Y học và đời sống

2 người nhập viện nghi ngộ độc khi ăn nhầm so biển

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Con so và con sam đều sống ở vùng ven biển, trong các vịnh, đầm nước mặn và các cửa sông, hình thù giống hệt nhau nên dễ nhầm lẫn...

Theo thông tin trên Báo VietNamNet, mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng liên quan làm rõ 2 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm do ăn so biển tại một quán ăn trên địa bàn TP Bà Rịa.

Theo báo cáo ban đầu, vào tối 9/12, ông N.Q.L. và D.N.C. (cùng 46 tuổi, trú xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến ăn tối tại quán ốc K. trên đường Điện Biên Phủ, phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa.

Phân biệt con sam biển và con so biển. Ảnh Internet

Phân biệt con sam biển và con so biển. Ảnh Internet

Các món ăn bao gồm sò dương, sò huyết, bào ngư, sam nướng, bò cuộn kim châm, tôm sốt thái.

Đến khuya cùng ngày, ông L. có các triệu chứng như tê buốt răng miệng, chóng mặt và được đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu. Sau đó, ông này lên cơn co giật mạnh, được chuyển sang Khoa hồi sức tích cực và chống độc. Còn trường hợp ông C. cũng nhập viện nhưng chỉ bị đau bụng, nôn ói.

Cả hai người này đều được chẩn đoán ngộ độc do ăn nhầm con so biển với sam biển. Hiện ông L. đã qua cơn nguy kịch, đang truyền than hoạt tính.

Thận trọng khi lựa chọn sam biển và so biển

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), con so và con sam đều sống ở vùng ven biển, trong các vịnh, đầm nước mặn và các cửa sông, hình thù giống hệt nhau nên dễ nhầm lẫn.

Con sam biển (tên khoa học Tachypleus tridentatus) thường phân bố vùng ven biển, sống từng cặp, mỗi cặp làm tổ để sinh sống cùng nhau. Mỗi cặp sam thường đẻ rất nhiều trứng do đó người ta thường bắt sam để lấy trứng ăn là chính.

Sam trưởng thành nặng 1,5-2 kg. Chúng có vỏ cứng như mai cua, mình tròn vẹt, đường kính khoảng một gang tay (20 cm), dưới bụng có tám chân càng nhỏ, bơi rất chậm và bò như cua. Sam cái nặng khoảng 1 kg, sam đực nhỏ hơn, chỉ nặng bằng nửa sam cái. Đuôi sam có gờ mặt lưng rất rõ, hình tam giác.

Trong khi đó, so biển (tên khoa học Carcinoscorpius rotunicauda) là một loài có độc, khi ăn có thể dẫn đến chết người. Loài này sống ở ven biển, nơi các lạch nước ngọt.

Chúng có hình dạng rất giống sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển khoảng 20-25 cm, không kể đuôi, toàn thân màu xanh nâu đậm. Đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn.

Theo đó, điểm khác biệt rất dễ nhận thấy là sam lúc nào cũng đi đôi, còn so biển nhỏ hơn sam và chỉ đi một mình.

Để phòng, chống ngộ độc, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thận trọng khi lựa chọn sam biển và so biển. Tuyệt đối không ăn so biển kể cả thịt và trứng của chúng.

Giang Thu (Tổng hợp)

BẢN DESKTOP