Dữ liệu y khoa

3 bệnh nhi 17 - 19 tháng bị chó cắn nhập viện

  • Tác giả : Khánh Phương
(khoahocdoisong.vn) - Ngày 16/6, TS.BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, trong 1 tháng qua Bệnh viện đã tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp bệnh nhi chưa được 2 tuổi bị chó cắn, dẫn đến thương tích nghiêm trọng ở vùng đầu, mặt.

Đó là bệnh nhi L.N.D. (17 tháng tuổi, ngụ tại tỉnh Tiền Giang), nhập viện trong tình trạng có nhiều đường rách lớn ở vùng hàm mặt, vết thương thiếu hổng nhiều vùng da, lộ tổ chức cơ, mỡ, xương, răng. Trước đó, bé đang ăn xúc xích và bị chó nhà hàng xóm lao đến cướp miếng xúc xích, cắn vào vùng mặt và đầu khiến bé bị thương nặng, rách môi, rách vùng má và 3 vết thương nặng ở vùng da đầu lộ xương.

Nhiều bệnh nhi mới 17 - 19 tháng bị chó cắn thương tâm phải nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

Nhiều bệnh nhi mới 17 - 19 tháng bị chó cắn thương tâm phải nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

BSCKI Nguyễn Minh Hằng, Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt cho biết, ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khám đánh giá tổn thương của bé và tiến hành phẫu thuật trong đêm nhằm bảo tồn khuôn mặt. Ca phẫu thuật kéo dài 3,5 giờ với 7m chỉ để khâu lại toàn bộ vùng mặt cho bệnh nhi.

Một bệnh nhi 18 tháng tuổi khác từ Bình Dương chuyển tới là bé Đ.Q.V. nhập viện trong tình trạng có một đường rách lớn trên má phải. Bệnh nhi vô tình vấp phải con chó nhà nuôi đang ngủ nên bị chó cắn vào mặt. Bệnh nhi được đưa đến một bệnh viện quận để cấp cứu khâu lại vết thương. Tuy nhiên sau đó, vết thương bị nhiễm trùng, bệnh nhi đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM để điều trị.

Trường hợp thứ 3 là bệnh nhi L.N.G.H. ở Tây Ninh mới vừa 19 tháng tuổi, vô tình đến gần con chó nhà đang ăn, nên bị chó cắn rách da vùng má phải với vết thương lớn, lộ cơ, mô mỡ… Các bác sĩ cũng mất hơn 3 giờ đồng hồ và 5m chỉ để khâu vá lại vết thương cho bệnh nhi.

Chó càng lớn càng có khả năng gây tổn thương cho trẻ nặng nề, trầm trọng (Ảnh minh họa).

Chó càng lớn càng có khả năng gây tổn thương cho trẻ nặng nề, trầm trọng (Ảnh minh họa).

Theo TS.BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, hằng năm tại khoa đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn gây thương tích nghiêm trọng, để lại vết thương sâu, khó hồi phục, ảnh hưởng nhiều cơ quan quan trọng của trẻ như mắt, mũi, miệng.

“Hơn thế nữa, răng chó và móng chó rất bẩn, nên các bệnh nhi dễ bị nhiễm trùng uốn ván hay nhiễm virus dại. Dù được cấp cứu, xử trí, tuy nhiên quá trình theo dõi tình trạng của các bệnh nhi thường phải kéo dài với nguy cơ để lại những sẹo xấu, nghiêm trọng hơn như tổn thương hệ thần kinh gây méo miệng, không nhắm được mắt, sang chấn tâm lý ở bệnh nhi...”, TS.BS Nguyễn Văn Đẩu cảnh báo.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nên nuôi chó khi có trẻ nhỏ, hoặc cách ly trẻ khỏi chó để tránh những tình huống gây nguy hiểm cho trẻ, không được chủ quan với chó nuôi trong mọi trường hợp. Chó càng lớn, khả năng gây tổn thương cho trẻ càng nặng nề, trầm trọng. Nên hạn chế thả rông chó đến các khu vực công cộng có nhiều trẻ nhỏ. Khi cho chó ra ngoài cần rọ mõm và dây xích.

Khánh Phương

BẢN DESKTOP