Tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, gây tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Đây là nguyên nhân cản trở cơ thể chuyển hóa các chất bột đường thành năng lượng, gây ra hiện tượng đường tích tụ tăng dần trong máu.
Bệnh nhân tiểu đường ngày càng có sự trẻ hóa, già trẻ, nam nữ đều có thể mắc phải. Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, do vậy, việc phát hiện sớm là rất cần thiết.
Theo Tiến sĩ George Sandhu, mặc dù nhiều người vẫn có thể "chung sống" bình thường với bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn.
Mờ mắt có thể là dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu cao. Ảnh: Getty. |
"Lượng đường cao trong máu thời gian dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạch máu. Nếu các mạch máu không hoạt động bình thường, máu sẽ không thể đến các bộ phận trong cơ thể. Điều này khiến các dây thần kinh cũng sẽ không hoạt động bình thường, dẫn đến mất cảm giác ở các bộ phận, chẳng hạn như bàn chân. Một số người có thể bị ảnh hưởng đến thị lực", Tiến sĩ Sandhu cho biết.
Theo Tiến sĩ Sandhu, có 4 triệu chứng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường loại 2 không nên bỏ qua, bao gồm:
- Đi tiểu nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
- Rất khát nước
- Mệt mỏi hơn bình thường
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
Một số triệu chứng khác cảnh báo lượng đường trong máu cao như ngứa hoặc tưa miệng, vết thương lâu lành và mờ mắt.
Tiến sĩ Sandhu khuyên người mắc tiểu đường loại 2 nên lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn, duy trì tập thể dục và bỏ thuốc lá để đảm bảo sức khỏe.