Thời sự

2020 - 2021: Hơn 1.600 nhân viên y tế xin nghỉ việc

  • Tác giả : An Quý
Trong 10 tháng đầu năm 2021, 988 nhân viên y tế ở TPHCM nộp đơn xin nghỉ việc, tăng gần gấp 2 lần so với cả năm 2020 là 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc.

Thông tin trên được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đưa ra tại cuộc họp báo chiều 27/11 về tình hình dịch của địa phương trong 4 ngày gần nhất.

Xu hướng xin nghỉ việc gia tăng ở một số bệnh viện và tuyến trạm y tế, đặc biệt là bác sĩ ở trạm y tế, điều dưỡng.

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, các nguyên nhân được thống kê là do hoàn cảnh gia đình, yếu tố cá nhân…

lay-mau-cong-dong.jpg
Kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, nhân viên y tế nâng công suất làm việc lên đến 300%. Một người choàng 10 việc, đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Ảnh tư liệu 

Kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, nhân viên y tế nâng công suất làm việc lên đến 300%. Một người đảm nhận nhiều công việc khác nhau.

Lực lượng nhân viên y tế sớm khuya chống dịch: Lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng; theo dõi, chăm sóc và điều trị F0 tại nhà; tiêm văcxin ngừa Covid-19, hướng dẫn tư vấn cách ly y tế… Nhiều nhân viên y tế đã 5 - 6 tháng chưa về nhà.

Theo BS Phan Thanh Tùng, Trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), mỗi nhân viên y tế phải gồng gánh trên 17.000 dân.

Hiện lương nhân viên y tế tại Trạm y tế chỉ khoảng 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo ThS.BS Huỳnh Mai, với đặc thù môi trường y tế ở TPHCM, bác sĩ không làm việc ở hệ thống công lập, có thể xin nghỉ việc và ra làm ở các bệnh viện hay cơ sở y tế tư nhân.

Vì vậy,  dù làm việc ở công hay tư nhân viên y tế đều phục vụ công tác khám và điều trị cho người dân.

Vì vậy, theo ThS.BS Huỳnh Mai, Sở Y tế TPHCM đang đưa ra đề án chăm sóc F0 tại nhà với sự tham gia của phóng khám tư nhân, hy vọng có thêm nguồn nhân lực phục vụ.

cham-soc-bn-covid.jpg
Kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, nhiều nhân viên y tế đã 5 - 6 tháng chưa về nhà. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, ngành y tế đã chuẩn bị trên 31.000 giường bệnh, số bệnh nhân đang điều trị trên 11.000 người (cả bệnh viện tầng 2 và tầng 3) nên không có chuyện hệ thống y tế quá tải.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, từng kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho Trạm y tế, thay vì tối đa không quá 10 biên chế/trạm như hiện nay sẽ nâng lên thành tối đa không quá 20 biên chế/trạm.

Bà Lê Thị Bé Ngoan, Phó Chủ tịch UBND quận 7, chia sẻ, quận xác định ít nhất 10.000 dân phải có một trạm y tế, và còn phải tăng lên nữa so với giai đoạn cao điểm dịch.

Quận 7 hiện có 828 tổ y tế tự quản trên tổng số 735 tổ dân phố, để từ đó hình thành các tổ chăm sóc F0.

tu-van-nguoi-dan-cach-ly-y-te.jpg
Xu hướng xin nghỉ việc gia tăng ở một số bệnh viện và tuyến trạm y tế, đặc biệt là bác sĩ ở trạm y tế, điều dưỡng. Ảnh tư liệu 

Hiện tại, quận 7 đã thành lập được 21 trạm y tế lưu động, trong đó có 12 trạm từ các phòng khám đa khoa, 2 trạm từ bệnh viện tư nhân, một phòng khám từ khu chế xuất Tân Thuận.

Quận 7 có 25 bác sĩ, 33 điều dưỡng và 42 tình nguyện viên ở các trạm phường. 50 bác sĩ được vận động tham gia vào các phòng khám chuyên khoa. Hiện, quận đang chuẩn bị đưa vào vận hành thêm 2 trạm y tế lưu động nữa.

An Quý

BẢN DESKTOP