Dữ liệu y khoa

40.000 người Việt tự tử do trầm cảm: Làm gì để ngăn ngừa?

  • Tác giả : Thúy Nga
Nhiều chuyên gia nêu ra giải pháp sau khi con số 40.000 người Việt tự tử do trầm cảm mỗi năm được nêu tại hội thảo “Các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc” do Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức, ngày 26/4.

Phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm gấp đôi nam giới

Sáng 28/4, tại cổng bệnh viện Tâm thần Hà Nội, 4 người trong một gia đình ở Bắc Giang đang vừa dỗ dành, vừa lôi kéo người đàn ông hơn 40 tuổi vào viện khám. Chị vợ cho biết, anh chồng bị trầm cảm tái phát lần thứ 3. Mấy tuần nay bỏ bê công việc ở nhà không đi làm vì sợ có người theo dõi.

Biểu hiện thường gặp ở người trầm cảm

Cảm giác buồn chán, trống rỗng; Khó tập trung suy nghĩ, hay quên; Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì;

Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng;

Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều;

Hay cáu gắt, giận dữ;

Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày;

Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều;

Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…

Tối hôm trước, anh chồng đang chuẩn bị nhảy lầu tự tử thì may mắn gia đình phát hiện kịp thời. Sau đó, gia đình phải nói dối là đi chơi mới đưa được bệnh nhân tới viện, nhưng bệnh nhân nhất định không vào và cho rằng mình không hề bị bệnh.

Trường hợp như bệnh nhân trên không phải là hiếm. Nhiều sinh viên đại học năm thứ 2, thứ 3 cũng nhất quyết quay đầu về nhà không chịu vào khám.

BS Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, đây là tình trạng chung của các bệnh nhân. Rất ít bệnh nhân biết mình bị bệnh, chịu hợp tác với gia đình và bác sĩ.

Hiện bệnh viện đang quản lý hơn 5.000 bệnh nhân ngoại trú và 450 giường nội trú. Số lượng bệnh nhân nằm viện luôn quá tải. Các bệnh nhân đều bị bệnh và tâm lý, trong đó trầm cảm chiếm đa số.

TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng M3, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết, trong số 400-500 bệnh nhân đến khám mỗi ngày, phần lớn là người bị trầm cảm. Nhiều người mắc bệnh nặng đang phải điều trị tại bệnh viện từng có ý định tự tử.

Cũng theo TS.BS Tâm, thời điểm ông mới vào nghề 20 năm trước, mỗi ngày viện chỉ có vài ca bệnh trầm cảm. Hiện tại, số ca đã tăng lên vài trăm một ngày. Không ít người tự tử vài ba lần mới được nhập viện điều trị.

“Điều đáng lo là nhiều gia đình không chấp nhận có người thân bị bệnh. Nhiều học sinh khi khám bệnh có biểu hiện trầm cảm nhưng phụ huynh không cho con điều trị, vẫn ép trẻ về nhà ôn thi”, TS.BS Tâm nói.

40.000 người Việt tự tử do trầm cảm: Làm gì để ngăn ngừa? ảnh 1

40.000 người Việt tự tử do trầm cảm: Làm gì để ngăn ngừa?

Chuyên gia này cho hay, dấu hiệu của trầm cảm như “tảng băng trôi”, các biểu hiện dễ nhầm với một số tình trạng ngày thường có thể gặp. Bệnh nhân và người thân nghĩ chỉ là do yếu, mệt, buồn chán bình thường... Từ đó, người có bệnh không được thăm khám, chữa trị kịp thời, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Trầm cảm có thể xảy ra với nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là từ 18 đến 45 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm gấp đôi nam giới. Bệnh thường gặp ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp, nhân cách yếu... Nguy cơ mắc trầm cảm cũng tăng với những người có bệnh lý thần kinh, tim mạch, Parkinson...

Tại Lễ khánh thành khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi TƯ ngày 28/4, ThS. BSCKII Thành Ngọc Minh, Trưởng Khoa Tâm thần bệnh viện Nhi TƯ cho biết, mỗi năm khoa Tâm thần tiếp nhận và điều trị ngoại trú khoảng 30.000 lượt bệnh nhân mắc các bệnh về tâm lý, trong đó trầm cảm chiếm đa số.

TS.BS Đỗ Minh Loan, Phụ trách khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương có tiến hành một cuộc khảo sát với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên cho thấy, tỷ lệ trầm cảm với các mức độ khác nhau ở Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; Tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; Tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%.

Theo TS.BS Loan, ở các khu đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn tâm thần có vẻ có xu hướng cao hơn ở tỉnh, thành khác. Trẻ nữ tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Trẻ trong gia đình có mâu thuẫn, tỷ lệ rối loạn cao hơn so với các em trong gia đình có sự hòa hợp….

1 trường hợp tự sát ảnh hưởng ít nhất 6 người

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, dẫn nguồn từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tự sát là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở lứa tuổi 10-19 tuổi ở Mỹ. Ở Việt Nam, tự sát là 1/10 nguyên nhân tử vong ở mọi lứa tuổi.

Nghiên cứu của Tổ chức Blum (năm 2012) tại Hà Nội, tỷ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát lứa tuổi 15-24 là 2,3%. Trong đó, nhóm tuổi 15-19 tuổi ghi nhận tỷ lệ có yếu tố tiền sử và toan tự sát cao hơn nhóm 20-24 tuổi.

Vấn đề này cũng thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia dự Hội thảo “Các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc” ngày 26/4 vừa qua, khi bà Nguyễn Thu Hà - Trưởng khoa tâm sinh lý lao động và ecgônômi, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), nói: Khoảng 40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm do trầm cảm. Con số này gấp 4 lần số tử vong do tai nạn giao thông. Stress nghề nghiệp gây tăng thêm tình trạng các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp…

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin, trên 98% người muốn tự sát bị rối loạn tâm thần. Một trường hợp tự sát ảnh hưởng ít nhất đến 6 người khác. Đó là ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý của những người thân trong gia đình.

Vì vậy, trầm cảm cần được phát hiện sớm, bệnh nhân cần được giúp vượt qua và ngăn chặn nó, tránh để nó tái phát và gây các bệnh nguy hiểm.

Theo TS.BS Dương Minh Tâm, người bị trầm cảm có thể khỏi bệnh và tái hòa nhập xã hội nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời với sự hợp tác tốt của bệnh nhân và gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, 80% bệnh nhân trầm cảm phát hiện bệnh chậm.

Hơn nữa, điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng không mong muốn. Vì thế, không ít bệnh nhân không tuân thủ, bỏ điều trị. Điều này dẫn đến hơn 50% bệnh nhân có nguy cơ tái diễn cơn sau cơn thứ nhất. Tỷ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ hai và sau cơn tái diễn thứ ba là 90%.

Để phòng nguy cơ trầm cảm đối với người lao động, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn để cải thiện môi trường làm việc, tăng lương thưởng, tổ chức hoạt động ngoại khóa, sân chơi, hoạt động nghệ thuật, thể thao...

Người có bệnh cũng cần tìm cách tự bước qua những nỗi lo sợ hiện hữu trong tâm trí, có lối sống tích cực như ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng mỗi ngày. Bệnh nhân thường xuyên luyện tập thể dục thể thao ngoài trời 30 phút đến một tiếng mỗi ngày để cơ thể tăng cường trao đổi chất và kích thích não thoát khỏi cảm xúc u buồn.

Trò chuyện với bạn bè, người thân, đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động xã hội giúp người mắc bệnh giảm bớt cảm xúc tiêu cực, nâng cao sức khỏe tinh thần…

Để làm được những điều đó, người bị trầm cảm cần sự cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành không chỉ từ phía gia đình, y bác sĩ mà cả cộng đồng.

Thúy Nga

Thúy Nga

BẢN DESKTOP