Chứng khoán

3 cổ phiếu “sáng cửa” trong nhóm ngành xây dựng

  • Tác giả : Anh Nhi
SSI nhận định trung lập với ngành xây dựng năm 2024, tuy nhiên vẫn đưa 3 cổ phiếu vào danh sách theo dõi với triển vọng tích cực hơn.

Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024, SSI cho biết, các cổ phiếu xây dựng cơ sở hạ tầng có biến động giá mạnh trong năm 2023 phản ánh tác động của chu kỳ đầu tư công tăng lên, dẫn đến mức tăng trưởng backlog của các nhà thầu.

Tăng trưởng doanh thu của các công ty xây dựng.

Tăng trưởng doanh thu của các công ty xây dựng.

Doanh thu của một số nhà thầu tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2022-2023 cùng với đợt điều chỉnh giá lớn diễn ra trong năm 2022 khiến hệ số giá/doanh thu của cổ phiếu xây dựng khá hợp lý, nếu so sánh với hệ số trung bình 5 năm.

HHV, CTD, VCG triển vọng tích cực

Với các phân tích của mình, SSI nhận định trung lập với ngành xây dựng năm 2024, tuy nhiên vẫn đưa 3 cổ phiếu vào danh sách theo dõi với triển vọng tích cực hơn.

CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV): Các dự án BOT tạo ra dự kiến sẽ duy trì ổn định và có mức tăng trưởng tốt. Đồng thời dự kiến sẽ có một lượng backlog đáng kể trong giai đoạn 2024-2025 khi doanh số bán hàng tổng thể trong ngành xây dựng tăng lên.

Các dự án BOT tiềm năng (Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, cầu Mỹ Thuận 2) đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng kinh doanh của HHV. Một trong những dự án này là cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh dài 93 km (tổng vốn đầu tư là 20.900 tỷ đồng trong đó HHV góp 30% số vốn), được khởi công vào tháng 1/2024 và dự kiến vận hành từ năm 2026 trở đi trong thời gian 24 năm và 10 tháng.

Trong năm 2024, công ty dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu công khai và riêng lẻ, từ đó có thể thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.

CTCP Xây dựng Coteccons (CTD): Trước những điều kiện đầy thách thức, tốc độ tăng trưởng backlog của CTD trong quý 1/2024 cho thấy khả năng phục hồi vượt trội trong quý và cả năm 2024.

CTD vừa công bố việc mua lại hai công ty (cơ điện và nhôm kính) để phát triển thi công mặt tiền và giúp nâng cao biên lợi nhuận của hoạt động xây dựng. Biên lợi nhuận gộp của mảng này dự kiến rơi vào khoảng 15%.

CTD duy trì vị thế thanh khoản mạnh. Chất lượng các khoản phải thu đã được cải thiện đáng kể khi công ty sắp hoàn thành việc lập hồ sơ dự phòng cho các khoản nợ khó đòi.

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG): Tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ ngành xây dựng với sự đóng góp đáng kể từ một số dự án lớn: Sân bay Long Thành (VCG là thành viên liên doanh, với tổng giá trị trúng thầu là 1,8 tỷ USD cho đến năm 2026), đường vành đai 4 quanh Hà Nội (Gói XL2 của dự án này dự kiến thực hiện trong 3 năm kể từ năm 2024, ước tính khoảng 1.810 tỷ đồng).

SSI kỳ vọng giá trị backlog sẽ tiếp tục gia tăng do VCG sở hữu lợi thế khác biệt nhờ chuyên môn và vị thế nổi bật trong số các nhà thầu, đặc biệt là trong các dự án quy mô lớn sẽ đấu thầu vào năm 2024.

Ngành xây dựng sẽ tăng trưởng chậm lại

SSI cho biết, theo kế hoạch phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2025, quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng trong ngân sách năm 2024 vẫn ở mức cao, do đó đảm bảo tăng trưởng doanh thu và backlog cho các nhà thầu. Tuy nhiên, mức tăng trưởng sẽ chậm lại do mức nền so sánh cao trong năm 2023.

Trong khi đó, sự cải thiện của ngành xây dựng dân dụng có mối liên hệ mật thiết với sự khởi sắc của ngành bất động sản. Dựa trên mức thấp các dự án mới được phê duyệt trong 9 tháng đầu năm 2023 (giảm 47% so với cùng kỳ) mặc dù 2022 cũng ghi nhận mức nền so sánh thấp, đơn vị phân tích dự báo thị trường xây dựng nhà ở sẽ không có nhiều phục hồi trong nửa đầu năm 2024.

Mảng xây dựng công nghiệp vẫn có tiềm năng mở rộng do dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Về triển vọng lợi nhuận, SSI cho rằng các nhà thầu xây dựng dân dụng hiện chưa có nhiều khởi sắc và khó cải thiện trong nửa đầu năm 2024. Trong khi đó, các nhà thầu cơ sở hạ tầng có thể kỳ vọng tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận do xu hướng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tiếp tục diễn ra trong giai đoạn 2024-2025; tuy nhiên lợi nhuận năm 2023 được coi là mức nền so sánh khá cao.

Biên lợi nhuận của toàn ngành xây dựng đang giảm, có thể là do đòn bẩy cao cũng như cạnh tranh khốc liệt và tính chất phân tán của ngành. Lợi nhuận của các nhà thầu khác nhau tùy thuộc vào đòn bẩy tài chính và cơ cấu chi phí. Các nhà thầu cơ sở hạ tầng có xu hướng có biên lợi nhuận cao hơn (trên 5%) so với các nhà thầu dân dụng (khoảng 5% trước năm 2020 và giảm xuống khoảng 1% trong những năm gần đây).

Xét về mặt định giá P/E, SSI cho rằng khả năng sinh lời thấp khiến P/E của cổ phiếu xây dựng tương đối cao. Mức định giá P/E cao này có thể là do lợi nhuận của các nhà thầu giảm sút và không ổn định. Điều này cho thấy cổ phiếu ngành xây dựng chưa hấp dẫn để đầu tư dài hạn, bên cạnh yếu tố đòn bẩy cao và khả năng sinh lời thấp (thể hiện qua biên lợi nhuận và ROE thấp). Theo quan điểm của công ty chứng khoán, diễn biến vượt trội của các cổ phiếu ngành xây dựng trong năm 2023 đã phản ánh hết tiềm năng trưởng lợi nhuận trong năm 2024.

Anh Nhi

BẢN DESKTOP