Dữ liệu y khoa

3 lần mổ cứu trẻ sơ sinh có nội tạng nằm ngoài ổ bụng

  • Tác giả : Thúy Nga
Trẻ bị thoát vị cuống rốn to hơn 6cm khiến toàn bộ nội tạng ruột, gan trong ổ bụng trẻ thoát ra ngoài, tạo thành một khối lồi khổng lồ. Các bác sĩ đã phẫu thuật đưa toàn bộ khối thoát vị vào ổ bụng cứu sống trẻ.

Ngay khi chào đời, bé T.M.T. (con mẹ C.T.H., Quỳnh Lưu) có khối thoát vị cuống rốn to hơn 6 cm, tình trạng nguy kịch sau sinh đã được các y bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cứu sống.

Ngày 17/03, sản phụ C.T.H. (Quỳnh Lưu, Nghệ An) sinh mổ ở tuần thai 38 tại BV Sản Nhi Nghệ An. Bé trai cân nặng 3000g chào đời với sự chuẩn bị cấp cứu khẩn trương ngay trong phòng mổ, bởi trước đó, trong quá trình khám thai ở tuần 12, trẻ đã được phát hiện thoát vị rốn, nội tạng ruột, gan trong ổ bụng trẻ thoát ra ngoài, tạo thành một khối lồi khổng lồ tại vùng bụng trẻ.

Bệnh nhi được hội chẩn liên khoa Hồi sức tích cực và Ngoại khoa, các bác sỹ xác định, đây là một trường hợp dị tật thai nhi hiếm gặp và rất khó xử trí. Khối thoát vị có đường kính khoảng 6 x7 cm, gan và ruột ở trong khối thoát vị, thể tích ổ bụng trẻ rất nhỏ. Bao khối thoát vị đã bị thủng.

3 lần mổ cứu trẻ sơ sinh bị nội tạng thòi hết ra khỏi ổ bụng - Ảnh BVCC

3 lần mổ cứu trẻ sơ sinh bị nội tạng thòi hết ra khỏi ổ bụng - Ảnh BVCC

Các bác sỹ tiên lượng trẻ bị thoát vị nặng, nguy cơ nhiễm trùng, suy hô hấp, tỷ lệ tử vong cao. Thời gian điều trị sẽ kéo dài, trẻ cần nhịn ăn và phải phẫu thuật nhiều lần, kết hợp với phương án hồi sức tích cực, theo dõi chặt chẽ.

Êkíp hội chẩn quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bé trước, sau đó tạo hình và phục hồi vùng thành bụng. Trẻ đã trải qua 3 lần phẫu thuật phức tạp, hai lần đầu ca phẫu thuật mở rộng ổ thoát vị của trẻ, che phủ gan và ruột bằng túi vô khuẩn, treo gan và ruột để các tạng này có thể vào lại ổ bụng từ từ. Sau các ca phẫu thuật, bệnh nhân được thở máy, an thần, giãn cơ sâu.

Lần thứ ba, trẻ được phẫu thuật đẩy gan vào ổ bụng, tạo hình thành bụng. Sau 3 ca phẫu thuật, các nội tạng, gan, ruột của trẻ đều đã nằm trong ổ bụng.

Với sự chuẩn bị kỹ càng của gia đình và bác sỹ ngay từ khi em bé còn là bào thai, nên ngay khi chào đời, phác đồ điều trị cứu bé đã được triển khai đúng theo kế hoạch. Nhờ vậy, dù bé không may mắc phải dị tật rất phức tạp, cần can thiệp sơ sinh ngay khi cất tiếng khóc chào đời, nhưng mọi việc đều thông suốt.

Sau ca mổ, trẻ tiếp tục được theo dõi tích cực ở khoa hồi sức tích cực ngoại, trẻ được duy trì lợi tiểu, truyền kháng sinh, thuốc hỗ trợ tim mạch, chống nhiễm trùng, nuôi dưỡng tích cực. Tình trạng sức khỏe trẻ cải thiện dần.

Sau 50 ngày điều trị, bệnh nhi đã cai được máy thở ,tập bú, tình trạng sức khỏe ổn định và đủ điều kiện xuất viện vào ngày 5/5.

Thoát vị cuống rốn (omphalocele) là một dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa và thần kinh rất hiếm gặp. Thoát vị cuống rốn xảy ra với tình trạng nội tạng trong ổ bụng chui ra ngoài, tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Tuỳ theo kích thước của khối này mà bên trong chứa dịch, hoặc lẫn vừa dịch vừa có nội tạng cơ thể như: Ruột non, ruột già, gan, dạ dày hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng.

"Trường hợp của bé T.M.T. là một trong nhiều thành công trong việc phát hiện chuyên khoa Sản-Nhi nhằm can thiệp kịp thời những dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Việc được theo dõi sớm, dự đoán tình hình và các can thiệp cần thiết, các dị tật dù khó nhưng cũng có hướng xử trí thuận lợi hơn và tỉ lệ trẻ được cứu sống cũng cao hơn.

Vì vậy đối với các bà mẹ đang mang thai, việc tầm soát, thăm khám thai thường xuyên là vô cùng quan trọng" - Các bác sĩ Sản Nhi Nghệ An khuyên

Thúy Nga

BẢN DESKTOP