Bình luận

3 cán bộ đi công tác nước ngoài hết 1.7 tỷ đồng: Quá kinh khủng!

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng cho rằng, việc cán bộ đi giới thiệu, xúc tiến thương mại ở nước ngoài là cần thiết để phát triển đầu tư của địa phương. Song dù có đi đâu thì các khoản chi cũng phải thực hiện đúng theo quy định. Nếu cố tình đề xuất những khoản vượt quá quy định thì có thể gọi là tham nhũng chứ không phải là lãng phí.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, ảnh Trần Hải.

Moi được bao nhiêu thì moi

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch đã trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá bản dự trù kinh phí cho đoàn công tác đi Mỹ với kinh phí là 1 tỉ 732 triệu đồng. Sau đó, ngày 6/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt với điều chỉnh mức kinh phí là 688 triệu đồng. Kinh phí được lấy từ nguồn hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư và thương mại trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2018.  Về bản dự trù kinh phí, dư luận cho rằng chuyến đi công tác 3 người nhưng số tiền dự chi gần 2 tỉ đồng là lớn, trong đó lại chủ yếu phục vụ ăn ở, đi lại, hơn nữa, đã đi công tác xúc tiến đầu tư mà phải thuê phiên dịch gần 108 triệu đồng là điều không nên. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Đúng là nếu 3 người đi công tác ở Mỹ trong khoảng 10 ngày mà hết đến 1,7 tỉ đồng như đề xuất là quá kinh khủng. Ngay như chuyên gia cao cấp của Việt Nam làm việc ở trong nước, khi đi công tác cũng chỉ có kinh phí khoảng 200-300 USD/ngày. Chuyện đi nước ngoài với khoản kinh phí quá lớn, với những khoản chi được cho là “bày vẽ”, thể hiện rõ mấu chốt vấn đề nằm ở cơ chế xin – cho hiện nay. Thôi thì xin được bao nhiêu cứ xin, được cho bao nhiêu thì cứ dùng. Người ta không tính toán việc đi nước ngoài ấy dựa trên hiệu quả, cho nên đâu đó có những khoản chi lớn bất ngờ.

Ở đây nhu cầu đi là có thật, nhiệm vụ đi cũng là cần thiết, chỉ có điều chi phí lớn quá?

Điều dư luận băn khoăn cũng có cơ sở. Rõ ràng việc đi quảng bá địa phương để xúc tiến đầu tư là rất cần thiết. Nhưng phải thực hiện đúng cơ chế tài chính theo quy định, chứ không có chuyện vượt các quy định được. Ở đây tôi muốn nói đến tình hình chung là có nơi, việc đi nước ngoài là do “xin được” chứ không phải là nhiệm vụ cần phải đi. Do đó dự trù các khoản chi cũng “trên trời”. Nhiều khi người ta cứ bày vẽ ra, moi được bao nhiêu thì moi chứ không có nhu cầu thật.

Phải chăng ở nước ngoài thì chi phí phải lớn?

Tôi đi nhiều nước tôi biết, giá cả ở Mỹ cũng như ở châu Âu thôi. Phòng khách sạn bình thường cũng chỉ khoảng 200 USD/đêm thôi. Ăn uống, đi lại cũng không chênh lệch nhiều đến thế so với ở Việt Nam. Trong khi theo dự toán thì phòng khách sạn là 450 USD/đêm là quá cao. Rồi nếu hai phụ nữ hoặc đàn ông thì hoàn toàn có thể ở chung phòng để tiết kiệm chi phí, cớ gì phải mỗi người một phòng. Chưa cần biết hiệu quả của chuyến đi như thế nào, chỉ cần biết là các khoản chi đó có đúng với quy định tài chính không.

Chuyện cán bộ đi giới thiệu về địa phương mà lại phải thuê phiên dịch thì sao?

Thực ra cũng không thể đòi hỏi cán bộ nào cũng phải thông thạo ngoại ngữ, nhưng khi lựa chọn người để tham gia vào các hoạt động này, thì cần thiết phải có cán bộ có đủ trình độ ngoại ngữ để thực hiện nhiệm vụ. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, lựa chọn người có đủ trình độ để đi công tác nước ngoài cũng là một vấn đề cần bàn.

Biến tướng của tham nhũng

Việc dự trù kinh phí từ 1,7 tỷ đồng mà giảm xuống còn gần 700 triệu đồng, chứng tỏ là số tiền 1 tỉ đồng giảm đi đó là lãng phí, không cần thiết?

Tôi cho rằng đây là biến tướng của tham nhũng chứ không còn đơn giản là lãng phí nữa. Không phải họ cố “vẽ” ra khoản này khoản kia để cán bộ được ăn chơi phung phí, mà tôi đặt câu hỏi có hay không sự tham nhũng, chia chác nhau khoản chênh lệch? Chuyện biến tiền công quỹ để chia chác cho các cá nhân tranh thủ từ những khoản đi công tác, không phải là không có.

Vì đâu lại có hiện tượng đó?

Đó là sự giám sát lỏng lẻo của các bộ phận liên quan. Người ta có thể lên dự trù kinh phí như thế hoặc cao hơn nữa, nhưng bộ phận kế toán đâu, kiểm tra đâu. Căn cứ vào tiêu chuẩn dành cho các cán bộ mà thực hiện chứ đâu thể cứ đề xuất lên càng cao càng tốt. Kế toán phải rà soát sổ sách, quy định, tại sao lại đề xuất lên như vậy?

Liệu có cách nào chặn được kiểu tham nhũng này?

Chuyện cán bộ đi nước ngoài nhiều nhưng hiệu quả thấp, lãng phí ngân sách đã được nói đến nhiều. Để khắc phục, chắc chỉ có cách khoán. Nghĩa là ngân sách giao cho một khoản tiền nhất định với các đầu công việc phải thực hiện được. Ví dụ, giao cho trung tâm xúc tiến thương mại 100 tỷ cho đi công tác, nhưng phải kêu gọi đầu tư được 1000 tỷ. Phải khoán trắng như thế thì mới mong có hiệu quả thực sự.

Nhưng nhiều khi đi công tác chỉ là học hỏi kinh nghiệm, khó đo đếm?

Học hỏi thì cũng phải có những tiêu chí cụ thể. Kể cả tiêu chí về người được đi, có trình độ như thế nào mới được đi học hỏi, giao lưu. Nhưng trước khi có thể khoán được, hãy thực hiện kiểm tra giám sát chặt chẽ, theo đúng quy định về các chế độ mà cán bộ được hưởng. Kể cả là cán bộ lãnh đạo ở cấp nào, cũng phải thực hiện đúng, thì sẽ không có chuyện tham nhũng biến thái.

Cán bộ đừng “tranh thủ”

Ở góc độ là cán bộ được đi nước ngoài công tác, theo ông nên có những tiêu chí cụ thể nào không?

Đừng chọn người đi theo kiểu cứ lãnh đạo thì được đi, có chức vụ thì được đi, mà phải chọn đúng người đi phù hợp với chức năng nhiệm vụ của chuyến đi. Ví dụ đi mời gọi đầu tư thì phải có người am hiểu thương mại, luật, ngoại ngữ, hiểu về địa phương. Có như thế thì chất lượng, hiệu quả các chuyến công tác nước ngoài mới được nâng lên và chi phí cho chuyến đi cũng giảm đi. Ví dụ thay vì phải thuê hàng trăm triệu tiền phiên dịch thì không cần nữa.

Làm thế nào để hạn chế chuyện cán bộ lợi dụng việc đi nước ngoài để “nghỉ dưỡng”, “du lịch”?

Thực ra cũng ít khi có chuyện cán bộ cố tình lợi dụng chuyện đi nước ngoài để tiêu tiền ngân sách cho sướng. Thậm chí nhiều người khi đi còn cố gắng tiết kiệm, đi lại bằng phương tiện công cộng, ở khách sạn giá rẻ. Vì sao lại có sự khác nhau đó, xuất phát từ tính tự giác, lòng tự trọng của mỗi người và trách nhiệm với công việc. Nếu cán bộ đừng tranh thủ đi làm là để đi chơi, đi cho biết, mở mang đầu óc… thì tôi tin việc cán bộ đi nước ngoài là cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

Theo quyết định được phê duyệt thì nhiều mục chi được bỏ hoặc hạn chế rất nhiều so đề xuất của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch. Theo đó, tiền vé máy bay cho tất cả các chặng là 282.906.000 đồng; tiền ăn với mức ăn hạng B là 63.180.000 đồng; tiền thuê phòng nghỉ với tổng kinh phí cả ở Los Angeles và ở Hawaii là 265.356.000 đồng. Số phòng nghỉ chỉ là 2 phòng cho 3 người thay vì 3 phòng như đề xuất trước đó. Các loại chi phí khác như thuê xe ôtô, phiên dịch; điện thoại đều giảm nhiều.

Theo bảng dự trù kinh phí, số tiền chi cho đi lại của 3 cán bộ là gần 1,5 tỉ đồng, cụ thể: Tiền thuê phòng nghỉ: 398 triệu đồng (3 người ở 3 phòng; tại Los Angeles giá phòng là 450 USD/phòng, Hawaii là 840 USD/phòng); tiền thuê phương tiện đi lại 359,424 triệu đồng; chi các buổi làm việc 370,773 triệu đồng; thuê phiên dịch tiếng Anh gần 108 triệu đồng… Số tiền chi cho in ấn tài liệu và tặng phẩm khoảng 200 triệu đồng.  

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP