Doanh nghiệp

3,000 tỷ vốn bảo trì đường sắt vẫn chưa được phân bổ vì vướng cơ chế

  • Tác giả : Quốc Trọng
Lý do vẫn như cũ: vướng cơ chế, nên các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Đường sắt không thể ký hợp đồng bảo trì kết cấu hạ tầng.

Thông tin từ các đơn vị thành viên của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, hiện các đơn vị này vẫn chưa ký hợp đồng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt để có kế hoạch thực hiện duy tu, bảo trì hệ thống đường sắt vận hành đảm bảo an toàn chạy tàu.

Việc chậm ký hợp đồng này được dự báo sẽ gây khó khăn cho kế hoạch triển khai duy tu bảo dưỡng đảm bảo an toàn đường sắt.

Trước đó, ngày 5/1, Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 với quy mô 3.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ so với năm 2021. Trong đó, chi bảo dưỡng thường xuyên hơn 2.694 tỷ đồng.

Bộ GTVT ủy quyền Cục Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng đặt hàng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo Tổng Công ty Đường sắt, việc Bộ GTVT giao Cục Đường sắt đặt hàng với Tổng công ty thực hiện cung cấp dịch vụ công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt  có nhiều vướng mắc, xung đột với các quy định pháp luật chuyên ngành đường sắt và thực tiễn công tác triển khai thực hiện. 

Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt là đơn vị duy nhất có đủ điều kiện để tổ vừa tổ chức điều hành giao thông vận tải, vừa thực hiện công tác bảo trì mà vẫn đảm bảo công tác chạy tàu.

Trong trường hợp như năm 2021 trở về trước, giao nhiệm vụ bảo trì cho các chủ đầu tư sẽ do cơ quan khác ngoài Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện, sẽ xuất hiện tình trạng không nắm rõ thực trạng, trạng thái kỹ thuật hạ tầng đường sắt, không nắm rõ nhu cầu vận tải đường sắt và trình tự “vừa thi công vừa chạy tàu”, ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo an toàn tàu…

Do đó, Tổng công ty Đường sắt đã đề nghị từ năm 2022, Bộ GTVT đặt hàng việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp với Tổng công ty. 

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP