Thời sự

20 phút “giành lại” sự sống cho bệnh nhân ngừng tim trên đường đến bệnh viện

  • Tác giả : Thúy Nga
Bị hen phế quản, khó thở trên đường chuyển viện bằng taxi bệnh nhân đã ngừng tim, ngừng thở. Thực hiện phương pháp ép tim và hạ thân nhiệt chỉ huy đã giúp người bệnh “hồi sinh”.

Người bệnh N.T.T có tiền sử hen phế quản đang điều trị tại một bệnh viện tư nhân ở Vĩnh Phúc vì tình trạng khó thở. Trong thời gian điều trị, gia đình chưa thấy hiệu quả nên muốn chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển bằng taxi (không có nhân viên y tế đi cùng), người bệnh xuất hiện tím tái, bất tỉnh khi chỉ còn cách bệnh viện khoảng 4 km.

Tại Khoa Cấp cứu – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh đã được xác định ở trạng thái ngừng tim, ngừng thở.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, hồi sinh tim phổi cho người bệnh. Đồng thời, tập trung toàn lực, thực hiện các biện pháp hồi sinh tim phổi tích cực nhất như ép tim, bóp bóng, dùng thuốc trợ tim, sốc điện… kiên trì “giành giật” lại sự sống cho người bệnh.

Ảnh minh họa: Kỹ thuật ép tim cấp cứu ngừng tim, ngừng tuần hoàn - ảnh BVCCẢnh minh họa: Kỹ thuật ép tim cấp cứu ngừng tim, ngừng tuần hoàn - ảnh BVCC

Sau 20 phút cấp cứu liên tục, người bệnh đã có tim đập trở lại nhưng còn hôn mê sâu, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch. Khoa Cấp cứu tiếp tục các biện pháp hồi sức và liên hệ chuyển người bệnh về Khoa Hồi sức tích cực để chăm sóc hồi sức đặc biệt.

Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, người bệnh được áp dụng những kĩ thuật chuyên sâu nhất trong lĩnh vực hồi sức: thở máy, lọc máu, thăm dò huyết động PiCCO,… và đặc biệt là kỹ thuật “hạ thân nhiệt chỉ huy”.

Hạ thân nhiệt chỉ huy là một kỹ thuật điều trị tiên tiến, chuyên sâu, sử dụng kĩ thuật làm lạnh để giảm và kiểm soát thân nhiệt, giúp giảm tỷ lệ tử vong và các biến chứng ở người bệnh sau ngừng tuần hoàn nhờ đó hỗ trợ bảo vệ não, chống viêm/phù não, cải thiện tưới máu và cung cấp oxy, do đó não có nhiều cơ hội hồi phục hơn, mang lại kết quả điều trị tốt đồng thời hạn chế di chứng thần kinh.

Người bệnh hồi phục sau thời gian điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Ảnh BVCCNgười bệnh hồi phục sau thời gian điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Ảnh BVCC

Sau 1 tháng điều trị, người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn, tự thở tốt qua canuyn mở khí quản, có thể đi lại, sinh hoạt cá nhân được, không để lại di chứng thần kinh và được ra viện, tiếp tục theo dõi sức khỏe định kì.

“Chứng kiến cảnh con gái ngừng thở, gia đình chúng tôi đã gần như từ bỏ mọi hy vọng. Cảm giác tuyệt vọng xâm chiếm, tôi đã gọi về cho người nhà thông báo để chuẩn bị mọi thứ… May mắn, nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, con gái tôi đã được cứu sống.” - Người nhà của người bệnh T chia sẻ:

Thúy Nga

BẢN DESKTOP