Dọc đường

20 năm internet ở Việt Nam

Hơn 20 năm trước, những người bạn Úc và các sinh viên Việt Nam học tại đất nước chuột túi đã là những người đầu tiên thiết lập cầu nối Internet giúp VN kết nối với thế giới.

Cặp bài trùng Trần Bá Thái và giáo sư Rob Hurle.

Từ cái máy tính lớn

Chúng tôi liên lạc với giáo sư Rob Hurle khi ông đang ở Đức thăm gia đình con trai. “Tôi rất vui khi được kể lại câu chuyện này với các bạn, đó là một trong những khoảng thời gian khá thú vị của tôi” – giáo sư Hurle trả lời email.

Sinh năm 1940, Rob Hurle sau khi tốt nghiệp đại học đã làm giáo viên dạy sinh học ở vài trường trung học thuộc bang Victoria (Úc). Bốn năm sau, ông mới quan tâm đến máy tính và tham gia Trung tâm Khoa học tự nhiên quốc gia Úc.

Năm 1987, Rob Hurle trở thành giáo sư ở ANU, một chuyên gia công nghệ thông tin đồng thời là nhà nghiên cứu Đông Nam Á rất sành sõi ngôn ngữ Bahasa (được Indonesia và Malaysia sử dụng). “Nghiên cứu Đông Nam Á và đi rất nhiều nước ở khu vực này, vậy mà tôi chưa từng một lần đến VN” – ông nói.

Vào những năm cuối thập kỷ 1980 đầu 1990, các sinh viên ở ANU thường dùng máy tính lớn (mainframe computer) để thống kê và làm các công việc liên quan.

 Máy tính cá nhân thời điểm đó không đủ mạnh để làm các việc này nên chủ yếu chỉ dùng để đánh chữ và gửi thư điện tử. 

Giáo sư Rob Hurle kể khi tiếp xúc với các sinh viên VN, ông nghe họ tâm sự rằng khi quay trở về VN cũng chỉ có thể dùng các máy tính cá nhân vốn không đủ để thực hiện các công việc cần thiết và như vậy không tận dụng được những gì đã học ở Úc. “Tôi lấy làm băn khoăn lắm” – ông nói.

Tìm đến Việt Nam

Từ nỗi băn khoăn đó, năm 1991 ông quyết định đến VN để du lịch.

“Khi đó tôi mang theo một cái modem rất to và tặng ông Phạm Bích San – một trong những sinh viên VN đang học ở Úc, để các sinh viên VN ở Úc có thể dễ dàng liên lạc với các máy tính lớn từ VN. 

Thật là buồn cười vì lúc đó tôi chẳng có thông tin gì về VN nên không hề biết rằng cái modem to đùng này là một gánh nặng, vì để gọi một cuộc điện thoại từ VN sang Úc mất 5 USD/phút trong khi lương các kỹ sư máy tính của VN chỉ khoảng 20 USD/tháng” – ông nhớ lại.

Nhưng thực tế đó đã giúp ông suy nghĩ tìm cách làm thế nào liên lạc với VN mà ở phía Úc có thể chịu đựng được chi phí (điện thoại quốc tế khoảng 2 USD/phút nhưng lương kỹ sư ở Úc lúc đó khoảng 3.500 USD/tháng).

Sau đó vài tháng, ông quay lại VN và liên lạc với một Việt kiều Mỹ, người này đề nghị ông liên lạc với ông Trần Bá Thái ở Viện Công nghệ thông tin tại Hà Nội.

“Lúc này tại ANU chúng tôi đã thực hiện những thay đổi quan trọng làm thay đổi hệ thống máy tính lớn, các máy tính ở ANU đã được thay bằng máy nhỏ nhưng có cấu hình cao hơn chạy bằng hệ thống UNIX. 

Tôi bàn với ông Thái và một vài người bạn thực hiện thí nghiệm liên lạc tới VN từ Úc. Tôi viết thêm một vài phần mềm cho hệ thống UNIX nhằm kết nối modem để liên lạc với VN, từ VN các bạn sẽ truy nhập vào hệ thống UNIX và kết nối được với Internet. 

Ông Thái lúc đó có thể email cho các đồng nghiệp khác trên toàn thế giới. Đó chính là lúc chúng tôi dùng email hanoi@coombs.anu.edu.au” – ông Rob Hurle kể.

Theo lời giáo sư Rob, ông và ông Thái chưa hề gặp nhau mà chỉ nói chuyện trên điện thoại. 

Tháng 9-1993, Công ty viễn thông Úc Telstra tài trợ một cuộc hội thảo ở Hà Nội. Công ty này mời ông đến Hà Nội và tại hội thảo này ông đã gặp ông Thái lần đầu để rồi ngồi lại bàn xem có thể làm gì để phát triển Internet.

Lý do giúp Việt Nam

Giáo sư Rob kể: “Cùng thời gian này tôi cũng hỗ trợ các cơ quan chính phủ, ngân hàng, viện nghiên cứu, thư viện quốc gia ở Philippines, Bangladesh và cả Trung Quốc kết nối Internet, nhưng nỗ lực và dành nhiều thời gian công sức nhất vẫn là cho VN. 

Có nhiều lý do để tôi làm việc này. Đầu tiên là tôi gặp nhiều du học sinh, sinh viên VN ở Úc với tinh thần hiếu học nhưng khi về VN lại không có cơ hội sử dụng các kiến thức này, và tôi cứ tự vấn mình làm thế nào để các bạn ấy có thể dùng kiến thức của họ khi trở về. 

Chính điều đó đã thúc đẩy tôi tìm kiếm cách thức kết nối các bạn với thế giới. 

Kế đến là tôi cảm thấy có lỗi khi Úc đã tham chiến trong cuộc chiến tranh VN và tôi là một công dân Úc, tôi muốn làm điều gì đó để có thể đền bù lại cái sai mà đất nước chúng tôi đã đối xử với đất nước các bạn”.

Cũng chính nhờ có thời gian làm việc với Philippines nên giáo sư Rob mới biết tên miền domain.ph ở Philippines đã bị một cá nhân đăng ký và người này muốn bán lại cho chính phủ với một số tiền rất lớn. 

Ông nghĩ VN thế nào cũng có tình trạng tương tự khi có nhiều kiều bào sống ở nơi đã có Internet phát triển nên đã bàn với ông Thái nhanh chóng đăng ký và giữ được cái tên miền domain.vn vào năm 1994.

Nhân viên làm việc tại Công ty Global Cybersoft Việt Nam trong công viên phần mềm Quang Trung, Q.12, TP.HCM – Ảnh: Quang Định.

Các mốc thử nghiệm Internet ở VN

Việc thử nghiệm Internet ở Việt Nam bắt đầu từ sự hợp tác giữa ông Trần Bá Thái và các cộng sự với nhóm của giáo sư Rob Hurle thuộc ĐH Quốc gia Úc để phát triển thử nghiệm mạng VAREnet (Vietnam Academic Research & Educational Network) vào năm 1994. NetNam khi đó chưa là doanh nghiệp mà chỉ là một mạng dịch vụ của Viện Công nghệ thông tin.

Sau đó, Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học – công nghệ và môi trường (Bộ KH&CN hiện nay) liên kết với mạng Toolnet của Hà Lan vào năm 1994.

Vào năm 1995, Trung tâm Khoa học và công nghệ thuộc Sở KH-CN&MT TP.HCM liên kết với nút mạng ở Singapore vào năm 1995 với tên gọi là mạng HCMCNET.

Năm 1996, Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) thuộc Tổng công ty Bưu chính viễn thông (VNPT) tại hai địa điểm Hà Nội và TP.HCM thông qua hai cổng quốc tế 64 Kb/giây kết nối Internet Sprintlink (Mỹ).

Hoàng Bách (tổng hợp)

BẢN DESKTOP