Trong nước

4 hiện vật lịch sử vô giá thu hút du khách

  • Tác giả : Trần Hải
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện trưng bày hơn 150.000 hiện vật, trong đó 4 bảo vật quốc gia vô giá được lưu giữ tại đây thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách.

Với nhiều phương pháp trưng bày mới, kết hợp công nghệ sa bàn 3D mapping, thiết bị màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động Audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật... Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang đem đến trải nghiệm thú vị cho khách tham quan.

Hàng vạn hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Hàng vạn hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ hàng vạn hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia:

Máy bay MiG-21 mang số hiệu 4324. Ảnh: Báo Xây dựng.

Máy bay MiG-21 mang số hiệu 4324. Ảnh: Báo Xây dựng.

1- Máy bay MiG-21 mang số hiệu 4324 được treo cao ngay giữa sảnh chính của Bảo tàng. Đây là loại máy bay chiến đấu phản lực tiêm kích một người lái do Liên Xô cũ sản xuất năm 1965, viện trợ cho Việt Nam. Máy bay MiG-21 số hiệu 4324 được biên chế vào đội hình tiêm kích của Trung đoàn 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ), Sư đoàn 371 từ tháng 1/1967 đến tháng 5/1969.

Chiếc máy bay mang trên mình 14 ngôi sao đỏ tượng trưng cho 14 lần bắn rơi máy bay Mỹ. Trong số 9 phi công đã từng lái chiếc máy bay này, 8 đồng chí được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tiêu biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Cốc đã 9 lần bắn rơi máy bay địch, được thưởng 9 huy hiệu Bác Hồ.

Nguồn: Trần Hải.

Nguồn: Trần Hải.

2- Máy bay MiG-21 mang số hiệu 5121 là hiện vật có giá trị đặc biệt, gắn với tên tuổi những phi công nổi tiếng như Trung tướng Phạm Tuân, Đại tá Vũ Đình Rạng, Đinh Tôn… Trong trận đánh đêm 27/12/1972, Phạm Tuân đã lái chiếc MiG-21 số hiệu 5121 bắn rơi B-52, “pháo đài bay” được coi là bất khả xâm phạm của không quân Mỹ. Trên thân máy bay có 5 ngôi sao màu đỏ, ghi nhận 5 lần bắn rơi máy bay Mỹ.

Nguồn: Trần Hải.

Nguồn: Trần Hải.

3-Xe tăng T-54B mang số hiệu 843 là một trong những chiếc xe tăng đầu tiên húc vào cổng phụ Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Xe tăng 843 thuộc Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 từ tháng 5/1974). Xe tăng 843 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn.

Nguồn: Trần Hải.

Nguồn: Trần Hải.

4- Bảo vật thứ tư là bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh đang tạm thời được bảo quản. Đây là hiện vật có giá trị to lớn, minh chứng cho thành quả lao động sáng tạo, tập trung trí tuệ của Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trải nghiệm công nghệ hiện đại

Điều hấp dẫn người xem, đặc biệt giới trẻ chính là hệ thống trưng bày hiện đại tại tầng 1 của Bảo tàng. Hàng nghìn hiện vật được trưng bày khoa học, phong phú, ứng dụng công nghệ tiên tiến của bảo tàng quốc tế, như sa bàn 3D mapping, màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật.

Ngoài ra, hơn 60 video clip được trình chiếu sinh động về các chiến dịch, trận đánh và nhân vật lịch sử cũng mang đến cho công chúng tham quan một trải nghiệm hoàn toàn mới.

Trong đó, ấn tượng nhất là ứng dụng màn chiếu công nghệ cao cùng phim, sơ đồ, mô hình và sa bàn minh họa các trận đánh, chiến dịch tiêu biểu như: Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954); Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975)...

Trong những ngày đầu mở cửa, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã nhận được sự quan tâm rất lớn của du khách.

Nguồn: Trần Hải.

Nguồn: Trần Hải.

“Chúng em rất hồi hộp, háo hức xem trong bảo tàng có những gì, muốn biết ông cha ta dựng nước và giữ nước như thế nào?”, hai bạn trẻ Nguyễn Xuân Thuận và Nguyễn Diệu Linh hào hứng chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Hỏi, cựu chiến binh ở Hải Phòng đứng trước bức tượng điêu khắc "Nắm đất miền Nam", tỏ rõ xúc động: “Rất hoành tráng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự đã lưu giữ và trưng bày kỷ vật của các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, giúp cho thế hệ trẻ mai sau tự hào về truyền thống vẻ vang của cha ông”.

Không chỉ du khách Việt Nam, du khách nước ngoài cũng bày tỏ hứng thú khi chiêm ngưỡng các hiện vật tại bảo tàng. Anh Gavin Lovett – du khách người New Zealand - chia sẻ: “Tôi đã tham quan nhiều bảo tàng, nhưng nơi đây tôi thấy khá hoành tráng và hiện đại mà nhiều quốc gia không có được, những phụ đề ghi bằng tiếng Anh đọc dễ hiểu”.

Tỏ rõ thích thú khi được trải nghiệm công nghệ hiện đại, chị Hoàng Thu Huyền (Tây Mỗ, Hà Nội) hào hứng khoe: “Tôi quay những clip ngắn được trình chiếu, sau đó chụp mã QR. Khi về nhà các con xem clip, tới đoạn nào thích tìm hiểu có thể quét mã QR qua hình ảnh đã chụp, vô cùng thuận tiện”.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng từ năm 2019 trên diện tích 386.600m2 tại 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Bảo tàng được thiết kế hiện đại, nổi bật với toà tháp Chiến thắng cao 45m ở sân trước. Khối nhà chính có 4 tầng nổi, 1 tầng trệt. Tổng mức đầu tư công trình khoảng 2.500 tỷ đồng.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón khách ngày 1/11. Theo thống kê sơ bộ, tính tới trưa 2/11, có hơn 12.000 lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan.

Bảo tàng phục vụ du khách miễn phí đến hết tháng 12/2024. Trong các ngày từ 3 – 5/11, bảo tàng tạm dừng đón khách để phục vụ công tác tuyên truyền 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trần Hải

BẢN DESKTOP