Thời sự

30% ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở chỉ mấy nơi thực hiện được

  • Tác giả : An Quý
3 nhiệm kỳ làm đại biểu quốc hội, PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan cho biết, chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, số địa phương thực hiện được đếm trên đầu ngón tay.

Theo PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, chúng ta phải xem xét “bài học xương máu” chính là thực trạng hệ thống y tế cơ sở.

y-te-co-so
Y tế cơ sở chính là một trong những trụ cột vô cùng quan trọng để tăng cường công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới. Ảnh tư liệu

Y tế cơ sở chính là một trong những trụ cột vô cùng quan trọng để tăng cường công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới.

“Đây không phải lần đầu tiên chúng ta nói về y tế cơ sở. Bản thân tôi tham gia đại biểu quốc hội đến nay là khóa thứ ba, và tôi nhớ, chỉ có một chỉ tiêu, 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn đếm trên đầu ngón tay,” PGS.TS.DS Phong Lan bức xúc.

Chưa kể, 30% đó không đáng kể gì nếu so với sự cần thiết, nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, sự phân bổ ngân sách như thế nào để đáp ứng quy mô dân cư, chứ không chỉ là phân chia về địa lý.

tu-van-y-te-co-so.jpg
Y tế cơ sở không chỉ có vấn đề về tiền, còn vấn đề thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, có hiểu biết đủ để hoạt động tốt. Ảnh tư liệu 

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, với báo cáo phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, chúng ta tương đối kiểm soát được tình hình của dịch bệnh.

Tuy nhiên, về đánh giá, chưa thể hiện rõ rằng chúng ta đã hy sinh mất mát quá nhiều, đặc biệt với những ca tử vong. Hơn 20 ngàn người dân đã ra đi chỉ tính riêng vì Covid-19. Trong khi nhiều bệnh nhân khác đã không được chăm sóc y tế tốt suốt giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn ra, có thể cũng đã gián tiếp ra đi vì Covid-19.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, cần có chính sách xuyên suốt, một chủ trương từ Chính phủ và chỉ đạo cho Bộ Y tế để có chính sách cụ thể.

Nếu không giải quyết được những vấn đề thuộc về căn cơ, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục bị động. Y tế cơ sở không chỉ có vấn đề về tiền, còn vấn đề thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, có hiểu biết đủ để hoạt động tốt.

Hiện nay, theo bà Lan, các chính sách rất “chắp vá”. Ví dụ, trung tâm y tế quận huyện được chia ra làm 3 phần: bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế. Sự phân chia này dựa trên “nguyên lý” đã yếu còn chia ra.

Chúng ta có một bệnh viện chưa đến mức là bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng què quặt và phòng y tế chỉ làm được công việc hành chính.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, ngay tại TPHCM, theo chỉ đạo và chia tách, các trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện thuộc quận huyện lại trực thuộc Sở Y tế. Như vậy, UBND các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc điều phối lực lượng.

Còn những người phụ trách về công tác y tế thực sự, thực chất ở địa phương chỉ còn phòng y tế. Mà phòng y tế chỉ làm chức năng quản lý nhà nước.

Lương không tăng, người không tăng, nhưng cách sắp xếp tổ chức như vậy không hiệu quả. Vì vậy, y tế cơ sở cần tập trung hơn.

An Quý

BẢN DESKTOP