị căng cơ, hay thường gọi là chuột rút vào ban đêm. Bởi khi chất thải tích tụ, tuần hoàn máu kém, thậm chí có cục máu đông ở chân sẽ gây co thắt cơ bất thường, dẫn đến chuột rút vào ban đêm khi nhiệt độ thấp và máu trở nên nhớt hơn.
Móng chân tím tái không rõ lý do
Thông thường, móng chân của chúng ta thường có màu hồng nhạt, đây là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của chúng ta bình thường. Nhưng sau khi mỡ máu tăng lên, móng chân có xu hướng chuyển sang màu tím.
Điều này là do bàn chân nằm cách xa tim nhất, do đó nếu lượng mỡ trong máu tăng cao, tốc độ lưu thông máu sẽ chậm lại, lượng máu cung cấp cho bàn chân sẽ giảm xuống. Lúc này, chân sẽ thiếu máu nuôi dưỡng, cộng thêm chứng co rút cơ và lạnh chân khiến móng chân trở nên tím tái.
Vết thương ở chân lâu lành
Máu vận chuyển các tế bào máu, nhất là bạch cầu, và các chất dinh dưỡng cần thiết tới vết thương để tiêu diệt vi khuẩn và làm lành vết thương. Vì vậy giảm dòng máu đến sẽ ảnh hưởng (làm chậm) quá trình làm lành vết thương.
Trong khi, mỡ máu tăng cao ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông máu của chân, thậm chí là tắc nghẽn, hẹp động mạch, gây ra thiếu máu cục bộ. Lúc này, nếu có vết thương ở chân, các yếu tố đông máu để cầm máu vết thương, giúp vết thương đóng vảy nhanh lành cũng sẽ bị thiếu hụt, từ đó vết thương sẽ lâu lành hơn.
Màu da ở chân thay đổi
Khi lượng mỡ trong máu tăng cao, lipid sẽ lắng đọng trên lớp nội mạc của động mạch, dẫn đến tăng sản mô liên kết. Trong quá trình này, lượng mỡ không chỉ gây tổn thương tế bào nội mô mà còn cản trở quá trình đào thải mỡ.
Lượng mỡ máu trong cơ thể tăng cao làm tăng nguy cơ gây tổn thương mạch máu, khiến máu lưu thông kém. Màu da chân thay đổi rõ nhất khi người bệnh mỡ máu cao nhấc chân lên phần da chân sẽ trắng bệch, còn khi hạ chân xuống, phần da chân có thể chuyển sang màu ửng đỏ.
Nếu động mạch chi dưới bị tắc nghẽn sẽ xảy ra tình trạng thiếu máu cục bộ trầm trọng, dẫn đến chân tím tái, có màu tím hoặc đỏ tía. Lúc này, hãy nhanh chóng tới bệnh viện để không bỏ lỡ “cơ hội vàng” trong điều trị.