Chữa bệnh không dùng thuốc

4% người cao tuổi trầm cảm: Cách gì để thoát?

  • Tác giả : Thúy Nga
Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở người cao tuổi. Trầm cảm ở người cao tuổi là căn bệnh cần được sự hỗ trợ từ phía gia đình, người thân và cộng đồng. Làm gì để thoát khỏi căn bệnh này?

Đa phần được phát hiện muộn

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Loan, Phòng Sức khỏe tâm thần người già và y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở người cao tuổi. Tỉ lệ trầm cảm ở người cao tuổi chiếm khoảng 1-4% ở cộng đồng. Trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới.

Trầm cảm ở người cao tuổi gồm :

Đợt trầm cảm tái diễn của bệnh lý cảm xúc khởi phát từ trước (trầm cảm khởi phát sớm).

Trầm cảm khởi phát sau tuổi 65 (trầm cảm khởi phát muộn)

Trong số người bệnh cao tuổi gặp trầm cảm, gần một nửa là trầm cảm khởi phát muộn. Điều đáng nói là: Tỷ lệ người cao tuổi mắc trầm cảm khá cao nhưng thường ít được quan tâm, chú ý. Nguyên nhân của việc này, một phần xuất phát từ việc nhiều triệu của trầm cảm người già khá giống với những bệnh lý tuổi già.

Theo các nghiên cứu dịch tễ trên thế giới, tỉ lệ trầm cảm ở người cao tuổi chiếm khoảng 1-4% ở cộng đồng. Tỉ lệ trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới.

Yếu tố nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi được chia thành các yếu tố về mặt sinh học (giới tính, tiền sử trầm cảm trước đây, bệnh lý cơ thể, đau mạn tính, rối loạn giấc ngủ) và yếu tố về mặt tâm lý- xã hội (biến cố trong gia đình như mất người thân, ly hôn, cô đơn hoặc hoàn cảnh xã hội như thiếu sự trợ giúp của xã hội, thiếu kết nối xã hội, thu nhập thấp).

Các triệu chứng chính của trầm cảm bao gồm buồn chán, chán nản, giảm quan tâm thích thú với các sự kiện và sở thích trước đây, giảm năng lượng, hay mệt mỏi.

Ngoài ra có một số triệu chứng khác thường gặp ở người bệnh trầm cảm bao gồm tự ti, thay đổi khẩu vị (thường là ăn không ngon miệng), rối loạn giấc ngủ (thường là tỉnh giấc sớm, hay tỉnh giấc buổi đêm), suy giảm tập trung, trí nhớ, hoạt động chậm chạp, cảm thấy mình có tội lỗi một cách vô lý, nặng nề nhất có thể có những ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Đặc biệt, trầm cảm ở người cao tuổi còn có những đặc điểm riêng biệt như sau:

- Người cao tuổi ít phàn nàn về các triệu chứng như buồn chán và giảm quan tâm thích thú, người cao tuổi thường phàn nàn về mệt mỏi, giảm năng lượng, các triệu chứng cơ thể như mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, rối loạn dạ dày đại tràng …

- Các triệu chứng về suy giảm nhận thức rõ rệt hơn: Suy giảm trí nhớ, khó tập trung , lơ đãng

- Các triệu chứng về loạn thần: Thường là hoang tưởng bị tội, luôn nói mình có tội lỗi, mình là gánh nặng cho gia đình.

- Trong những trường hợp nặng có thể có ý tưởng hoặc hành vi tự sát,

Bên cạnh đó, còn có các triệu chứng khác như: thu rút khỏi xã hội, kém tuân thủ điều trị, kém chăm sóc bản thân, lạm dụng rượu và các thuốc an dịu, gây ngủ.

Tiêu chuẩn để đánh giá bệnh trầm cảm của người cao tuổi là người bệnh có những biểu hiện được liệt kê phía trên và diễn biến trên 2 tuần, kéo dài trong cả ngày, đồng thời gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hoạt động của người bệnh…

Trò chuyện, tâm sự là cách giúp người già giảm bớt trầm cảm -Ảnh minh họa

Trò chuyện, tâm sự là cách giúp người già giảm bớt trầm cảm -Ảnh minh họa

Cách giúp người già thoát khỏi trầm cảm?

Hiện nay, trên các rạp đang chiếu bộ phim “Gia tài của ngoại”. Mui - cô cháu gái được ông ngoại cưng hết mực và khi mất, ông ngoại đã di chúc cho cô cháu ngoại thừa kế gần như toàn bộ gia sản kếch xù của ông. M là cháu trai nội thì chỉ được chia thừa kế cho một chiếc vòng bằng bạc.

M hỏi Mui: Cái người già cần là gì? Mui đáp: Cái người già cần, chính là thời gian dành cho họ. Vâng, trong những tháng ngày ông ốm, Mui luôn yêu thương, tận tâm bên cạnh để chăm sóc và trò chuyện với ông ngoại liệt giường. Cô cháu ngoại hiểu ông đến mức, chỉ là ký tự mà ông âm ư trong cổ họng, cô cháu gái đều hiểu ông muốn diễn tả điều gì?

Thông điệp của bộ phim chính là những điều giản dị nhưng nhiều khi thế hệ con cháu lãng quên hoặc do vô tâm mà không để ý.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Loan, để giúp cho ông bà, cha mẹ già giảm thiểu bệnh trầm cảm người cao tuổi thì con cháu và người thân nên sắp xếp thời gian trò chuyện với các cụ. Tâm sự càng nhiều càng tốt. Điều đó giúp người cao tuổi không rơi vào cảm giác bị bỏ rơi. Hãy yêu thương và chăm sóc, chia sẻ và giúp họ; không để họ cảm thấy cô đơn.

Người thân nên xây dựng cho người cao tuổi môi trường sống thoải mái, vui vẻ, ấm cúng bên con cháu. Hạn chế những cú sốc quá lớn về mặt tâm lý và tránh những lao động quá vất vả để kiếm sống. Khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động tập thể như câu lạc bộ thơ, tổ hưu trí, tập dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe, đi du lịch…

Người cao tuổi không nên sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia... Bên cạnh đó, nên có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và điều độ, ăn uống đầy đủ vitamin và khoáng chất.

Điều trị trầm cảm ở người cao tuổi cần phối hợp hóa dược, các liệu pháp tâm lý và điều biến não mang lại hiệu quả cao hơn. Trầm cảm ở người cao tuổi là căn bệnh cần được sự hỗ trợ từ phía gia đình, người thân và cộng đồng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP