Y học và đời sống

3 nguyên tắc trị liệu Covid-19

  • Tác giả : ThS Hoàng Khánh Toàn
(khoahocdoisong.vn) - Kết hợp biện chứng luận trị và vận dụng “chuyên bệnh chuyên phương”, các nhà Trung y đã xác định được nguyên tắc cơ bản để phòng trị bệnh Covid-19 hiệu quả, kịp thời khống chế dịch bệnh.

Lấy xua đuổi tà khí làm trọng điểm

Các nhà Trung y đã xác định ba nguyên tắc cơ bản trong trị liệu dịch bệnh Covid-19 là:

Biện bệnh vi chủ, biện chứng kết hợp, chuyên bệnh chuyên phương: Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thuộc phạm vi dịch độc trong Đông y, vì vậy, nên dựa vào đặc điểm và biểu hiện bệnh lý của dịch độc để “biện bệnh vi chủ”, lấy việc xua đuổi tà khí làm trọng điểm. Đồng thời, căn cứ vào đặc điểm phát bệnh của dịch độc, tức loại dịch bệnh nào cũng có triệu chứng tương đồng, để vận dụng “chuyên bệnh chuyên phương” một cách hiệu quả, kịp thời khống chế dịch bệnh. Khi bệnh tình đã ổn định cần căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi người bệnh mà “biện chứng luận trị” và dựa trên các bài thuốc cơ bản đã điều trị mà gia giảm cho phù hợp.

Xem trọng chính khí của cơ thể, chú ý biến đổi bệnh lý của tạng phủ, căn cứ vào bệnh tình mà phân loại để điều trị: Mức độ phát bệnh không chỉ dựa vào sức mạnh yếu của dịch độc mà còn dựa vào tình hình mạnh yếu của chính khí trong cơ thể, vì vậy, trong trị liệu phải luôn chú ý và vận dụng linh hoạt cân bằng giữa khu tà và phù chính trong từng giai đoạn của bệnh. Dịch bệnh Covid-19 chủ yếu gây bệnh tại phổi, nhưng khi bệnh tình biến chuyển trầm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều tạng phủ khác. Dịch bệnh diễn biến rất nhanh nên phải tranh thủ từng giây từng phút để cứu tính mạng cho người bệnh, do đó, cần dựa vào tốc độ phát triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh để kịp thời phân chia thành các thể bệnh mà áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp.

Kết hợp Đông Tây y, ưu thế tương hỗ: Đối với thể nhẹ và thể thông thường, nguyên tắc chung là tích cực điều trị triệu chứng, ngăn ngừa bệnh chuyển sang thể nặng. Thuốc Đông y được dùng ngay từ đầu theo pháp chữa: Tuyên phế thấu tà, phương hương hóa trọc, bình suyễn hóa đàm, thông phủ tả nhiệt để khống chế, làm thuyên giảm và điều trị dứt điểm bệnh tình. Đối với thể nặng và trầm trọng, nguyên tắc trị liệu là: Kết hợp Đông Tây y, ưu thế tương hỗ. Bên cạnh việc sử dụng hết sức tích cực các biện pháp của Tây y, cần dùng Đông dược từ sớm và chuẩn xác, lúc cần thiết nên dùng những vị thuốc có công năng thanh tâm khai khiếu, ích khí cố thoát… để góp phần cứu tính mạng cho bệnh nhân và làm giảm tỷ lệ tử vong.

Trong giai đoạn hồi phục, nguyên tắc trị liệu là: Phục trợ chính khí, đề phòng tái phát bằng cách trọng dụng các vị thuốc có tác dụng ích khí dưỡng âm, hoạt huyết hóa ứ, thông lạc tán kết… nhằm mục đích thanh trừ dư tà, phục trợ chính khí, thúc đẩy quá trình hồi phục, làm giảm bớt di chứng và dự phòng bệnh tái phát.

Phương dược

Tùy theo giai đoạn, mức độ và tính chất của bệnh, các nhà Trung y đã lựa chọn, xây dựng và ứng dụng các vị thuốc, bài thuốc có hiệu quả rất đáng khích lệ trong thực tiễn:

Giai đoạn quan sát diễn biến bệnh:

Chưa được chẩn đoán xác định cũng có thể can thiệp bằng Đông y với 2 bệnh cảnh là mệt mỏi kèm theo bụng dạ khó chịu và mệt mỏi kèm theo sốt.

- Nếu có triệu chứng mệt mỏi và bụng dạ khó chịu chọn dùng tinh dầu hoắc hương, tô diệp, bạch chỉ, hậu phác, đại phúc bì, bán hạ, thương truật, bạch linh, cam thảo… để giải biểu trừ thấp, lý khí hòa trung với thành phẩm viên nang hoắc hương chính khí.

- Nếu có triệu chứng mệt mỏi và sốt, chọn dùng kim ngân hoa, liên kiều, thạch cao, chích ma hoàng, hạnh nhân, bối mẫu, tri mẫu, ngưu bang tử, bạc hà, cam thảo, quán chúng, bản lam căn… để sơ phong tuyên phế, thanh nhiệt giải độc với các thành phẩm như viên kim hoa thanh cảm, viên nang sơ phong giải độc, viên nang liên hoa thanh ôn…

Giai đoạn điều trị lâm sàng trường hợp đã được chẩn đoán xác định:

- Bài thuốc dùng chung cho tất cả các thể vào thời điểm thích hợp mà gia giảm cụ thể, gọi là Thanh phế bài độc thang gồm các vị ma hoàng, chích thảo, hạnh nhân, sinh thạch cao, quế chi, trạch tả, trư linh, bạch truật, bạch linh, sài hồ, hoàng cầm, bán hạ, sinh khương, tử uyển, khoản đông hoa, xạ can, tế tân, hoài sơn, chỉ thực, trần bì, hoắc hương, sắc uống, mỗi ngày 1 thang.

Với giai đoạn hồi phục: Có thể chia thành 2 thể sau đây.

- Phế tỳ khí hư: Với triệu chứng thở nông, mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn, bụng trướng, đại tiện phân nát, lưỡi bệu, chất lưỡi nhợt, rêu trắng nhớt. Thuốc dùng: Bán hạ, trần bì, đẳng sâm, chích kỳ, bạch truật, bạch linh, hoắc hương, sa nhân, cam thảo, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Liều lượng cân chỉnh tùy theo từng người.

- Khí âm lưỡng hư: Với triệu chứng mệt mỏi, thở nông, môi khô miệng khát, tâm phiền, mồ hôi nhiều, ăn uống kém, sốt nhẹ hoặc không sốt, ho khan ít đờm, lưỡi khô, mạch tế hoặc hư vô lực. Thuốc dùng: Sa sâm, mạch môn, tây dương sâm, ngũ vị tử, sinh thạch cao, đạm trúc diệp, tang chi, lô căn, đan sâm, sinh cam thảo, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

ThS Hoàng Khánh Toàn

BẢN DESKTOP