Dữ liệu y khoa

4 cách ăn chuẩn giúp dự phòng và điều trị tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp đang ngày càng gia tăng. Bệnh lý này hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu có chế độ ăn uống hợp lý.

Người bị tăng huyết áp nên ăn nhiều rau xanh, giảm muối, mỡ, đường trong khẩu phần.

Giảm ăn muối

Ăn nhiều muối làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào đối với natri, ion Na+ sẽ được vận chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp (THA). Ăn nhiều muối gây THA, vì thế uống lợi tiểu thải muối sẽ hạ huyết áp. Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng năm 1992: Người dân Nghệ An ăn trung bình 14g muối/ngày và Thừa Thiên Huế 13g muối/ngày thì tỷ lệ THA là 18%. Trong khi đó, ở Hà Nội người dân ăn trung bình 9g muối/ngày thì tỷ lệ THA gần 11%.

Trong các thực phẩm tự nhiên, natri có nhiều ở thức ăn nguồn động vật như thủy, hải sản, thịt, sữa và các sản phẩm của sữa… Trong 100g thực phẩm, lượng natri có như sau: cua bể (316mg), cua đồng (453mg), tôm đồng (418mg). Trong 100g sữa bò tươi chứa 380mg, sữa bột toàn phần là 371mg. Những thực phẩm có nhiều natri là những loại thịt gia cầm đóng hộp, hun khói, sấy khô. Các loại cá và sản phẩm chế biến như: cá hun khói, đóng hộp, các món ăn cá chế biến sẵn; tất cả các loại rau quả đóng hộp, các loại mắm đóng chai, mì ăn liền,…

Ăn thực phẩm giàu kali, calci, magie

Thực phẩm giàu kali, calci, magie có tác dụng hạ huyết áp đối với bệnh nhân THA. Tác dụng hạ huyết áp của kali do tác dụng tăng thải natri. Kali được phân bố rộng rãi trong thực phẩm và lượng thay đổi khác nhau tùy nhóm thực phẩm: một khẩu phần ăn trung bình cung cấp khoảng 2,5-3,0g kali/ngày. Nhóm rau quả cung cấp kali nhiều nhất như: khoai tây, su hào, bí đao, mướp, đậu đỗ. Sữa cũng nhiều kali, tiếp đến là thịt, trứng, sản phẩm ngũ cốc và các loại rau. Chế độ ăn giàu kali (4-5g/ngày) có thể giảm huyết áp ở những người có tiền sử THA.

Giảm chất béo

Chế độ ăn nhiều chất béo có liên quan đến THA, chế độ ăn giảm chất béo tổng số từ 38-40% năng lượng khẩu phần giảm xuống 20-25% hoặc tăng tỷ lệ giữa acid béo không no và acid béo no từ 0,2 lên 1 thì huyết áp giảm rõ rệt. Bữa ăn bổ sung cá, dầu cá có tác dụng giảm huyết áp, đó là do vai trò của các acid không no n-3 và n-6, ngoài ra chế độ ăn có nhiều cholesterol cũng liên quan tới THA. Những người nghiện rượu, uống rượu thường xuyên có liên quan đến THA. Ở người THA, bỏ rượu thì huyết áp giảm.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55-67% tổng năng lượng trong ngày. Người thừa cân béo phì có thể tính năng lượng theo mức BMI: nếu BMI từ 25-29,9 năng lượng ăn vào là 1.500Kcal/ngày, BMI từ 30-34,9 năng lượng đưa vào là 1.200Kcal/ngày, BMI từ 35-39,9 năng lượng ăn vào là 1.000Kcal/ngày, BMI ≥ 40 thì năng lượng đưa vào là 800Kcal/ngày.

Chất đạm: Năng lượng do protein cung cấp chiếm 13-20% năng lượng khẩu phần, dùng nhiều protein thực vật như đậu đỗ. Ăn ít đường, bánh kẹo ngọt. Theo nhu cầu khuyến nghị không nên ăn quá 25g đường/người/ngày từ tất cả các nguồn thực phẩm, đồ uống, tương đương 5 thìa cà phê đường… Tốt nhất là ăn tinh bột từ các hạt ngũ cốc và khoai củ.

Chất béo: Năng lượng từ chất béo cung cấp từ 20-25% năng lượng khẩu phẩn. Ăn ít mỡ, bơ, nên dùng dầu từ cá, đậu tương, lạc vừng, dầu hướng dương. Với người béo phì ít ăn dầu mỡ hơn, không ăn thức ăn có nhiều cholesterol như: óc, lòng, tim, gan, thận. Mỗi người trưởng thành mỗi ngày trung bình nên ăn khoảng 25-30g dầu, mỡ tương đương 5-6 thìa cà phê dầu, mỡ.

Vitamin và chất khoáng: Cung cấp đầy đủ từ rau xanh và hoa quả chín, đặc biệt là vitamin C, E, A – có nhiều trong rau, quả như giá, đậu đỗ và các vitamin nhóm B: B12, B6, acid folic. Theo nhu cầu của người trưởng thành, cần ăn 400g rau xanh và hoa quả chín/ngày, trong đó ít nhất là 100g hoa quả/ngày.

Thức uống: Nước chè xanh, chè hoa hòe, sữa đậu nành, nước ngô luộc, nước rau luộc có tác dụng lợi tiểu, an thần, hạ huyết áp.

ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến

(Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Từ Khoá

BẢN DESKTOP