Đời sống

190 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn: Dấu ấn một chặng đường phát triển

  • Tác giả : Thùy Linh
Mảnh đất xứ Lạng đã tạo nên nhiều dấu ấn sử sách qua các thời kỳ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Hướng tới kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 - 4/11/2021) chính là cơ hội để toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn ôn lại lịch sử hào hùng, phát huy hơn nữa truyền thống đáng tự hào mà nhiều thế hệ người dân Lạng Sơn đã góp mồ hôi, xương máu xây dựng nên.
anh-ky-niem-190-nam.jpg

Bề dày truyền thống lịch sử là niềm tự hào đồng thời là nền tảng để Lạng Sơn phát triển

Lạng Sơn là một trong những tỉnh có bề dày lịch sử phát triển đáng tự hào trong số 63 tỉnh, thành của cả nước. Ngay từ khi nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam là Văn Lang được thành lập, Lạng Sơn thuộc bộ Lục Hải. Đến thời Lý, khi hệ thống hành chính được tổ chức quy củ với các đơn vị hành chính như lộ, phủ, châu, vùng đất Lạng Sơn chủ yếu thuộc Lạng Châu.

Trong thời nhà Trần, vào những năm 1220, vùng đất Lạng Sơn thuộc lộ Lạng Giang, một trong 12 lộ, phủ, và sau đổi thành phủ Lạng Sơn. Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nhà Lê chia đất nước thành 4 đạo Đông, Nam, Tây, Bắc, trong đó, Trấn Lạng Sơn được xếp vào Bắc đạo. Thời vua Lê Thánh Tông, đất nước được chia nước thành 12 thừa tuyên, trấn Lạng Sơn được đổi thành thừa tuyên Lạng Sơn, sau đó được đổi thành tỉnh Lạng Sơn gồm 1 phủ và 7 châu, vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831).

Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước ta, tỉnh Lạng Sơn lần lượt được đổi tên thành quân khu, đạo quan binh, rồi quay lại tên gọi cũ là tỉnh Lạng Sơn. Đầu Thế kỷ XX, tỉnh Lạng Sơn có 1 phủ và 9 châu. Sau khi miền Bắc được giải phóng, ngày 1/7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 268/SL thành lập Khu tự trị Việt Bắc gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và huyện Hữu Lũng của tỉnh Bắc Giang. Tháng 4/1976, tỉnh Lạng Sơn hợp nhất với tỉnh Cao Bằng thành tỉnh Cao Lạng, sau đó lại tách ra vào năm 1978. Ngày 17/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2002/NĐ-CP, về việc thành lập thành phố Lạng Sơn, thuộc tỉnh Lạng Sơn, từ đây tỉnh Lạng Sơn có 10 huyện, 01 thành phố.

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, Lạng Sơn đóng vai trò cửa ngõ phên giậu của Tổ quốc, nơi có ải Phia Lũy, Chi Lăng kiên cường và những người con Xứ Lạng anh dũng đã đánh bại các cuộc xâm lăng của kẻ thù, giữ yên bờ cõi. Không một cuộc chiến lớn nào của dân tộc thiếu đi sự đóng góp xương, máu của con dân Lạng Sơn. Ngay từ thời kháng chiến chống quân Tống xâm lược Thế kỷ XI, các đội dân binh vùng Văn Uyên, Thoát Lãng đã hỗ trợ quan quân triều Lý tiêu diệt quân xâm lược, lập nên những chiến công vang dội ở vùng biên ải.

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, các đội dân binh của Lạng Sơn đóng góp không nhỏ vào chiến thắng vẻ vang của nhà Trần. Thời kỳ chống quân xâm lược Minh Thế kỷ XV, các đội dân binh của Lạng Sơn đã sát cánh cùng nghĩa quân Lam Sơn tạo nên chiến thắng hào hùng, được lịch sử ghi nhận tại ải Chi Lăng lịch sử. Chiến dịch thần tốc của vua Quang Trung tiêu diệt quân Thanh xâm lược có dấu ấn đậm nét của các đội dân binh Lạng Sơn.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã anh dũng đứng lên chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Truyền thống đấu tranh yêu nước chống giặc ngoại xâm qua nhiều thế hệ đã nuôi dưỡng sức mạnh, tạo nên khí phách bất khuất cho người dân Lạng Sơn.

Sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước có phần đóng góp không nhỏ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn

anh-ls-190-nam.jpg

Không chỉ anh dũng trong thời chiến, Lạng Sơn còn là một trong những tỉnh đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời bình. Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước được độc lập, Lạng Sơn đã bắt tay vào phát triển kinh tế, đồng thời sát cánh cùng bộ đội biên phòng, bộ đội chủ lực bẻ gãy nhiều cuộc tấn công, buộc Trung Quốc phải rút khỏi toàn tuyến biên giới trong những năm cuối của thập kỷ 70. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục ổn định đời sống, sản xuất, đồng thời tích cực xây dựng thế trận phòng thủ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới.

Lạng Sơn trong thời kỳ đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội có những bước chuyển dịch tích cực từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển, cụ thể như giai đoạn từ 2015 - 2020; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (gấp 1,44 lần so với năm 2015); toàn tỉnh đã có 65/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có gần 3.000 doanh nghiệp của cả nước thường xuyên tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, tổng kim ngạch xuất khẩu qua địa bàn bình quân hằng năm tăng 6,1%; tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 82% tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng, có hiệu quả, năng lực hội nhập quốc tế được nâng lên.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, chất lượng giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ rõ nét, đến năm 2020 toàn tỉnh có 225/694 trường hợp đạt chuẩn quốc gia; có 145/200 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã, đạt 72,6%, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%; năm 2020 có 77% hộ gia đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 78% thôn, bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là đồng bào vùng cao, vùng biên giới ngày càng được cải thiện.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã giành được những thành tựu nổi bật quan trọng: Kinh tế liên tục phát triển, nhịp độ tăng trưởng đạt khá cao; GDP bình quân tăng hàng năm 7,53%; tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, bộ mặt của tỉnh Lạng Sơn đã có những thay đổi đáng kể. Chính quyền tỉnh đã lãnh đạo nhân dân phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Lạng Sơn phát triển bền vững, đạt được kết quả khả quan, như kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá cao, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được khai thác triệt để, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, quốc phòng, an ninh được tăng cường, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Bắt kịp xu hướng của cả nước và thế giới, Lạng Sơn đang tích lũy nguồn lực cho các bước nhảy vọt

lang-son.jpg

Là một tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc, đồng thời có 2 cửa khẩu lớn là Tân Thanh và Hữu Nghị, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng và cơ hội để tạo đà cho nền kinh tế có bước phát triển nhảy vọt. Bất chấp những khó khăn của dịch bệnh Covid-19, Lạng Sơn tiếp tục đưa ra nhiều chính sách, phương án xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tế để thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Việc tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập, vướng mắc; tạo sự gắn kết hơn nữa giữa chính quyền và doanh nghiệp FDI tại địa phương đã thúc đẩy đáng kể các doanh nghiệp đầu tư vào Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nắm bắt được xu hướng chuyển đổi số, Lạng Sơn đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm số hóa toàn diện các lĩnh vực của tỉnh nhằm tạo ra khả năng phát triển nhảy vọt thời gian tới. Lạng Sơn đã xác định, quá trình chuyển đổi số phải được bắt đầu từ chính quyền cấp cao nhất là cấp tỉnh, đồng thời tập trung trọng điểm vào các thế mạnh của tỉnh là hai cửa khẩu. Dự án xây dựng “cửa khẩu số” được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao đáng kể lợi thế cạnh tranh của tỉnh, từ đó tạo đà cho những bước phát triển nhảy vọt.

Với sức trẻ kết hợp với kinh nghiệm, trí tuệ và nhiệt huyết, Đảng bộ, chính quyền và người dân Lạng Sơn đang viết tiếp truyền thống phát triển 190 năm hào hùng của tỉnh mà các thế hệ cha anh đã xây dựng.

Thùy Linh

BẢN DESKTOP