Dọc đường

3 ngọn núi bí ẩn nhất Nghệ An

Những sự kiện xảy ra gần đây cũng như những vết tích còn sót lại đang dần hé lộ những bí mật khó tin trong 3 ngọn núi Tướng cụt đầu, cờ rách, trống thủng.

Ba lèn thiêng

Ở Nghệ An, người dân gọi núi đá vôi với từ đặc trưng là “lèn”. Và hầu hết, các lèn đều có những sự tích riêng liên quan đến quá trình tạo thiên lập địa. Trong số hàng trăm nghìn lèn ở xứ Nghệ, đáng chú ý là 3 lèn thiêng từng có tên trong danh sách “bát cảnh Đông Thành” xưa. Đó là Lèn Cờ ở xã Nam Thành (Yên Thành), Lèn Hai Vai xã Diễn Cát và Lèn Trống xã Diễn Minh (Diễn Châu).

Lèn Hai Vai nhìn từ trên núi Lĩnh Sơn.

Truyền thuyết kể rằng, khi giặc giã xâm phạm biên cương, ông Đùng (ông khổng lồ) đã ra tay đánh giặc. Đứng từ trên cao, ông Đùng ném đá vào quân thù và tạo ra 3 lèn lạ, cũng là điềm báo thua trận. Lèn Hai Vai có hình dạng của một ông tướng cụt đầu; Lèn Cờ có hình lá cờ rách; Lèn Trống lại có hình trống thủng.

Cả 3 lèn đều là linh sơn đối với người dân xứ Nghệ. Ở Lèn Trống, từ xa xưa người dân đã dựng ngôi chùa Cổ Am trên đỉnh núi. Ngôi chùa này, quy mô đúng như tên gọi là cái am cổ kính nhưng lại trở thành điểm thờ tự linh thiêng nhất xứ Nghệ.

Từ Quốc lộ 1A, rẽ theo đường 7 đi Lào, khách thập phương đều có cơ hội chiêm ngắm 3 lèn nổi tiếng này. Từ hình dáng lạ đến sự thâm u của lèn đã khơi gợi trí tò mò của người qua đường. Nhưng ít ai biết ngoài sự linh thiêng, 3 lèn này còn chứa đựng nhiều bí mật có thật từng diễn ra trong thời gian không xa.

Hang thắt cổ

Lèn Hai Vai nhìn từ đầu quốc lộ 7 thì nhận rõ hình dạng ông tướng cụt đầu. Nhưng nhìn từ hướng khác lại có hình dạng như một cái búa, hoặc cái mỏ neo. Lèn nhô cao giữa một khu ruộng bằng phẳng và có hai cái hang sâu hoắm vào trong. Các cụ cao niên cho biết, thả quả bưởi vào hang phía Bắc thì quả bưởi sẽ trôi ra dòng sông Bùng cách đó hàng chục cây số.

Hang có dòng chữ ngăn cấm trai gái hai làng lấy nhau.

Hang còn lại ở phía Nam gọi là hang thắt cổ. Khối nhũ đá phía cửa hang từ ngàn đời nay đã tạo tác hình một người thắt cổ thõng xuống dưới. Nhưng theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Quang Liễn: “Hang đó cũng từng có người thắt cổ nên mới gọi là hang chết hoặc hang thắt cổ”.

Theo ông Liễn, Lèn Hai Vai không còn giữ được hình dáng nguyên sơ vì tình trạng khai thác đá trước đây. Mỏm đá của vai bên phải đã bị sập vì đánh mìn. Riêng hang thắt cổ thì hầu như không một ai dám vào vì những lời đồn ma quái. Lèn Hai Vai cũng là di chỉ văn hóa thời Hùng Vương còn sót lại trên đất Nghệ An.

Dòng chữ chia lìa

Cách Lèn Hai Vai không xa là Lèn Trống nổi tiếng với chùa Cổ Am đã được xếp hạng di tích. Theo trí nhớ của các cao niên, chùa trước đây có bậc lên xuống bằng đá chẻ (ngày nay vẫn còn sót lại 1 số viên – PV), thượng điện và bái đường tọa lạc ở lưng chừng núi, xung quanh có núi và cây bao bọc tạo thành thế “tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ”, là vị trí lý tưởng của phong thủy. Chùa làm bằng gỗ, mái lợp ngói vảy, trong chùa trước đây có rất nhiều tượng Phật bằng gỗ và giữ được một số sắc phong.

Tam quan chùa Cổ Am trên Lèn Trống.

Theo Đại đức Thích Tâm Thành, ở Lèn Trống có một cái hang có dòng chữ Nho đục sâu vào đá: Gió đánh cây Son/Gió đập cành Son/Ai về Kẻ Sụm/Đông con mặc lòng. Đó là dòng chữ ngăn cấm trai gái hai làng lấy nhau vì những xích mích truyền kiếp của làng Trung Phường và làng Kẻ Sụm của xã Diễn Minh.

Ông Đặng Quang Liễn cho biết: “Dòng chữ ấy là có thật, việc cấm trai gái hai làng lấy nhau cũng là có thật. Nhưng cấm từ thời nào thì không ai biết rõ, mãi đến những năm sau bao cấp thì hai làng mới hòa hợp và tự do kết hôn với nhau, phá bỏ lời nguyền khắc đá trên hang Lèn Trống”.

Khi chúng tôi leo lên đỉnh núi, chạm tới cửa hang thì gặp một toán thợ đang mở đường vào hang. Phía cửa hang có một mâm lễ cúng đang hương khói nghi ngút. Hỏi ra mới biết, vì mấy lần dùng khoan phá đá mà không được, máy tự dưng hỏng hoặc chỉ trượt mũi khoan ra chỗ khác.

Nhưng lạ là từ khi sư thầy chùa Cổ Am làm một mâm lễ cúng đặt ngoài cửa hang thì mọi chuyện lại bình thường. Nhóm thợ đá xác nhận trong hang có dòng chữ Nho khắc sâu vào đá. Nhưng vì hang rất sâu lại tối, bất tiện cho khách tham quan nên nhà chùa xin phép chính quyền mở đường lên hang đảm bảo an toàn.

Những cái chết ở Lèn Cờ

Từ quốc lộ 7 đến xã Nam Thành là dãy Lèn Cờ có hình dạng như một lá cờ bị rách. Nơi đây đã từng xảy ra vụ sập mỏ đá kinh hoàng làm 18 người chết, trong đó 11 nạn nhân là phụ nữ cùng nhiều người khác bị thương nặng.

Ông Nguyễn Thọ Phương, bố hai nạn nhân Nguyễn Thọ Hoàng và Nguyễn Thọ Vũ tử vong trong vụ sập mỏ đá vào mờ sáng 1/4/2011 tâm sự: “Hơn ba năm trôi qua nhưng chúng tôi vẫn không nguôi được nỗi đau. Vì mất mát quá lớn nên chúng tôi bị ám ảnh cho đến bây giờ. Chỉ cần nhắc đến Lèn Cờ là nỗi kinh hoàng và sự thảm khốc lại hiện rõ như mới xảy ra ngày hôm qua”.

Từ khi vụ sập mỏ đá ở Lèn Cờ lấy đi sinh mạng của 18 nạn nhân, người làng đặt câu hỏi: Phải chăng cái tên Lèn Cờ như một định mệnh báo trước ở đây sẽ có cờ đại tang. Bởi từ xa xưa, các cụ cao niên đã nghe câu truyền miệng “voi đứt tai, cờ gãy cán”. Lèn Cờ là con ngựa bạch, ai đụng vào chân nó sẽ bị nó đá. Bởi vậy, khi khai thác đá ở dưới chân lèn nên mỏ bị sập.

Cũng từ khi xảy ra vụ sập mỏ đá, người quanh Lèn Cờ đồn thổi về những oan hồn lẩn khuất đâu đó. Nhất là vào những đêm trăng suông hoặc mưa dầm, không ai dám lại gần lèn vì nghe rõ những tiếng than khóc trong gió. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, đó chỉ là những lời đồn không có căn cứ của kẻ xấu.

“Cho đến nay, sự liên hệ mật thiết giữa 3 lèn thiêng nổi tiếng ở Nghệ An vẫn còn nhiều bí mật mà hầu như không có bất cứ tài liệu nào ghi chép lại. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cần kíp phải bảo vệ di chỉ văn hóa thời Hùng Vương, tránh tất cả các hành vi xâm phạm. Bởi vì, các lèn này không chỉ có giá trị về lịch sử mà còn có giá trị về tín ngưỡng tâm linh lâu đời”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Quang Liễn

Trần Hòa

BẢN DESKTOP