Dữ liệu y khoa

3/8 công nhân bị bụi phổi tử vong: Người lao động Việt bị bệnh rất nhiều

  • Tác giả : Thúy Nga
Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao từ những người đàn ông khỏe mạnh, nhiều công nhân làm việc việc tại Công ty TNHH Châu Tiến (xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) mắc bệnh bụi phổi, trong đó 3 người tử vong, 5 đang điều trị.

Thực tế, số lượng công nhân mắc bụi phổi ở Việt Nam vô cùng lớn. Đây là nhóm bệnh gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bụi phổi chiếm 74% trong số 30 bệnh nghề nghiệp

GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Chuyên môn của Bệnh Viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho biết, không khí ô nhiễm, môi trường làm việc bụi bẩn tiềm ẩn nguy cơ bệnh bụi phổi.

Bất kỳ ai tiếp xúc trực tiếp với bụi đều có nguy cơ hít bụi vào phổi dẫn đến mắc bệnh.

Một nghiên cứu cho thấy khoảng 16% công nhân khai thác than ở Mỹ có thể mắc phải tình trạng xơ hóa kẽ do bụi than. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ khác gồm:

Người thường xuyên hút thuốc lá;

Người tiếp xúc với bụi ở mức độ cao;

Người tiếp xúc với bụi trong thời gian dài.

Người có thói quen hút thuốc lá có nguy cơ cao mắc bệnh

Trong danh sách 30 nghề nghiệp nằm trong danh mục thanh toán bảo hiểm y tế, bệnh bụi phổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 74,4% các trường hợp.

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam có gần 28.000 người lao động mắc bệnh, tuy nhiên con số thực tế lại có thể cao hơn gấp nhiều lần.

Phổi có bụi sẽ làm xơ cứng buồng phổi, người bệnh có nguy cơ mất khả năng lao động, thậm chí đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bụi trong phổi là do người bệnh tiếp xúc với những vật liệu có khả năng tán thành những hạt rất nhỏ và xâm nhập vào phổi. Có rất nhiều loại bụi, trong đó thường gặp nhất là amiăng, bụi than và phổ biến nhất là silic.

Bệnh bụi phổi silic được chẩn đoán phổ biến nhất ở những người trên 40 tuổi. Nguyên nhân là sau nhiều năm tiếp xúc với silic, người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng tổn thương phổi rõ ràng.

Đây là căn bệnh tiến triển không hồi phục (không thể chữa khỏi), ngay cả khi người bệnh đã ngừng tiếp xúc với bụi.

Bệnh bụi phổi silic là tình trạng xơ hóa phổi do hít phải bụi có chứa silic. Silic là một tinh thể nhỏ trông giống như pha lê, được tìm thấy trong cát, đá sa thạch, granite, đá phiến, kim loại và quặng than….

Bệnh bụi phổi silic thường hình thành và tiến triển chậm, thường xảy ra sau khoảng 5-10 năm người bệnh tiếp xúc với loại bụi này. Theo thời gian, những tinh thể silic này sẽ tích tụ trong phổi và đường thở của người bệnh. Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh bị khó thở, suy hô hấp, ở mức độ nặng có thể tử vong.

Ngoài bệnh bụi phổi silic, còn có một số bệnh bụi phổi cũng khá phổ biến như bệnh phổi than (thường gặp ở những công nhân mỏ than), bệnh phổi bông (có thể gặp ở người làm việc trong xưởng dệt), bệnh phổi amiang (do hít phải bụi amiang)...

Tất cả đều có điểm chung là gây bệnh theo cơ chế: người bệnh hít phải những hạt nhỏ các chất vô cơ trong quá trình lao động. Đồng thời, bệnh nào cũng sẽ dẫn đến suy hô hấp nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.

Bệnh nhân mắc bụi phổi đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Nghệ An

Bệnh nhân mắc bụi phổi đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Nghệ An

Không phải là một bệnh mà là một nhóm bệnh

GS.TS.BS Châu phân tích, bệnh bụi phổi là một trong nhóm bệnh lý phổi kẽ do hít phải một số loại bụi làm tổn thương phổi. Bệnh thường gặp phải ở nơi làm việc nên còn được gọi là bệnh phổi nghề nghiệp.

Đây là tình trạng tích tụ bụi bẩn trong nhiều năm trong phổi và tiến triển thành bệnh. Khi phổi của người bệnh không thể loại bỏ tất cả các hạt bụi này sẽ dẫn đến tình trạng viêm phổi, có thể gây ra các mô sẹo.

Bệnh cũng gây tổn thương các mạch máu và túi khí trong phổi, khiến các mô bao quanh túi khí và đường dẫn khí trở nên dày hơn, cứng hơn. Tình trạng này được gọi là bệnh phổi kẽ, lúc này người bệnh có thể gặp các triệu chứng khó thở nặng hơn.

Các chuyên gia chia bệnh bụi phổi silic thành 3 nhóm, tùy thuộc vào nồng độ bụi silic trong không khí mà người bệnh chẳng may hít phải.

Bệnh bụi phổi silic cấp tính: phát triển sau từ vài tuần đến vài năm tiếp xúc trực tiếp với bụi silic tự do nồng độ cao. Bệnh tiến triển nhanh với tình trạng phổi bị viêm và xơ hóa rất nặng nên không cung cấp được oxy cho máu, gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp.

Bệnh bụi phổi silic mạn tính: Đây là dạng bệnh bụi phổi silic thường gặp nhất, xảy ra sau một thời gian dài (10 - 30 năm) tiếp xúc trực tiếp với bụi silic (silic nồng độ thấp). Bệnh nhân dễ bỏ qua các dấu hiệu của bệnh mặc dù tổn thương trên phổi có thể được phát hiện thông qua phim X-quang lồng ngực. Biểu hiện đặc trưng nhất của loại bệnh này là bụi silic gây xơ hóa phổi và phì đại các hạch bạch huyết ở lồng ngực, khiến người bệnh khó thở. Ngoài ra, X-quang lồng ngực còn có thể thấy các tổn thương nốt mờ với đường kính dưới 10mm ở thùy trên của phổi.

Bệnh bụi phổi silic tiến triển: Là hậu quả của việc tiếp xúc với bụi silic ở nồng độ cao liên tục trong khoảng 5-10 năm. Theo đó, người bệnh bị viêm, xơ hóa phổi, đồng thời xuất hiện các triệu chứng nhanh hơn so với bệnh bụi phổi silic mạn tính. Những bệnh nhân này có nhiều nguy cơ phát triển các thể bệnh phức tạp trong tương lai như bệnh bụi phổi silic thể xơ hóa khối tiến triển (PMF).

Bên cạnh đó, còn một loại bệnh bụi phổi silic ít phổ biến hơn, như bệnh bụi phổi silic phức tạp để lại nhiều sẹo ở phổi, cùng với sự hình thành các nốt lớn hơn 1cm. Tình trạng có thể trở nên trầm trọng nếu người bệnh mắc thêm các bệnh phổi khác như nấm phổi, lao, nhiễm vi khuẩn lao không điển hình và ung thư phổi…

Thông tin vụ bụi phổi ở Nghệ An

Trong tháng 2/2023, huyện Nghi Lộc đã tiếp nhận 4 báo cáo của 4 xã gồm xã Nghi Hưng, Nghi Phương, Nghi Thuận và Nghi Đồng có 8 người dân, khi làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến bị bệnh bụi phổi.

Trong đó, có 3 người tử vong gồm ông Trịnh Hữu Quang (38 tuổi, xã Nghi Hưng, làm việc từ tháng 4/2017 - 8/2020); ông Trần Trọng Thi (49 tuổi, trú xã Nghi Phương, làm việc từ tháng 10/2017 - 10/2022) và anh Phạm Quang Sơn (28 tuổi, trú xã Nghi Thuận, làm việc từ năm 2019 - năm 2021).

5 người đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng phải rửa phổi, khó thở, thở oxy, sức khỏe suy giảm gồm: Ông Hoàng Văn Sơn (47 tuổi); Bùi Đình Bình (38 tuổi); Trần Ngọc Hoa (45 tuổi) bụi phổi biến chứng sang lao, hiện tại khó thở, đi lại khó khăn; ông Bùi Chính Diện (39 tuổi) và anh Dương Văn Chính (34 tuổi).

Ngày 26/5, UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra Công ty TNHH Châu Tiến đóng trên địa bàn xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Đây là công ty sản xuất bột đá có đến 3 công nhân tử vong, 5 người khác đang điều trị vì bị bệnh bụi phổi.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP