Đời sống

29% trẻ em và thanh niên Việt Nam có vấn đề tâm thần

Nghiên cứu của Unicef cho thấy 8-29% trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam mắc các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, 2,3% trẻ vị thành niên tự tử.

Sáng nay, Bộ LĐ-TB&XH cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) công bố kết quả nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết, có khoảng 10% dân số nước ta gặp các vấn đề về tâm thần, tâm lý, trong đó có khoảng 200.000 người tâm thần nặng đang phải điều trị.

Trong cộng đồng, số người dân, trẻ em có biểu hiện rối nhiễu tâm trí như lo âu, trầm cảm, cảm giác bị bỏ rơi do tác động kinh tế xã hội, gia đình đang có chiều hướng gia tăng nhưng chưa được quan tâm.

Dẫn chứng trường hợp nữ học sinh lớp 7 tại Hà Tĩnh tự tử trong lớp học do lo âu, buồn chán, bà Lan cho rằng nếu được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời về tâm lý, hoàn toàn có thể ngăn chặn những sự việc đau lòng tương tự.

Để có bức tranh toàn cảnh về sức khoẻ tâm thần của nhóm đối tượng trẻ em, vị thành niên, thanh niên Việt Nam, Unicef nghiên cứu nhóm đối tượng 11-24 tuổi tại 4 tỉnh gồm Hà Nội, TP.HCM, Điện Biên, Hà Giang theo 2 phương pháp tiếp cận chính: Từ tài liệu có sẵn và nghiên cứu định tính.

Các vấn đề sức khoẻ tâm thần phổ biến ở trẻ em và thanh niên Việt Nam là lo âu, trầm cảm, sự đơn độc (hướng nội) và các vấn đề hướng ngoại như tăng động, giảm chú ý.

TS Fiona Samuels.

TS Fiona Samuels, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, tỉ lệ mắc các vấn đề sức khoẻ tâm thần chung ở trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam từ 8-29%, từ mức độ nhẹ chưa phải điều trị đến nặng.

Tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử là 2,3%, dù thấp hơn tỉ lệ chung toàn cầu (9%) nhưng đang có xu hướng gia tăng. Trong số 409 người từng nghĩ đến tử tự có 102 người đã từng tìm cách tự tử, trong đó nhóm tự gây tổn hại bản thân như rạch tay hay tự nhốt mình ở nữ cao hơn nam.

Nguyên nhân tự tử chủ yếu do thất bại trong các mối quan hệ tình cảm, mâu thuẫn trong hôn nhân, các vấn đề trong trường học, gia đình và do sự e dè trong chia sẻ cảm xúc.

Nhóm nghiên cứu đánh giá, khó có thể đưa ra số liệu chính xác nhưng các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, tâm lý xã hội đang gia tăng, lan rộng, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Trong các yếu tố nguy cơ, sự cô lập là căn nguyên quan trọng, kế đó là sử dụng quá nhiều internet; gia đình quá nghiêm khắc, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ, lo sợ bị “la mắng”; áp lực học tập, thiếu sự hỗ trợ, bắt nạt; sống xa gia đình; thất bại trong mối quan hệ tiêu cực…

Em Trình Quốc Trung, 19 tuổi, Hà Nội – một trong những trường hợp được khảo sát chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến trẻ em, thanh niên dễ mắc các vấn đề về tâm thần do sự phát triển quá đà của công nghệ khiến mọi người cách xa nhau hơn, người người ngồi cạnh nhau trong quán cà phê nhưng không nói chuyện với nhau.

Em Trình Quốc Trung mong muốn các trường học có phòng tâm lý.

“Trong gia đình, các ông bố, bà mẹ chỉ chăm chăm làm việc, con trẻ tỏ ý muốn nói chuyện nhiều hơn liền được quăng cho cái điện thoại, iPad. Em đã tự hỏi rằng, khi lớn lên, tuổi thơ của những đứa trẻ này sẽ thế nào khi chỉ là điện thoại, máy tính”, Trung chia sẻ và mong muốn các trường học sẽ có các phòng tâm lý để mọi học sinh có thể được chia sẻ và được lắng nghe.

Nhiều chuyên gia trong nước cho rằng, nghiên cứu có dải số liệu quá dài và quá rộng. Riêng các nhóm nguy cơ liên quan đến internet, kinh tế thị trường, có ý kiến cho rằng đây là những vấn đề tất yếu của phát triển, quan trọng là đương đầu như thế nào.

An Nhiên (tổng hợp)

BẢN DESKTOP